Ngày 16/8, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu đợt giãn cách xã hội thứ 3 theo Chỉ thị 16. Trong đó, nơi áp dụng ngắn nhất là Cà Mau (5 ngày), Bạc Liêu, Hậu Giang 7 ngày; Kiên Giang, An Giang 10 ngày...
Trao đổi với Zing, ông Phan Mộng Thành, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho biết các huyện, thành phố đang thực hiện cao điểm cuộc vận động đóng góp, tổ chức phân phối hàng hóa, nông sản thiết yếu hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Tập trung lo cho người nghèo
Ngoài hàng hóa hỗ trợ những gia đình khó khăn, Ủy ban MTTQ Việt Nam kết hợp Sở Lao động - Thương tinh và Xã hội tỉnh Cà Mau hỗ trợ 2.920 người dân Cà Mau đang lao động, học tập, điều trị bệnh tại TP.HCM. Mỗi người nhận được 1 triệu đồng tiền mặt, 10 kg gạo 1 kg cá khô, chả cá. Tổng giá trị gói hỗ trợ là 3,6 tỷ đồng.
“Chúng tôi đang vận động đợt 5 để hỗ trợ đồng hương Cà Mau, Bạc Liêu tại TP.HCM và người dân thành phố này. Đã có thêm trên 4.000 người nghèo tại TP.HCM đăng ký nhận hỗ trợ”, ông Phan Mộng Thành nói.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đưa thực phẩm lên xe mang đi giúp người nghèo ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Tân. |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, trong 10 ngày tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 tại 9 huyện, thành phố (đợt 3), địa phương tiếp tục duy trì cửa hàng 0 đồng tại các xã, phường, thị trấn.
“Trong tuần này, tỉnh cố gắng giải ngân xong cho bà con thuộc nhóm được hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Tỉnh còn vận động lương thực hỗ trợ cho bà con gặp khó khăn tại những nơi còn áp dụng Chỉ thị 16. Các ngành đang tăng tốc xét nghiệm trong cộng đồng, bóc hết F0 ra ngoài, để 25/8 an tâm khoanh ra các vùng xanh”, ông Bình chia sẻ.
Tỉnh Kiên Giang cũng đang áp dụng Nghị quyết 68 đối với lao động tự do. 15/15 huyện, thành phố đã chi hỗ trợ 12.520 lao động với trên 18,7 tỷ đồng. UBND cấp xã đã tiếp nhận thêm hồ sơ của gần 61.126 lao động tự do để lên kế hoạch hỗ trợ.
Riêng 7.200 người bán vé số đã nhận mỗi người 1,5 triệu đồng, từ nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp xổ số truyền thống.
Đảm bảo lương thực cho người dân
Là địa phương duy nhất của tỉnh Sóc Trăng có tất cả các phường đều là vùng nguy cơ nên chính quyền TP Sóc Trăng tiếp tục phát thẻ vào chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Từ 16-31/8, mỗi gia đình có 8 ngày đi chợ. Hàng hóa tại chợ truyền thống và siêu thị đảm bảo tươi ngon, đủ cung ứng cho người dân.
Tại Khánh Hòa, từ nay đến 20/8, toàn TP Nha Trang áp dụng Chỉ thị 16. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định không để người dân thiếu đói, trong đó chú trọng những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Trong những ngày giãn cách xã hội, UBND TP Nha Trang yêu cầu các siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng online, dừng áp dụng phiếu đi mua thực phẩm, hàng thiết yếu như trước đây. Sau khi người dân đặt hàng qua ứng dụng online, việc giao hàng sẽ do đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện.
Tổ cứu trợ phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang, đi chợ mua thực phẩm giúp người dân. Ảnh: Xuân Hoát. |
Người dân Nha Trang có thể thông qua tổ cứu trợ xã, phường nhận đơn hàng, mua giúp rồi vận chuyển đến tận nhà. Lãnh đạo địa phương yêu cầu nhân viên giao hàng và 27 tổ cứu trợ xã, phường phải có giấy xét nghiệm âm tính nCoV.
Tại Bình Thuận, TP Phan Thiết và thị xã La Gi đang giãn cách theo Chỉ thị 16. 8 huyện còn lại áp dụng Chỉ thị số 15.
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, địa phương có 137 chợ truyền thống đang hoạt động và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Tỉnh này dự báo tổng lượng hàng hóa thiết yếu đủ cung ứng cho trên 1,2 triệu người trong 30 ngày.
Tại Đà Nẵng, chính quyền địa phương đã sẵn sàng các phương án cung ứng lương thực trong 7 ngày giãn cách. Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, trong một tuần, người dân có thể tiêu thụ khoảng 2.700 tấn gạo, 4 triệu gói mì, 161.000 lít nước mắm, hơn 1.000 tấn thịt và gần 1.500 tấn rau, củ, quả.
Người dân Đà Nẵng không lo thiếu hàng hóa trong một tuần giãn cách. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng yêu cầu 10 siêu thị lớn và 187 cửa hàng tiện lợi chuẩn bị đầy đủ thịt, cá, trứng.
Đối với 30.000 hộ dân thuộc hộ chính sách, nghèo, cận nghèo, không có thu nhập, hoàn cảnh khó khăn tại Đà Nẵng sẽ nhận được thực phẩm thiết yếu từ nguồn điều phối của Sở Công Thương về các quận, huyện. Người dân không thuộc nhóm này sẽ đặt hàng thông qua ban điều hành khu dân cư, chung cư, tổ, thôn.