Sáng 5/5, phát biểu tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày nhiều nội dung quan trọng. Ông cung cấp tổng quan bức tranh kinh tế hiện tại và đề xuất loạt công cụ chủ lực để phục hồi kinh tế sau dịch.
Sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn
Theo Bộ trưởng KHĐT, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu và rộng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, khả năng chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tới hạn. Hầu hết ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số lĩnh vực “đóng băng” như dịch vụ, du lịch, vận tải…
Kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ KHĐT cho thấy 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%.
Số doanh nghiệp nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%. Một số ngành tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục và đào tạo là 93,9%...
Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế tăng trưởng dương quý I. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết điểm sáng là Việt Nam thuộc số ít nước tăng trưởng dương với mức 3,82% trong quý I.
Những tháng cuối năm, dự báo kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của dịch vẫn tiếp tục kéo dài đối với kinh tế Việt Nam do nhiều nước trên thế giới vẫn chưa kiểm soát được dịch.
Các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá Việt Nam là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn được đánh giá thuận lợi do nhu cầu trong nước và xuất khẩu vẫn ở mức cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, hiện nay, Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, ông Dũng cho rằng là sự kiện rất hệ trọng. Do đó, cần đánh giá, phân tích thận trọng, xem xét cả bối cảnh trong nước và quốc tế, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hiện diễn biến dịch ở các nước trên thế giới, kể cả những nước gần Việt Nam vẫn rất phức tạp, chưa dự đoán được chính xác mức độ ảnh hưởng và thời điểm kết thúc của dịch. Cơ quan này kiến nghị cần có thêm dữ liệu về tình hình quý II và 6 tháng đầu năm, sau đó mới xây dựng các phương án điều chỉnh để trình Chính phủ, Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.
Hút nguồn lực toàn xã hội
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng báo cáo về dự thảo nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quang Hiếu/VGP |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua tổng hợp, các ý kiến của các bộ, cơ quan, địa phương và các hiệp hội ngành, nghề, doanh nghiệp tập trung vào 5 nhóm vấn đề: Đề nghị miễn, giảm các loại thuế; đề nghị miễn, giảm các loại phí, lệ phí; đề nghị giãn, hoãn thời gian nộp thuế; cho phép áp dụng thủ tục nhập cảnh đặc biệt; về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, ngoài các giải pháp về miễn, giảm, hoãn nộp, gia hạn tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí, giá…, Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng theo dự thảo, sẽ cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước; 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan và địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh về việc thu hút vốn đầu tư toàn xã hội. Để làm được điều này thì các bộ, cơ quan, địa phương cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp.
“Không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền”, ông Dũng nêu.
Ông lưu ý cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới như công tác quy hoạch; hạ tầng; công tác đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo về năng lượng; cải cách thủ tục hành chính. Chủ động triển khai các chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ xây dựng hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu kép: Phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về đầu tư công, Bộ KHĐT đề xuất cần đẩy nhanh việc giải ngân khoản tiền 700.000 tỷ đồng bằng việc tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn. Cần phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ tiến độ thực hiện từng dự án. Trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu.