Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huy động hàng triệu tỷ đồng phục hồi kinh tế bằng cách nào?

Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn Chính phủ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp khó tiếp cận vay ngân hàng, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phục hồi kinh tế.

Ngày 9/5, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ tư được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ. Chính phủ sẽ lắng nghe các doanh nghiệp kiến kế giải pháp gồm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế sau dịch.

Trước hội nghị, Zing đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thân, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Theo tính toán, 98% doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa, ước tính số lượng khoảng trên 690.000. Ông Thân đưa ra nhiều đề xuất để tháo gỡ khó khăn và phục hồi kinh tế.

Đề xuất Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay

Đề xuất đầu tiên của ông Nguyễn Văn Thân là Chính phủ bảo lãnh cho những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vay vốn khi không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Hiện tại, gói tín dụng mà các ngân hàng đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lúc khó khăn này lên tới 600.000 tỷ đồng. Số tiền giải ngân đã vượt 145.000 tỷ đồng, tuy nhiên không nhiều doanh nhiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn vốn này. Nguyên nhân bởi các điều kiện cho vay khắt khe, doanh nghiệp nhỏ không có tài sản đảm bảo, khó đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay.

huy dong nguon luc phuc hoi kinh te anh 1

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Hiếu Công.

Các ngân hàng lại không hạ chuẩn cho vay do lo ngại nợ xấu. Hơn nữa, ngân hàng cũng chính là doanh nghiệp nên cũng phải tính toán đến các yếu tố sản xuất, kinh doanh khi cho vay.

Mặt khác, cả nước hiện có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phân tán ở nhiều tỉnh thành phố trên cả nước, tổng nguồn vốn là 1.450 tỷ đồng. Ông Thân đánh giá quỹ eo hẹp, phân tán, điều kiện bảo lãnh cũng khá ngặt nghèo nên nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà.

“Quỹ bảo lãnh thì eo hẹp, tín dụng ngân hàng thì khó tiếp cận, nên doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn”, ông Thân nói.

Từ đó, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất Chính phủ bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận tín dụng, phục hồi sau dịch bệnh. Trong trường hợp Chính phủ không bảo lãnh được toàn bộ thì có thể bảo lãnh một phần khoản vay.

Ông lưu ý, thủ tục bảo lãnh vay cũng phải đơn giản, không thể phức tạp như thủ tục vay vốn ngân hàng. Thậm chí còn đơn giản hơn thủ tục tại các quỹ bảo lãnh tín dụng hiện hành.

Để không trục lợi chính sách, ông Thân đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông Thân nhấn mạnh Chính phủ phải chấp nhận rủi ro của việc bảo lãnh nếu muốn đạt được mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, do điều kiện cho vay thấp hơn ngân hàng.

“Đừng vì điều đó mà chúng ta sợ, trong lúc chúng ta phải cứu doanh nghiệp như thế này”, ông Thân nói.

Nguồn lực hàng triệu tỷ đồng

Đề xuất thứ hai của ông Nguyễn Văn Thân là cách huy động nguồn lực xã hội để phục hồi kinh tế. Hiện tại, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ trong bối cảnh dịch Covid-19 như giãn nộp thuế, giảm phí, giảm giá điện, có gói an sinh xã hội, miễn đóng bảo hiểm tử tuất… Những gói này chủ yếu lấy từ ngân sách Nhà nước.

Ông Thân đề xuất một nguồn lực quan trọng nữa là sự hỗ trợ giữa các doanh nghiệp với nhau. Ví dụ một nhóm doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhau về tài chính, nguồn nguyên liệu, vật liệu, thậm chí là trao đổi chính sản phẩm hàng hóa mà các doanh nghiệp sản xuất ra…

huy dong nguon luc phuc hoi kinh te anh 2

Ông Nguyễn Văn Thân cho rằng còn nhiều nguồn lực trong xã hội cần huy động để phục hồi kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà.

Ví dụ một doanh nghiệp có một khoản tiền dư, có thể cho một doanh nghiệp khác vay. Doanh nghiệp đi vay không cần phải đáp ứng các điều kiện khắt khe như vay ngân hàng mà vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn. Doanh nghiệp cho vay có thể sẽ nhận được những quyền lợi khác, hấp dẫn hơn so với mang tiền đi gửi ngân hàng.

“Đây là những nguồn lực cực lớn. Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chưa có bất cứ điều luật nào bảo đảm cho vay ngang hàng. Cần có một quy định hoặc một công cụ để đảm bảo an toàn cho cả bên vay và bên cho vay”, ông Thân nói.

Vị này đề xuất có một nền tảng công nghệ để hỗ trợ vấn đề này. Kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới cũng đã thực hiện thành công, trong khi nhiều chuyên gia công nghệ cho biết hoàn toàn có thể làm được. Trên nền tảng đó sẽ có luật lệ, cách thức để các bên muốn tham gia phải làm theo. Sẽ có phí duy trì và cơ chế bảo hiểm tương ứng.

“Những nhà phát triển nền tảng này cần có một khung pháp lý đầy đủ để phát triển. Đây là nguồn cực lớn có thể huy động đến hàng triệu tỷ đồng, nó không chỉ có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 mà cả về sau nữa”, ông Thân chia sẻ.

Hút nguồn lực nhàn rỗi trong dân

Ngoài những đề xuất trên, ông Thân cho rằng cần tận dụng và khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân, trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ngoài ra, ông mong muốn Chính phủ cởi mở và cho phát triển mạnh kinh tế ban đêm trên quy mô toàn quốc. Kinh nghiệm ở các nước cho thấy kinh tế ban đêm được coi trọng phát triển và là nguồn lực rất quan trọng.

“Kinh tế ban đêm là một động lực rất quan trọng, cần phải tận dụng và phát triển ngay lúc này”, ông Thân chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng lúc này cũng cần đề ra biện pháp hữu hiệu thu hút nguồn lực “nhàn rỗi” trong dân. Ông mong muốn việc giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cũng phải được đẩy nhanh, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Cuối cùng, ông đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, trong đó có xã hội số, Chính phủ số và doanh nghiệp số. Ngoài ra, cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tín dụng để khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi.

“Hơn lúc nào hết, tôi cho rằng đây là thời điểm vàng để toàn hệ thống chính trị tạo sự bứt phá. Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng tối đa hỗ trợ của Chính phủ để đổi mới”, ông Thân chia sẻ.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm