Trước việc đường dây đánh bạc qua mạng với gần 400 người Trung Quốc hoạt động ở Hải Phòng, ông Lê Việt Trường - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội - bày tỏ sự lo lắng. Zing.vn ghi lại ý kiến của ông.
Vụ việc Bộ Công an phối hợp với Công an Hải Phòng triệt phá đường dây tội phạm gồm gần 400 người Trung Quốc hoạt động đánh bạc qua mạng tại Hải Phòng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng tội phạm nước ngoài mượn đất Việt Nam để phạm pháp. Đây là một thực trạng vô cùng nguy hiểm.
Đó là chưa kể tình huống nếu liên quan đến nước thứ ba thì còn phức tạp hơn nhiều.
Ví dụ, khi tội phạm nước ngoài lợi dụng biến Việt Nam thành địa điểm trung chuyển ma túy, sau đó vận chuyển ma túy sang nước thứ ba. Lúc đó mối quan hệ giữa Việt Nam và nước thứ ba sẽ bị ảnh hưởng chứ không chỉ là hệ lụy về an ninh trật tự hay cuộc sống bình an của người dân Việt Nam.
Ông Lê Việt Trường - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn. |
Lỗ hổng quá lớn trong quản lý
Về khía cạnh quản lý, chúng ta đã có Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật giao Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực; đồng thời có liên quan đến một số bộ, ngành khác.
Ví dụ, nếu người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư thì liên quan đến Bộ KH&ĐT trong cấp giấy phép đầu tư; người vào Việt Nam lao động thì liên quan đến Bộ LĐTB&XH trong cấp giấy phép lao động... Chỉ khi đáp ứng những điều kiện ấy mới được cấp thị thực vào Việt Nam, là điều kiện tiên quyết để cư trú tại Việt Nam.
Luật hiện hành của chúng ta quy định rất chặt chẽ. Chúng ta có 20 loại thị thực để cấp cho các nhóm người nước ngoài tùy vào mục đích khác nhau khi vào Việt Nam, kèm theo mỗi loại thị thực là các điều kiện khắt khe.
Gần 400 người Trung Quốc mà chỉ có 27 người đăng ký tạm trú trong khu đô thị Our City ở Hải Phòng cho thấy trách nhiệm rõ ràng của lực lượng công an địa phương và cơ sở lưu trú.
Vì thế, tôi không hiểu tại sao gần 400 người Trung Quốc trong đường dây tội phạm này lại hoạt động được ở Việt Nam với quy mô lớn, thời gian dài đến vậy.
Rõ ràng có lỗ hổng rất lớn ở đây, và trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải của ai khác.
Đặc biệt, việc gần 400 người Trung Quốc mà chỉ có 27 người đăng ký tạm trú trong khu đô thị Our City ở Hải Phòng cho thấy trách nhiệm rõ ràng của lực lượng công an địa phương và cơ sở lưu trú.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định trong phạm vi 12 giờ đối với vùng đồng bằng, thành phố, thành thị và 24 giờ đối với vùng miền núi, vùng sâu vùng xa thì chủ cơ sở lưu trú như chủ khách sạn, chủ nhà nghỉ hay chủ các khu công nghiệp, khu chế xuất có đầu tư nước ngoài mà ở đó chính quyền địa phương của Việt Nam cho phép người ta xây dựng khu lưu trú… phải có trách nhiệm yêu cầu người nước ngoài xuất trình giấy tờ có hộ chiếu và điền tất cả thông tin vào mẫu phiếu đăng ký lưu trú.
Khu đô thị Our City - sào huyệt của nhóm tội phạm gần 400 người Trung Quốc ở Hải Phòng. |
Sau đó chủ cơ sở lưu trú phải chuyển toàn bộ thông tin ấy đến cơ quan công an gần nhất như công an xã, phường, thị trấn. Và các cơ quan phải chuyển ngay đến đơn vị quản lý xuất nhập cảnh của công an cấp tỉnh, TP.
Luật quy định rất rõ ràng, chặt chẽ như vậy mà tại sao trong gần 400 người Trung Quốc lại chỉ có 27 người đăng ký tạm trú? Rõ ràng là lỗ hổng quá lớn trong quản lý của các cơ quan chức năng ở địa phương.
Khó tiếp cận Our City vì thuộc DN nước ngoài: Không thuyết phục
Lãnh đạo địa phương và công an nói đại bản doanh của nhóm tội phạm Trung Quốc tại khu đô thị Our City thuộc doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài nên rất khó tiếp cận, kiểm tra. Lý giải như vậy làm sao thuyết phục được!
Dù doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài nhưng ở trên lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự quản lý của Nhà nước Việt Nam và theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Dù doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài nhưng ở trên lãnh thổ Việt Nam phải chịu sự quản lý của Nhà nước và quy định của pháp luật Việt Nam.
Cơ quan chức năng địa phương ở Việt Nam không phải vào kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà phải kiểm tra về tình hình an ninh trật tự. Cơ quan chức năng sở tại hoàn toàn có quyền vào kiểm tra xem những người nước ngoài tại đây có đăng ký tạm trú đúng quy định không.
Để xảy ra vụ việc như vừa rồi cho thấy khâu quản lý đăng ký tạm trú đối với người nước ngoài ở địa phương vô cùng lỏng lẻo.
Gần 400 người là con số rất lớn. Vậy mà để họ vào Việt Nam không quản lý được thì thực sự quá nguy hiểm.
380 người Trung Quốc bị phát hiện khi vận hành trang mạng đánh bạc. Ảnh: Bộ Công an. |
Như nhà bỏ trống
Trong vụ việc này, Bộ Công an là đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ và phải điều tra, kết luận một cách hết sức cụ thể. Dù gần 400 người Trung Quốc sẽ được bàn giao, dẫn độ về nước theo hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm giữa 2 quốc gia nhưng trong quá trình điều tra chúng ta vẫn có thể hỗ trợ, phối hợp.
Theo đó, phải phân tích chi tiết trong số gần 400 người Trung Quốc này là gồm những ai, từ đâu tới, đến Việt Nam bằng con đường nào, có thị thực không, thị thực do công an cấp hay biên phòng cấp. Tại sao họ lại đến địa chỉ này? Tại sao 400 người này vào Việt Nam lại cùng ở một khu vực này, họ hoạt động những gì trong đó?...
Chúng ta phải phân tích sâu để có biện pháp ngay. Để xảy ra việc công dân nước khác kéo vào nước mình với số lượng như vậy mà không hay biết gì thì quá sơ hở.
Cảnh sát thu giữ nhiều tài liệu khi triệt phá đường dây tội phạm người Trung Quốc hoạt động ở Hải Phòng. |
Chúng ta đã mất bò rồi, giờ phải lo làm chuồng, phải xem kỹ các vấn đề để đánh giá có phải do luật của ta sơ hở hay do cách tổ chức thực hiện. Từ đó tìm cách bịt mọi lỗ hổng.
Một đất nước độc lập, có chủ quyền mà lại để số lượng lớn người nước ngoài vào cư trú bất hợp pháp thì chẳng khác gì mình bỏ trống, không có người trông.
Đó là chưa kể đến tình trạng này còn diễn ra ở một số địa phương khác, những nơi đang có xu hướng phát triển. Cũng không loại trừ những địa phương này muốn thu hút đầu tư nên trải thảm đỏ, bất chấp các quy định và không có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an.
Sau sự việc này, tôi cho rằng chúng ta phải cảnh giác, siết chặt công tác quản lý và phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giám sát, kiểm tra hoạt động của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.