Người dân Pháp biểu tình lên án vụ thảm sát ở thủ đô Paris. Ảnh: Reuters |
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức tư pháp Mỹ xác nhận anh em Cherif và Said Kouachi “nằm trong danh sách giám sát khủng bố của Mỹ từ vài năm qua”. Washington xác định cả hai là nghi can khủng bố và bị cấm bay đến Mỹ.
Trước đó báo New York Times dẫn lời một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ khẳng định Said Kouachi từng ở Yemen vài tháng trong năm 2011 và được Al-Qaeda huấn luyện cách sử dụng vũ khí và một số kỹ năng giết người khác.
“Máu chảy đầy mặt đất”
Trong khi đó một người sống sót trong vụ thảm sát tại Paris đã kể lại những gì ông trải qua trong thời khắc kinh hoàng.
Đài phát thanh France Info dẫn lời nhà báo Laurent Leger kể khi hai kẻ tấn công xông vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo và nổ súng, ông đã trốn dưới một chiếc bàn.
“Chúng tôi đang chuẩn bị kết thúc cuộc họp thì nghe những tiếng nổ như tiếng pháo ở bên ngoài", ông Leger kể. "Kẻ cầm súng trông giống như một cảnh sát đặc nhiệm, hắn đeo mặt nạ, mặc đồ đen, cầm súng bằng cả hai tay”.
"Chỉ trong vài giây tất cả mọi người ngã gục xuống đất”, ông Leger đau đớn kể.
Ban đầu các thành viên tạp chí Charlie Hebdo tưởng rằng đây là một trò đùa. Nhưng khi mùi thuốc súng bốc lên khét lẹt và từng người ngã xuống họ mới biết đó là sự thật.
Rồi đột nhiên mọi tiếng động ngừng lại. Ông Leger sau đó nghe thấy tiếng bước chân và nhận ra rằng tên giết người đã quay trở lại.
Ông nghe hắn trao đổi vài câu với một kẻ khác và phát hiện có hai kẻ tấn công. “Tôi tưởng chúng sẽ đi vòng quanh để tìm người sống sót", ông Leger cho biết. "Nhưng chúng bỏ đi vì thi thể nằm la liệt trong phòng khiến chúng khó di chuyển".
Khi đó ông Leger và vài người sống sót khác đứng dậy, lao tới tìm cách giúp đỡ những người trúng đạn. “Tôi thấy máu chảy đầy mặt đất. Tôi vẫn không hiểu mình thoát chết như thế nào. Tất cả mọi thứ diễn ra quá nhanh. Không thể tưởng tượng nổi”.
Luật sư của tạp chí Charlie Hebdo khẳng định tuần tới tạp chí sẽ phát hành tới 1 triệu bản thay vì 60.000 như thường lệ để chứng minh rằng khủng bố không thể đè bẹp được tự do ngôn luận.
Nhà báo Leger cho rằng việc phát hành số tuần tới là vô cùng quan trọng. “Chúng tôi không muốn đây là số báo về cái chết. Tôi muốn tạp chí tiếp tục cuộc chiến chống lại sự ngu dốt, chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa cực đoan”. Biểu tình quốc tế
Trong hôm qua, hàng chục nghìn người ở nhiều quốc gia đã biểu tình rầm rộ để lên án vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo.
Theo AFP, hàng nghìn người đã tập trung ở quảng trường République tại Paris, cầm theo giấy ghi dòng chữ “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie).
Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Đại sứ quán Pháp ở Washington và khẳng định sẽ hỗ trợ Pháp chống khủng bố. Ảnh: Reuters |
Tượng đài ở quảng trường ngập đầy hoa, nến và tranh biếm họa. Nhiều người biểu tình cũng cầm theo bút, biểu tượng của tự do báo chí.
Tại hai thành phố The Hague và Rotterdam ở Hà Lan, người biểu tình lên án chủ nghĩa cực đoan. “Hôm nay tất cả chúng ta đều là người Paris, đều là thành viên tạp chí Charlie Hebdo”, thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb khẳng định bằng tiếng Pháp.
Ở Rome (Ý), vài nghìn người biểu tình trước cửa Đại sứ quán Pháp để bày tỏ sự ủng hộ. Tại Moscow (Nga), hơn 100 người bất chấp cái rét -10 độ C đã đến đặt hoa trước cửa Đại sứ quán Pháp.
Tình báo Anh cảnh báo nguy cơ khủng bố ở phương Tây
Hôm qua ông Andrew Parker, giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Anh (MI5), cảnh báo chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria đang lên kế hoạch “tấn công gây thương vong lớn” tại phương Tây và các cơ quan tình báo có thể không ngăn chặn nổi nguy cơ này.
Theo báo Guardian, ông Parker cho rằng các công dân phương Tây từng tham chiến ở Syria đã thấm “tư tưởng cực đoan điên rồ” và có thể thực hiện các vụ tấn công ở quê nhà.
Ông Parker mô tả vụ thảm sát tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo là lời cảnh báo khủng khiếp cho thấy những mối đe dọa mà phương Tây đang phải đối mặt.