Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang ồ ạt tiến vào thị trường Việt Nam. Ảnh: Apptopia. |
Ngày 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung quan trọng liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước trong Chương trình Kỳ họp thứ 8.
Đáng chú ý, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho biết hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa đang quan ngại trước tình trạng hàng giá rẻ được bán qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu.
Vì vậy, đại biểu này đề nghị Chính phủ rà soát hoạt động này để có biện pháp phù hợp về thuế, quy tắc xuất xứ… nhằm đảm bảo thương mại công bằng. Thậm chí, cần có biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng bày tỏ sự lo lắng về sửa đổi các nội dung liên quan tới thuế, đồng thời kiến nghị cần có lộ trình tăng phù hợp; kiến nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong kiện chống bán phá giá…
Vấn đề này được đại biểu đoàn Thái Bình nêu ra trong bối cảnh các sàn TMĐT Trung Quốc như Temu, Taobao hay 1688 đang thúc đẩy việc gia nhập thị trường Việt Nam từ đó đưa hàng hóa Trung Quốc giá rẻ vào thị trường trong nước.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội và trên sàn TMĐT đang phát triển rất nhanh. Chỉ trong 9 tháng năm nay, doanh thu TMĐT ước đạt 28 tỷ USD, tăng 36%, qua đó lọt vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
“Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng hóa kinh doanh trên sàn TMĐT là hàng hóa gì? Nguồn gốc xuất xứ ở đâu? Tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số 28 tỷ USD đó? Hay chúng ta phải chi trả phần lớn số tiền ấy cho nước láng giềng do chúng ta mua hàng hóa với giá cực rẻ của họ để kinh doanh trên sàn TMĐT trong nước. Đây là vấn đề mà tôi cùng nhiều đại biểu Quốc hội ngồi đây đang rất lo lắng”, đại biểu Trần Quốc Tuấn trăn trở.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn lưu ý hàng Việt khó cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Quochoi. |
Đại biểu đánh giá xu hướng này có thể đem lại nhiều tiện lợi cho người dân. Chỉ cần thực hiện vài thao tác trên điện thoại thông minh, người dân muốn mua món đồ gì cũng có. Món hàng cũng sẽ được giao hàng nhanh chóng với phương thức thanh toán dễ dàng.
Song nếu nhìn ở góc độ khác, sự tiện lợi này đang "giết chết dần, chết mòn" các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước.
“Lý do là vì hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh về giá cả, mẫu mã với hàng hóa nước láng giềng ngay trong thời điểm này. Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt khoát, hiệu quả để khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy phát triển, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trong nước… nhưng cũng không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, đại biểu nêu quan điểm.
Bên lề phiên họp tổ hôm nay, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã nghe về sàn giao dịch xuyên biên giới Temu, đồng thời nhận được nhiều phản ánh về vấn đề này từ các đại biểu Quốc hội.
Phó thủ tướng cho biết sàn TMĐT xuyên biên giới Temu vừa xuất hiện tại Việt Nam cũng nằm trong diện phải nộp thuế tương tự Google, Facebook...
Qua trao đổi trực tiếp với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Phó thủ tướng đã yêu cầu cơ quan thuế phải rà soát ngay, trước tiên, phải làm văn bản đôn đốc, yêu cầu kê khai nộp thuế, đồng thời lập tức thu thập các dữ liệu thống kê.
“Tổng cục Thuế đang kiểm tra dữ liệu và yêu cầu kê khai nộp thuế. Trường hợp không nộp sẽ tổ chức thanh tra, xử lý”, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.