Sáng 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. Đây là lần thứ tư, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ. Bối cảnh hội nghị lần này là giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Hội nghị được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành. Tổng số lượng đại biểu dự kiến khoảng 6.000 người tại các điểm cầu.
Khi truyền hình trực tiếp, dự kiến khoảng 800.000 doanh nghiệp, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp lần thứ ba. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trước đó, phát biểu trong một cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây không phải dịp “than nghèo, kể khổ” mà phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực khắc phục khó khăn, một quyết tâm tái cơ cấu để tăng tốc phát triển, đạt mục tiêu tăng trưởng.
Hội nghị cũng tháo gỡ khó khăn để tăng tốc phát triển, nên ngoài sự phấn đấu quyết liệt, chủ động của bản thân doanh nghiệp và người dân thì trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cấp, các ngành rất quan trọng.
Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp hôm nay là lần thứ tư được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ. Lần này, mục tiêu nhằm đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành ứng phó với dịch Covid-19.
“Hội nghị cũng nhằm lắng nghe kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về các giải pháp cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch, thúc đẩy nắm bắt cơ hội phát triển thời gian tới”, thông báo nêu.
Trước hội nghị này, Hà Nội là địa phương đầu tiên đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn vào ngày 16/4. Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Hà Nội đã trực tiếp lắng nghe kiến nghị, đề xuất của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, T&T, BRG, Him Lam, Geleximco, Vinamilk...
Cả nước hiện có khoảng trên 700.000 doanh nghiệp. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì gần 30% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.