Ảnh bìa tạp chí Modern Ships cho thấy hình ảnh máy bay ném bom H-6N mang tên lửa đạn đạo dưới bụng. Những hình ảnh về phiên bản H-6N được công bố trước đó với vùng bán lõm bên dưới bụng có thể mang tên lửa loại lớn bên ngoài, Sputnik đưa tin.
Tuy nhiên, dựa vào hình ảnh trên bìa tạp chí, các chuyên gia nhận định loại tên lửa mà H-6N mang theo trong ảnh chỉ tương đương với tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15.
Tên lửa này đang được sử dụng trong lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc.
Ngoài ra, một số nhà phân tích nhận định, vùng bán lõm dưới bụng máy bay H-6N có thể để mang tên lửa siêu vượt thanh, tương tự DF-17 mà Trung Quốc công bố trong duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh vừa qua.
Máy bay ném bom H-6N với tên lửa đạn đạo treo dưới bụng xuất hiện trên trang bìa tạp chí ở Trung Quốc. Ảnh: Sputnik. |
Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc kém xa về số lượng so với Mỹ và Nga. Tuy vậy, trong báo cáo mới nhất về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Lầu Năm Góc ghi nhận 2 loại ALBM đang được phát triển, trong đó một loại được trang bị đầu đạn hạt nhân, còn loại còn lại thì mang đầu đạn thông thường.
Dựa vào báo cáo này, giới phân tích quốc phòng nhận định có hai phiên bản của tên lửa đạn đạo DF-15 và DF-21 được sửa đổi để phóng từ trên không. Trong đó, phiên bản phóng trên không của DF-21 được gọi là CH-AS-X-13, tầm bắn từ 3.000-4.000 km.
Tên lửa đạn đạo chống hạm là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm chống lại sức mạnh quân sự ưu việt của Mỹ. Tên lửa đạn đạo chống hạm sẽ giúp giữ các hàng không mẫu hạm Mỹ cách xa bờ biển Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo phóng trên không (ALBM) duy nhất đang được sử dụng là Kh-47 Kinzhal của Nga, được giới thiệu vào năm 2017. Tên lửa siêu vượt thanh Kinzhal được phóng từ tiêm kích đánh chặn MiG-31.
Mỹ và Anh cũng từng phát triển tên lửa ALBM GAM-87 Skybolt trong dự án Bold Orion vào năm 1950.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã hủy bỏ chương trình ALBM sau hàng loạt thử nghiệm thất bại. Mặt khác, tên lửa đạn đạo liên lục địa đã trở thành phương án khả thi hơn để đáp trả hạt nhân trong xung đột.