Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên). Ảnh: Như Ý. |
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) lưu ý đến việc cần rất chú ý đến chất lượng cuộc sống của người dân, cả về thể chất và tinh thần.
“Tôi hết sức lo ngại khi gần đây diễn ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, vụ việc liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng, thông tin xấu độc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm hình sự, gây bất an trong xã hội, chi phối sự tập trung của doanh nghiệp, người dân cho phát triển kinh tế”, bà Yên nói.
Đáng lưu ý, theo đại biểu, những vụ việc cháy nhà trọ đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương vừa qua, cho thấy “lỗ hổng” trong việc tuân thủ các quy định về PCCC và quản lý Nhà nước có liên quan.
Đại biểu đoàn Điện Biên cho rằng, nước ta ngày càng đông dân, đô thị thì chật hẹp, nhiều người dân chưa có nhà ở, nhiều người từ nông thôn tới thành thị kiếm sống, học tập phải ở trong các khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu các phương án phòng cháy chữa cháy, thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn.
“Vấn đề ở đây là trách nhiệm bảo vệ cuộc sống của người dân của các cấp chính quyền trong công tác quản lý đô thị, quản lý xây dựng, phòng cháy chữa cháy, kinh doanh nhà trọ… như thế nào để không bao giờ xảy ra những sự việc đau lòng như vừa qua nữa”, bà Yên cho hay.
Theo Phó Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên, cử tri tha thiết và mong muốn công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Trung ương cũng như địa phương được thực hiện một cách thực chất hơn, nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Qua đó, cần tăng cường số hóa để bảo đảm quy trình, thủ tục theo luật định, có cơ chế pháp lý rõ ràng, đảm bảo tránh những rủi ro, tăng cường trách nhiệm cho cả người dân, cán bộ công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết các vụ việc.
“Vừa qua, việc đùn đẩy trách nhiệm, giấy tờ qua lại giữa các cơ quan công quyền, chậm giải quyết các yêu cầu chính đáng, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, bà Yên nói.
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Như Ý. |
Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn tỉnh Bắc Giang) đề cập đến vấn đề phòng cháy chữa cháy nói chung và đặc biệt là các chung cư mini, căn hộ cho thuê tiếp tục gióng lên hồi chuông về thực hiện các quy định phòng cháy chữa cháy…
"Vấn đề ở đây là nguyên nhân do đâu, do cơ chế còn khoảng trống trong sự chồng chéo của các quy định pháp luật hay do việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng? Đề nghị Chính phủ cần có đánh giá rõ hơn để có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới", đại biểu Nguyễn Văn Thi nêu.
Nói về vụ cháy nhà trọ làm 14 người tử vong ở quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) mới đây, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, vụ cháy xảy ra rất thương tâm. Theo đại biểu Phạm Văn Hoà, để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị phòng cháy, chữa cháy cũng rất lớn.
Đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá phòng cháy chữa cháy và đưa ra cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ. “Đây là vấn đề cần phải kiểm điểm, phải có nghiên cứu để khắc phục”, ông nói.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.