Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lo dịch tả heo châu Phi, người Sài Gòn dè dặt chọn chỗ mua thịt

Sau thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn TP.HCM, người dân dè dặt chọn mua thịt heo tại các chợ và siêu thị.

Chiều 11/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM chính thức công bố ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên trên địa bàn. Theo đó, TP.HCM là địa phương thứ 55 phát hiện bệnh dịch. Đến nay, cả nước đã tiêu hủy hơn 2,3 triệu con heo, thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh không làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thịt heo, thậm chí một số siêu thị còn đạt mức tăng đáng kể.

Thịt heo rẻ hơn các loại thịt khác

"Hồi đầu mới nghe đến dịch tả heo châu Phi, mình sợ và không dám ăn nữa. Nhưng dần dà vào siêu thị thấy các quầy thịt đều có chứng nhận kiểm nghiệm không nhiễm bệnh nên mình cũng yên tâm hơn", chị Thủy (28 tuổi, kế toán, ở quận Bình Thạnh) cho biết. 

Chị Ngọc Hà (34 tuổi, nhân viên văn phòng, ở quận 2) cũng có chung suy nghĩ trên. "Thịt heo rẻ hơn các loại thịt khác và có thể chế biến thành nhiều món ăn, vậy nên nhà mình vẫn ăn thịt heo mua tại siêu thị", chị giải thích. 

Không cung cấp số liệu cụ thể nhưng ông Vũ Thanh Tân - đại diện Central Group Việt Nam, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C Việt Nam - khẳng định: "Lượng thịt heo tiêu thụ tại Big C tăng 10-15% so với thời điểm trước dịch bệnh”. 

Tương tự, ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc Marketing tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - cũng cho biết sức tiêu thụ thịt heo của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đạt trung bình 40-50 tấn/ngày, tăng nhẹ vào các ngày cuối tuần. Trong điều kiện dịch bệnh lây lan hiện nay, sản lượng tiêu thụ vẫn tăng khoảng 15-20%.

dich ta heo chau Phi anh 1
Thịt heo từ Vissan - một trong những đơn vị cung cấp thịt heo cho hầu hết siêu thị tại Việt Nam - đều có dấu kiểm dịch và vòng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Saigon Co-op

Ông Huy cũng nói thêm các sản phẩm thịt heo của Saigon Co.op đã tham gia vào nhóm bình ổn thị trường nên sẽ không có trường hợp thay đổi giá cả trong giai đoạn sắp tới.

Đáng chú ý, người dân TP.HCM vẫn tin tưởng chất lượng thịt heo tại các cửa hàng thịt lâu năm tại chợ. Các tiểu thương tại chợ Văn Thánh (Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1) và chợ Phú Nhuận đều khẳng định doanh số thịt heo không thay đổi nhiều so với thời gian trước.

"Người tiêu dùng bây giờ kỹ tính lắm. Người cẩn thận quá thì vào siêu thị, còn không thì đến chợ cũng hỏi rõ về nguồn gốc, xuất xứ. Nhưng chúng tôi buôn bán lâu năm, hàng nhập về đều là thịt nóng từ chợ đầu mối, thỉnh thoảng nhập thêm thịt từ Vissan nữa, có dấu kiểm dịch rõ ràng nên khách hàng tin tưởng", một tiểu thương tại chợ Phú Nhuận cho biết.

Trao đổi với Zing.vn, các tiểu thương tại đây cho biết trung bình mỗi ngày lượng thịt heo bán ra là 80-90 kg. Đa phần khách hàng tại đây là những người sinh sống lâu năm ở khu vực xung quanh hoặc đã mua hàng nhiều lần, hiếm khi có khách lạ ghé vào mua.

Biện pháp đối phó của các cơ sở bán lẻ

Trước tình trạng lây lan của dịch bệnh, các chuỗi siêu thị và hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều cho biết đã chú ý theo dõi thông tin và tăng cường kiểm tra để kịp thời ứng phó.

Đại diện hệ thống siêu thị LOTTE Mart cho biết đã phối hợp với các nhà cung cấp trong việc quản lý và kiểm soát từ khâu chăn nuôi đến giết mổ. Hiện tại, thịt heo bán tại LOTTE Mart được lấy từ trang trại đạt chuẩn của các công ty C.P Việt Nam, Feddy... 

Hệ thống Big C cũng khẳng định đã chủ động kiểm tra tăng cường bằng cách gửi các mẫu thịt heo lên Chi cục Thú y vùng 6 để kiểm tra tình trạng nhiễm bệnh với tần suất 2 lần/tuần.

Trong khi đó, Saigon Co.op cho biết đã phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM giám sát quá trình giết mổ và vận chuyển thịt heo đến các siêu thị trong hệ thống.

dich ta heo chau Phi anh 2
Thịt heo được pha lóc trực tiếp tại siêu thị. Ảnh: Saigon Co-op

“Hiện chúng tôi chỉ nhập thịt heo tươi mảnh lớn và tổ chức pha lóc trực tiếp tại siêu thị chứ không nhập thịt pha lóc sẵn để dễ dàng kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thịt”, đại diện Saigon Co.op chia sẻ.

“Tuy nhiên trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm kiếm nguồn cung thịt đông để chủ động đảm bảo lượng thịt heo cung cấp cho thị trường, bởi có thể sẽ mất một thời gian khá dài cho đến khi cả nước không còn dịch bệnh”, người này cho biết.

Ngay cả các hộ kinh doanh ở chợ cũng nói họ rất kỹ tính trong khâu nhập thịt heo. Trao đổi với Zing.vn, nhiều tiểu thương ở chợ Phú Nhuận, Tân Định và Văn Thánh cho biết họ chỉ nhập thịt heo mảnh lớn từ các mối quen, kiểm tra kỹ dấu kiểm dịch trên từng mảnh và tìm hiểu rõ nguồn gốc thịt để đảm bảo an toàn.

"Đó không chỉ là vấn đề uy tín của cửa hàng, mà còn là sức khỏe và tính mạng của nhiều người khác. Sao tôi có thể không cẩn thận được?", một người bán hàng nhấn mạnh.

Hiện nay, TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước đang ráo riết triển khai nhiều biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn nguồn thịt heo mang mầm dịch đi vào thành phố, trong đó tăng cường kiểm tra tại các chốt kiểm dịch, các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ và điểm kinh doanh.

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, thịt heo khỏe an toàn có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, độ đàn hồi tốt khi dùng tay nhấn vào và không bị nhão hay rỉ nước. Người dân nên mua thịt từ các cơ sở đảm bảo chất lượng, có dấu kiểm dịch và nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. 

Đồng thời, người dân cũng cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, rửa thịt bằng nước muối loãng trước khi nấu, không bỏ thịt vào nước đang sôi để tránh chất hóa học hấp thụ ngược lại và không để thịt đã qua chế biến hơn 2 tiếng ở nhiệt độ phòng.

TP.HCM sẽ kiểm tra gắt gao việc giết mổ lợn trái phép

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết thành phố đang dốc toàn lực để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi bùng phát trên địa bàn thành phố.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm