Theo ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng của Vietnam Airlines, doanh thu 9 tháng của Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đạt 23.948 tỷ đồng, giảm 58,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Mức lỗ hợp nhất dự kiến 10.750 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng.
Vay để cân đối
Giữa tháng 6, ông Hiền từng cho biết nếu không sớm nhận được hỗ trợ từ Chính phủ với vai trò cổ đông lớn nhất, Vietnam Airlines sẽ cạn tiền mặt vào tháng 8. Trong bối cảnh gói hỗ trợ chưa thể giải ngân vì nhiều vướng mắc về khung pháp lý, hãng bay tìm cách "tự cứu mình" bằng nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng và vay vốn.
Ông Trần Thanh Hiền, kế toán trưởng của Vietnam Airlines, chia sẻ về tình hình tài chính của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2020. Ảnh: Ngô Minh. |
Kế toán trưởng của Vietnam Airlines chia sẻ hãng bước vào dịch Covid-19 với tình hình tài chính "rất khỏe mạnh" so với các hãng hàng không trong khu vực. Bên cạnh đó, việc thị trường nội địa phục hồi trong tháng 6 và tháng 7 khi dịch được kiểm soát tại Việt Nam đã giúp Vietnam Airlines bổ sung dòng tiền quý giá.
"Vào tháng 6 và tháng 7, thị trường phục hồi nhanh giúp hãng bổ sung được dòng tiền tích cực khoảng 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dịch tái bùng phát, giai đoạn tháng 8 lại ghi nhận nguồn thu thấp hơn so với kỳ vọng cũng như các tháng tiếp theo sẽ khó khăn hơn so với dự kiến", ông Hiền chia sẻ vào đầu tháng 8.
Các biện pháp để xoay xở dòng tiền trong dịch được đại diện Vietnam Airlines chia sẻ bao gồm việc cắt giảm triệt để chi phí, tái cơ cấu và tổ chức lại lao động, giãn tiến độ thanh toán, dừng triển khai các danh mục đầu tư chưa cấp thiết, chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia cũng như thanh lý đội tàu bay cũ...
Về cắt giảm chi phí, Vietnam Airlines đã tiết giảm được 5.335 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí tiền lương cho lao động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để bổ sung dòng tiền, doanh nghiệp cũng phải tìm đến các đối tác cho vay để cân đối ngắn hạn. Tính đến cuối tháng 9, vay ngắn hạn của Vietnam Airlines ở mức 5.242 tỷ đồng, các khoản phải trả đã giãn hoãn thanh toán ở mức 4.268 tỷ đồng.
"Đến hết tháng 9, hãng còn 1.938 tỷ đồng, nhưng từ tiền vay ngân hàng tăng và giãn nợ quá hạn, tổng vay lên tới 8.000 tỷ đồng. Nếu không tiếp cận được vốn vay và giãn nợ thì hết tiền từ lâu rồi", ông Hiền cho biết.
Cũng theo ông Hiền, trong giai đoạn khó khăn mà vẫn có đối tác tìm đến và cho Vietnam Airlines vay, chứng tỏ họ có niềm tin vào sức khỏe của doanh nghiệp và tin hãng bay sẽ vượt qua được khủng hoảng Covid-19.
Vị này cũng chia sẻ tới cuối năm, các khoản đến hạn thanh toán có thể lên tới 6.000 tỷ đồng. Nếu không sớm tiếp cận được gói hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước, hãng không thể tiếp tục vay mãi để sinh tồn.
Tiếp tục rao bán máy bay dù khó thành công
Để bổ sung dòng tiền, đại diện Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn tại các danh mục đầu tư của doanh nghiệp, trong đó việc thoái vốn tại Cambodia Angkor Air sẽ giúp doanh nghiệp bổ sung một lượng tiền mặt nhất định.
Bên cạnh đó, kế hoạch bán 9 máy bay A321ceo cũ của hãng vẫn sẽ tiếp tục được triển khai dù khả năng thành công thấp do không nhiều hãng bay có nhu cầu mua thêm máy bay trong dịch. Tuy nhiên, đại diện hãng khẳng định vẫn sẽ "kiên trì thực hiện".
Trước tác động chưa từng có của dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã có 9 tháng đầu 2020 kinh doanh đầy khó khăn với mức lỗ 10.750 tỷ đồng, nhiều lần có khả năng cạn tiền mặt. Ảnh: HVN. |
Cũng theo chia sẻ từ hãng, 3 trong số 9 chiếc máy bay này vẫn có thể khai thác được. Do đó, hãng có tính tới phương án thực hiện nghiệp vụ sale and leaseback để bổ sung dòng tiền ngắn hạn, bán và thuê lại chính 3 máy bay này.
Về gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, nhiều khả năng bao gồm vay 4.000 tỷ đồng, tăng vốn 8.000 tỷ đồng, đại diện hãng cho biết các cơ quan liên quan đang làm việc để gói được giải ngân sớm nhất, tuy nhiên, phải đảm bảo tuân thủ các khuôn khổ pháp lý, đảm bảo tính thực thi.
Ông Hiền khẳng định với mức lỗ và dòng tiền như hiện tại, ông tin sẽ có hỗ trợ từ Nhà nước dù chậm, vì nếu không có hỗ trợ, hãng sẽ không thể vượt qua dịch Covid-19.
Bên cạnh việc tiết giảm chi phí, hãng cũng đang tranh thủ mọi cơ hội để tăng doanh thu từ vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia. Thị trường nội địa phục hồi cũng đang bổ sung nguồn thu cho Vietnam Airlines. Tuy nhiên, việc các hãng bay nội địa cùng đổ tải đã khiến giá vé giảm mạnh, doanh thu bay nội địa không như kỳ vọng.
Theo Vietnam Airlines, tỷ lệ lấp đầy mỗi chuyến bay nội địa của hãng đang ở mức 85-86%, cao bậc nhất thế giới trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, do cạnh tranh nguồn khách sau dịch, các hãng bay đều bán vé ở giá thấp. "Nếu tính đủ chi phí theo mức năm 2019 thì nhiều chuyến bay chắc chắn chưa thể đạt điểm hòa vốn", kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết.
"Chừng nào chưa thể khôi phục khai thác quốc tế thì hãng chưa thể trang trải được chi phí cố định. Thị trường nội địa dù số lượng khách đã phục hồi nhưng sức mua thấp thì cũng chưa thể gọi là phục hồi được", ông Hiền nói thêm.
Trong 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đã thực hiện 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hoá. Tổng thị phần nội địa của ba hãng 51,7%.