Chia sẻ với Zing.vn sau vụ gần 400 người Trung Quốc bị dẫn độ về nước do vận hành đường dây đánh bạc qua mạng tại Hải Phòng, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội) quan ngại nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến những tình huống bị động, bất ngờ.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho biết thông qua hoạt động giám sát, khảo sát hay thẩm tra các báo cáo của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhận thấy có những vấn đề về hoạt động tội phạm của người nước ngoài tại Việt Nam.
“Ủy ban đều tập hợp những vấn đề nổi cộm để có ý kiến, đưa ra dự báo và giải pháp. Với tư cách đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát, tôi cũng sẽ quan tâm đến việc này”, ông Hồng nói.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Ảnh: TTXVN. |
Hệ lụy về quốc phòng - an ninh
- Ông quan ngại về yếu tố bị động, bất ngờ sau vụ triệt phá đường dây tội phạm Trung Quốc hoạt động ở Hải Phòng. Vậy theo ông, vụ này ngoài ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội có tác động thế nào đến quốc phòng an ninh của quốc gia?
- Một khu đô thị như Our City, tôi giả sử ngoài tội phạm cờ bạc hoạt động, còn có các tổ chức phản động xâm nhập được vào, biến đây thành nơi hoạt động của chúng thì vô cùng nguy hiểm.
Lúc ấy, tình hình an ninh quốc phòng của quốc gia bị tác động chính. Vì vậy, liên quan tới yếu tố này thì sự kiểm soát, phòng ngừa cần chặt chẽ hơn nữa.
Cơ quan chức năng phải tính toán hết các khía cạnh bởi không loại trừ việc các thế lực thù địch luôn âm mưu biến các tổ chức tội phạm hình sự thành tổ chức phản động, hay ý đồ thực hiện tội phạm hình sự nhưng nhằm tấn công an ninh quốc gia.
Thực tế, ranh giới giữa tội phạm hình sự với tội phạm an ninh quốc gia là rất mong manh nên cần phải làm tốt công tác phòng ngừa, phát hiện. Để tồn tại đường dây tội phạm gần 400 người Trung Quốc hoạt động ở Hải Phòng như vừa rồi là quá nghiêm trọng.
- Nhà nước có chính sách mở cửa vì muốn thu hút đầu tư và khách du lịch, nhưng bên cạnh việc này, cần quản lý thế nào cho chặt chẽ, thưa ông? Vì thực tế khi sự việc này xảy ra, trách nhiệm vẫn đang được “đá qua, đá lại” giữa các cấp quản lý.
- Việc này liên quan đến Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, quản lý cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam thuộc thẩm quyền của công an thành phố. Nhưng trong vụ này vì cơ chế phối hợp chưa tốt nên dẫn tới tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Về quy định, công an thành phố chịu trách nhiệm quản lý cư trú, nhưng không thể nói cấp cơ sở không có trách nhiệm gì được, vì mọi việc xảy ra trên địa bàn thuộc phạm vi anh quản lý thì anh phải chịu trách nhiệm. Anh phải quản lý địa bàn và mọi hành vi biến động ở đó để có thể kịp thời phát hiện, trao đổi, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền khi có vấn đề phát sinh.
Dự kiến, Chính phủ trình sửa Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2020. Là cơ quan thẩm tra luật, Ủy ban Quốc phòng An ninh sẽ nắm lại tình hình để có thông tin báo cáo, nếu cần thiết thì tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong vấn đề này. Chúng tôi cũng sẽ có khảo sát, đánh giá những vụ việc phát sinh từ thực tế.
Khu đô thị Our City ở Hải Phòng là đại bản doanh của gần 400 người Trung Quốc hoạt động tội phạm đánh bạc qua mạng. Ảnh: Việt Linh. |
Vấn đề dư luận quan tâm nhất trong vụ việc này là tại sao để tổ chức tội phạm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam trong thời gian dài, quy mô lớn như thế? Tôi muốn nhắc đến các chính sách của Nhà nước khi đưa ra phải đánh giá tác động.
Chúng ta đưa ra mục tiêu tăng trưởng khách nước ngoài du lịch đến Việt Nam nên mở cửa, tạo điều kiện trong nhập cảnh, xuất cảnh, miễn thị thực.
