Trước thềm hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (dự kiến tổ chức vào 9/5), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã nhận được nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung ở các giải pháp tháo gỡ khó khăn và sáng kiến phục hồi kinh tế sau dịch.
Kích cầu nội địa bằng giảm thuế đánh vào giá bán
Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết gần 1/2 số doanh nghiệp VASI giảm 50% doanh thu trong trong quý I, có các công ty giảm đến 70%. Tiêu thụ xe hơi nội địa quý I cũng sụt giảm 33% so với 2019. Nissan, Toyota, VinFast, TC Motor và Honda… lần lượt tạm dừng nhà máy và đóng cửa các đại lý bán hàng từ đầu tháng 4.
Các khách hàng ngành xe máy cũng giảm trung bình khoảng 50%, điện tử giảm đến 80%. Samsung Việt Nam ước tính giá trị xuất khẩu năm 2020 sụt giảm 12%. Các khách hàng lớn của hội viên VASI ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đều dừng tất cả đơn hàng từ giữa tháng 3. Do tình hình này, sang quý II, doanh thu của 85% doanh nghiệp VASI giảm mạnh đến 70%.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn lớn trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
VASI đề xuất Chính phủ tạo thị trường, kích cầu tiêu dùng tại nội địa. Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ tiêu dùng thông qua giảm/giãn các loại thuế phí trực tiếp ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, để khuyến khích người tiêu dùng mua hàng tại nội địa.
Liên quan đến khả năng các công ty đa quốc gia có thể di dời, chuyển sản xuất từ khỏi Trung Quốc, VASI đề xuất Chính phủ cần có tiếp cận để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia này. Song song với đó, cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp, liên danh gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất (industrial cluster), hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi…
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) đề xuất Chính phủ thành lập một “ban chỉ đạo” có đủ thẩm quyền quyết định và giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp kèm theo “đường dây nóng” để hỗ trợ, giải đáp các ý kiến hỏi đáp từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
VEIA cũng đề xuất giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm 2020 và 2021. Hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang phải chịu một “gánh nặng” là chi phí tiền thuê đất cao, khó cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Đề xuất Chính phủ cứu doanh nghiệp khi bị mua lại
Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết 61% doanh nghiệp phản ánh việc tiếp cận các chính sách chưa thuận lợi. Hiệp hội mong muốn Chính phủ chỉ đạo việc tiếp cận các chính sách dễ dàng hơn.
Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa trong thị trường nội địa. Cách làm là vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường chuyển đổi mua nguyên phụ liệu trong nước.
Hiệp hội kêu gọi doanh nghiệp trong nước đoàn kết, sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau để phát huy nội lực. Ngoài ra, các gói mua sắm của Chính phủ cần chú ý hơn đến việc chọn hàng nội địa, các gói thầu ưu tiên doanh nghiệp trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với doanh nghiệp cuối năm 2019. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ có chính sách sẵn sàng giải cứu doanh nghiệp khi có nguy cơ bị mua lại. Ngoài ra, đề nghị UBND TP.HCM thành lập tổ công tác để theo dõi, đôn đốc, giải quyết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thì đề xuất giảm giá tiền điện, nước, phí đường bộ; giảm lãi suất vay của các ngân hàng 2-3%...
Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết ngành đang gặp “khó khăn kép” khi khó về nguyên phụ liệu và khó về thị trường tiêu thụ. Hiện 60% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi đó, 60% hàng xuất khẩu phụ thuộc vào Mỹ, EU và Nhật Bản. Hiệp hội dự báo tháng 5 này sẽ có 50% lao động mất việc và thiếu việc làm.
Hiệp hội đề xuất Chính phủ hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng đối với lao động ngừng việc. Bộ Y tế, Công Thương sớm có hướng dẫn để doanh nghiệp tận dụng thời cơ xuất khẩu khẩu trang y tế, bù đắp việc thiếu hụt đơn hàng.
Trong khi đó, hội đồng tư vấn du lịch cho biết do ảnh hưởng của dịch, nhiều doanh nghiệp phải cho 10-50% nghỉ việc, doanh thu quý I chỉ bằng phân nửa năm ngoái. Dự kiến doanh thu quý II chỉ đạt khoảng 10-15% so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp du lịch có nguy cơ mất trắng tiền đặt cọc vé cả năm 2020 tại các hãng hàng không do hãng không bay, hủy chuyến. Tuy nhiên, hãng vẫn giữ lại tiền và không hoàn tiền ngay cho doanh nghiệp. Hiệp hội đề nghị Chính phủ hỗ trợ đàm phán với các hãng hàng không về chính sách hoãn hủy, hoàn tiền cho doanh nghiệp du lịch.
Ngoài ra, Hội đồng tư vấn du lịch cũng đề xuất Chính phủ giảm 50% các loại tiền thuê đất, tiền điện, nước phục vụ kinh doanh của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và công viên chủ đề cho năm tài chính 2020 và 2021.
Sau khi các nước trên thế giới khống chế được dịch, hiệp hội này đề xuất dần mở cửa với từng nước, phục hồi lại chính sách miễn thị thực. Áp dụng kéo dài thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày cho các thị trường ổn định như Anh, EU, Austrailia, New Zealand, Canada.
Ngoài ra, đề xuất Chính phủ có kế hoạch mở lại các khách sạn, cấp giấy chứng nhận khách sạn an toàn, áp dụng việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho du khách. Đồng thời đề xuất hoàn thiện quy định về condotel để người sở hữu có thể bán, trao đổi huy động tiền mặt.
Giảm thuế, phí hơn nữa
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì gửi kiến nghị dài 23 trang, cho rằng Nghị định 41 chỉ quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất với thời gian tối đa là 5 tháng là chưa đủ. Cơ quan này đề nghị kéo dài lên 12 tháng.
Ngoài chính sách giãn thời hạn nộp, VCCI đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép miễn giảm 50% tiền thuê đất, 50% thuế giá trị gia tăng, 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng mức giảm trừ gia cảnh thế thu nhập cá nhân trong năm 2020.
Về chính sách tín dụng, VCCI cho rằng nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng các ưu đãi cho vay của ngân hàng, điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn; thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà…
Nhiều doanh nghiệp mong muốn Chính phủ giảm thuế, phí hơn nữa. Ảnh: Hiếu Công. |
VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin - cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.
Liên quan đến kích cầu thị trường bất động sản, VCCI đề xuất Chính phủ có chương trình hỗ trợ “tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên” cho giới trẻ theo phương thức tín chấp để mua nhà.