Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Báo cáo ghi nhận nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hứng chịu tác động kép
“Hứng chịu tác động kép” từ dịch Covid-19 là từ mà Bộ Công Thương dùng để miêu tả những khó khăn của các ngành sản xuất trong nước trong 4 tháng đầu năm. Toàn bộ nền kinh tế nói chung đều chịu tác động từ 2 phía cung và cầu, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Công Thương đánh giá đây là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020.
Sản xuất ôtô, xe máy có sự suy giảm sâu trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: Việt Linh. |
Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (năm 2019 tăng 9,2%; năm 2018 tăng 10,7%; năm 2017 tăng 6,6%; năm 2016 tăng 7,4%).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, ngành bia giảm 24,1%; ôtô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 10,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,8%...
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 3%. Con số này của các năm trước thường là trên 10%. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất xe có động cơ giảm 14,2%; sản xuất đồ uống giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,8%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 9,3%; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 8,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 8,2%; sản xuất trang phục giảm 6,3%...
Điểm sáng là có một số sản phẩm công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như sản xuất linh kiện điện thoại tăng 28,5%; xăng dầu các loại tăng 13,9%; phân u rê tăng 11,7%; thép thanh, thép góc tăng 7,7%; than sạch tăng 5,5%...
Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất xe có động cơ những tháng qua đã giảm 14,2% (cùng kỳ năm trước tăng 18,6%). Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ôtô trong năm 2020 có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến trước đây.
Sản lượng ôtô sản xuất tháng 4 ước đạt 6.900 chiếc, giảm 61,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng ôtô sản xuất đạt khoảng 61.400 chiếc, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu và tiêu dùng nội địa khó khăn
Về xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4, nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh nhất, giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 16,4 tỷ USD. Sự sụt giảm được thể hiện rõ ở các ngành hàng chính của nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Điển hình như sản xuất máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 10,5% so với tháng 3 (đạt 3,3 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện giảm 37,9% (đạt 3,3 tỷ USD); hàng dệt và may mặc giảm 18,8% (đạt 1,9 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 8,3% (đạt 1,8 tỷ USD)…
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản cũng giảm 18,6% so với tháng 3/2020, đạt 247 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản giảm 6,6% so với tháng 3…
Nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tính chung 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%).
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch trong 4 tháng cũng đạt 70,33 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,73 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 2,5%....
Về thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm ước đạt 1,5 triệu tỷ đồng, giảm trên 4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng các năm trước thường trên 10%.
Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ thúc đẩy sản xuất công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chính phủ sẽ khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tăng cường sản xuất.
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài ra tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất nhập khẩu đối với thị trường Trung Quốc.
Ngành công thương cũng kỳ vọng việc đẩy nhanh việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ là động lực để hỗ trợ khó khăn xuất khẩu hàng hóa.