Trong bài phát biểu dài khoảng 10 phút tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 9/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra một số nguy cơ và thách thức với doanh nghiệp Việt trong bối cảnh dịch Covid-19. Từ đó, ông cũng nêu ra cơ hội, hướng đi phục hồi kinh tế sau dịch.
Niềm tin chiến lược
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 3 nguy cơ và thách thức lớn đang tiềm ẩn trong lúc này. Thứ nhất là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới, sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.
Thứ hai, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới có thể diễn ra mạnh mẽ hơn. Từ đó dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: MPI. |
Thứ ba, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp FDI lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.
“Thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn: Cần phải làm gì, hành động gì, để có thể vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ. Lịch sử đã chứng minh, Việt Nam luôn tìm được hướng đi đúng và tạo nên kỳ tích trong những lúc khó khăn, gian nguy nhất”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Ông cho biết từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá rất cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.
Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, tác động từ dịch tạo ra xu hướng tiêu dùng mới; mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường.
“Ngay lúc này cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng”, ông nói.
Gợi mở hướng đi phục hồi kinh tế
Bộ trưởng KHĐT đề xuất gợi mở một số định hướng trong thời kỳ phục hồi kinh tế.
Thứ nhất, phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Duy trì ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng trong nước có nhu cầu; bảo đảm tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa. Ông đề xuất tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu; các ngành du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử….
Đồng thời, cần thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt phát triển thị trường nhà ở xã hội cũng là một đòn bẩy để kích cầu nội địa.
Thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa là một trong các đề xuất của Bộ KHĐT trong thời gian tới. Ảnh: Việt Linh. |
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư. Ông đề xuất xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới là quốc gia phòng chống dịch tốt nhất, hiệu quả nhất, là điểm đến an toàn để đầu tư, du lịch. Sau đó xây dựng lộ trình phù hợp cho người nước ngoài vào du lịch.
Thứ tư, hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Nghiên cứu có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, sử dụng nhiều lao động.
Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…
Thứ sáu, thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn nhiều dư địa trong hoạt động đầu tư, là khu vực chiếm lĩnh thị trường lớn và tập trung nhiều dự án lớn nên cần nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức để định hình được chiến lược phát triển.
Đối với khu vực tư nhân, cần nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong và ngoài nước.
Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần củng cố nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tàu, ưu tiên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị của mình.