Như Bộ VHTT&DL đề nghị mở rộng đối tượng miễn thị thực với công dân nước ngoài, nhưng đánh giá, chính sách này chỉ có ý nghĩa với vài quốc gia, vì nhiều nơi họ không vào Việt Nam bằng con đường thị thực. Hơn nữa, bài toán kinh tế khi miễn thị thực không cao mà có thể gây ra nhiều hệ lụy khác.
Nếu cấp thị thực, cơ quan quản lý Nhà nước còn có thể xem xét nhân thân, mục đích của người nước ngoài vào Việt Nam để quản lý. Thị thực thể hiện chủ quyền quốc gia nên nó có ý nghĩa về mặt an ninh quốc gia, không thể vì lợi ích kinh tế mà quên đi yếu tố đó, nên khi thẩm tra chính sách chúng tôi rất cân nhắc việc này.
Không để doanh nghiệp nước ngoài biến thành “đặc khu”
- Làm thế nào để quản lý hoạt động của người nước ngoài hiệu quả?
- Vụ này cũng giống như vụ đánh bạc qua mạng ở Phú Thọ, nhưng nguy hiểm hơn vì có yếu tố nước ngoài, lại tổ chức hoạt động tập trung trong một "đại bản doanh".
Nếu chúng ta xử lý không khéo, không nghiêm, sau này các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lại dễ dàng trở thành những “biệt khu”, hay căn cứ của các loại tội phạm thì rất nguy hiểm.
Thực tế, chúng ta cũng đang có khó khăn trong quản lý các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi cho rằng nếu chúng ta không làm tốt công tác phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên ngay trong các doanh nghiệp nước ngoài thì nguy cơ các doanh nghiệp này trở thành khu biệt lập “nội bất xuất, ngoại bất nhập” là rất lớn.
Vì thế, ta phải có đối sách, giải pháp kịp thời. Ví dụ, khi xây dựng Luật Dân quân tự vệ cần có quy định trong các doanh nghiệp nước ngoài phải có lực lượng dân quân tự vệ.
Trong quản lý ở địa phương cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm, phải làm chặt chẽ để làm sao không xảy ra tình trạng như ở khu đô thị Our City, Hải Phòng.
Toàn cảnh khu đô thị Our City tại Hải Phòng. Ảnh: Việt Linh. |
- Vậy ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của công an cũng như chính quyền địa phương khi để một băng nhóm hàng trăm tội phạm người Trung Quốc hoạt động biệt lập trong khu đô thị Our City như vừa qua?
- Thực tế vừa rồi không chỉ có tội phạm trong lĩnh vực đánh bạc trên không gian mạng mà tội phạm ma túy, các tổ chức tội phạm nước ngoài cũng sử dụng Việt Nam làm địa bàn trung chuyển, phạm tội.
Đây không phải là vấn đề chúng ta không nhận thức được, nhưng trong quản lý chúng ta còn chưa làm hết trách nhiệm.
Trong vụ ở Hải Phòng, trước hết, chủ cơ sở lưu trú của khu đô thị Our City phải là người chịu trách nhiệm theo luật vì không khai báo cư trú đầy đủ.
Chính quyền địa phương cũng chưa đặt vấn đề phòng chống tội phạm ngang tầm với các nhu cầu khác, mới chỉ nghĩ làm sao thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch mà chưa tính đến cơ chế, giải pháp phòng chống tội phạm. Vì xử lý chưa tốt, chưa hài hòa mối quan hệ này nên mới để sự việc xảy ra.
Về nguyên tắc, người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam đều có mục đích nhập cảnh, rồi phải làm thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu. Lúc này, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh phải kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ.
Để làm rõ hơn nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai phải chờ cơ quan điều tra thông tin cụ thể về vụ việc. Nhưng rõ ràng là do việc thực hiện quy định về quản lý cư trú chưa tốt.
Nghiêm túc mà nói thì các cơ quan quản lý Nhà nước đã chưa thực hiện hết các biện pháp quản lý trên địa bàn và có sự chủ quan. Vì vậy, tới đây cần nghiên cứu để có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn, cơ quan quản lý các cấp.
Với hoạt động của một số doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan chức năng ở địa phương, Trung ương cũng cần phân loại, xác minh, đánh giá để có chính sách quản lý cho phù hợp.