Lộ diện những bức ảnh thời trẻ của HLV Park Hang-seo
Thứ bảy, 15/12/2018 11:31 (GMT+7)
11:31 15/12/2018
Trước thềm trận chung kết lượt về AFF Cup 2018, tờ Sports Seoul đã bất ngờ "khui" ra những hình ảnh vô cùng thú vị thời trẻ của chiến lược gia người Hàn Quốc.
Chiều cao 1,70 m, thần thái cực ngầu, đôi mắt híp đáng yêu và đặc biệt là mái đầu rất... nhiều tóc, nhìn vào bức ảnh này, không nhiều người nghĩ rằng đây chính là HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Park Hang-seo. "Ngài ngủ gật" bắt đầu sự nghiệp thể thao của mình khi thi đấu cho đội tuyển của trường Đại học Hanyang, Hàn Quốc giai đoạn 1977-1980. Từ đội bóng của trường Hanyang, ông được chọn làm người đại diện thanh thiếu niên lứa tuổi U20 tham dự giải bóng đá trẻ châu Á lần thứ 20 vào năm 1978. Thế nhưng, có một điều ít người biết, rằng chuyên ngành của thầy Park khi theo học đại học là... nghiên cứu các loại thảo mộc và sữa.
Thi đấu ở vị trí tiền vệ, ông Park được các đồng đội cũ gọi với biệt danh "cục pin" nhờ nguồn thể lực dồi dào và khả năng hoạt động không biết mệt mỏi. Bên cạnh đó, mái tóc xoăn lưa thưa của vị chiến lược gia sinh năm 1959 cũng là nguồn cảm hứng để những đồng đội cũ đặt cho ông cái tên này.
Tuy nhiên, kể từ sau khi nhập ngũ và tham gia các đội bóng quân đội kể từ năm 1981, dễ dàng nhận thấy rằng tóc của HLV này rụng rất nhanh. Nhiều người thường trêu đùa rằng chính bởi sự gian khổ, khốc liệt của môi trường quân ngũ khiến thầy Park rơi vào cảnh "về đâu mái tóc người thương".
ít tóc hơn, nhưng độ ngầu của "ngài ngủ gật" không hề suy giảm. Đơn cử như bức ảnh trên, chiến lược gia người Hàn Quốc trông vô cùng thời trang và khá bảnh với trang phục tone-sur-tone cùng chiếc xe đạp.
Năm 1984, HLV Park Hang-seo gia nhập đội bóng Lucky-Goldstar, tiền thân của FC Seoul ngày nay. Chỉ gắn bó với nghiệp quần đùi áo số trong vẻn vẹn 7 năm, HLV Park để lại không nhiều dấu ấn trên sân cỏ. Đỉnh cao sự nghiệp của ông tới năm 1985, khi ông cùng đội bóng này lên ngôi tại K.League 1985. Về phần mình, với 4 bàn thắng và 3 pha kiến tạo, ông cũng lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu năm đó.
Năm 1989, Park Hang-seo hoàn thành nghĩa vụ quân sự và bắt đầu sự nghiệp HLV. Tuy nhiên, mãi tới năm 2002, ông mới đạt được cột mốc đầu tiên trong sự nghiệp khi cùng đội tuyển Hàn Quốc lọt tới tứ kết World Cup 2002 dưới tư cách trợ lý cho "thầy phù thủy" Guus Hiddink. Sau giải đấu đó, ông được Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc tin nhiệm giao trọng trách tại ASIAD Busan 2002. Giải đấu năm đó, HLV Park Hang-seo cùng đội tuyển Olympic Hàn Quốc cán đích ở vị trí thứ ba chung cuộc.
Là một con người thân thiện và hòa đồng, ông Park luôn được các cầu thủ yêu mến, dù là ở cương vị trợ lý hay HLV trưởng các đội bóng ông từng huấn luyện.
Sau năm 2002 thành công, chiến lược gia 59 tuổi có quãng thời gian nghỉ ngơi trước khi quay lại với công tác huấn luyện. Ông lần lượt dẫn dắt Gyeongnam FC, Chunnam Dragons và Sangju Sangmu nhưng không để lại quá nhiều dấu ấn. Năm 2017, thầy Park trở về quê nhà dẫn dắt CLB Changwon FC và chuẩn bị cho sự chia tay trong im lặng với bóng đá.
Thời điểm đó, CĐV Hàn Quốc đều tin rằng HLV Park đã hết thời. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi chóng mặt khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam ngỏ lời. Từ một người Hàn Quốc bị chối bỏ, ông trở thành người hùng không chỉ của Việt Nam mà cả của người dân Hàn Quốc. Chỉ riêng trong năm 2018, bên cạnh vị trí thứ tư chung cuộc tại ASIAD 18, ông đã đưa các đội tuyển Việt Nam lọt tới chung kết 2 trong 3 giải đấu tham dự. HLV Park Hang-seo gần như sở hữu mọi thứ với bóng đá Việt Nam.
Park Hang-seo là một huấn luyện viên bóng đá người Hàn Quốc. Ông chính thức ra mắt vai trò huấn luyện viên trưởng của đội tuyển bóng đá nam và U23 Việt Nam từ ngày 11/10/2017. Đây cũng là đội bóng quốc tế đầu tiên mà ông giữ chức huấn luyện viên trưởng
Theo Chủ tịch Hiệp hội người Hàn Quốc - ông Yoon Sang-ho, nhiều cổ động viên nước này mong chờ thầy trò HLV Park Hang-seo đoạt cúp vàng ở sân Mỹ Đình tối nay.
Sức hút của thầy Park cùng tuyển Việt Nam đã khiến nhiều tờ báo ở xứ sở kim chi tốn giấy mực cho trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 trên sân Mỹ Đình vào tối 15/12.