Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Esports có lẽ không quá xa lạ với những người theo dõi ngành công nghiệp này. Theo Newzoo, thể thao điện tử đã kiếm về hơn 1 tỷ USD trong năm ngoái, với hàng triệu người hâm mộ theo dõi hàng trăm sự kiện lớn trên toàn cầu.
Hòa cùng dòng chảy đó, Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) Việt Nam cũng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Sau hơn 10 năm chính thức ra mắt tại Việt Nam, LMHT đã dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều game thủ. Cùng với đó, tiến trình chuyên nghiệp hóa cũng diễn ra mạnh mẽ.
Cuộc chiến tài trợ của các thương hiệu
Với hai tấm vé tham dự Chung Kết Thế Giới 2019, VCS đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà tài trợ trong nước lẫn nước ngoài. Theo eMarketer, công ty phân tích dữ liệu tiếp thị kĩ thuật số, ngành công nghiệp game giúp các doanh nghiệp tiếp cận đến lượng lớn những khách hàng khó tính.
Chuyên trang này phân tích game thủ là những người có thu nhập khả dụng nhưng dường như miễn nhiễm với quảng cáo đến từ những kênh truyền thống hay thậm chí là mạng xã hội. Cùng với tính chất cộng đồng của thể thao điện tử, những yếu tố trên giúp cho việc tài trợ cho các đội tuyển là nước đi thông minh.
Đây là lý do các nhãn hàng đang tham gia vào cuộc đua tài trợ cho các tựa game và các đội tuyển thể thao điện tử. Cũng theo eMarketer, nguồn thu chính của thể thao điện tử là tiền tài trợ từ các nhãn hàng lớn như Coca-Cola, T-Mobile, Toyota… với hơn 457 triệu USD vào năm 2019.
Những ngày qua, nhiều thương vụ “thay da đổi thịt” đã diễn ra trước thềm VCS.
Phong Vũ Buffalo, đương kim vô địch VCS, thông báo đổi tên thành Dashing Buffalo (DBL) sau khi nhận tài trợ của Dashing - một thương hiệu dầu gội đầu. Trước kia họ là đại diện của Phong Vũ Computer, một công ty kinh doanh thiết bị số và máy tính.
Chia tay Zeros là một thiệt thòi của DBL. Ảnh: VED. |
EVOS - cái tên sẽ cùng DBL đại diện VCS góp mặt tại sự kiện giao hữu quốc tế Rift Rivals - cũng là đại diện của nhà tài trợ đến từ Indonesia. EVOS là tổ chức quản lý nhiều đội tuyển đến từ nhiều quốc gia trong nhiều bộ môn Esports khác nhau.
Sky Gaming Daklak (SGD), đội tuyển của Optimus, cũng đã đổi tên thành Team Flash sau khi nhận tài trợ của tổ chức thể thao điện tử đến từSingapore. Tổ chức này cũng quản lý đội tuyển đang bá chủ tại tựa game Liên Quân. Người hâm mộ cũng mong đợi Optimus và Team Flash thể hiện sức mạnh của mình tại LMHT.
Friends Forever Gaming cũng đã đổi tên thành Lowkey Esports sau khi đổi nhà tài trợ. Lowkey Esports là tổ chức thể thao điện tử đến từ Bắc Mỹ, sở hữu các đội tuyển nổi tiếng trong nhiều tựa game, tiêu biểu có thể kể đến PUBG. Với 9 tỷ VNĐ đầu tư đến từ nhà tài trợ, đội tuyển LMHT Lowkey Esports được mong chờ sẽ tạo ra bất ngờ.
FFQ chính thức đổi tên thành Lowkey Esports. Ảnh: VED. |
Thị trường chuyển nhượng diễn ra sôi động
Cùng với những thương vụ thay tên đổi chủ, những ngày trước thềm VCS (giải vô địch LMHT Việt Nam) cũng diễn ra nhiều thay đổi về mặt nhân sự.
DBL kí hợp đồng với thành viên mới Raizo để thay thế vị trí đường trên của Zeros. Tuyển thủ 17 tuổi này đến nay vẫn là ẩn số. Bên cạnh đó, "những chú trâu" DBL cũng chào đón Ling Cao Thủ là huấn luyện viên mới, "ngài" Ren lui về vị trí trợ lý.
HLV Lee In-Cheol, người từng có quãng thời gian khá thành công với SAJ và SF5, cũng đang dẫn dắt Cerberus. Ông chia sẻ với phóng viên của VETV trong lần phỏng vấn khi quay trở lại Việt Nam: “Tôi đã làm việc ở rất nhiều khu vực nhưng cảm thấy Việt Nam hứng thú hơn cả”.
Người hâm mộ LMHT Việt Nam những ngày đầu. Ảnh: VED. |
Cuộc canh tranh càng trở nên khốc liệt khi GIGABYTE Marines (GAM) đang trở nên mạnh mẽ hơn với sự trở về của Levi và Zeros, hứa hẹn sẽ giành lại vị trí số một và tranh vé tham dự Chung Kết Thế Giới 2019.
Huyền thoại Nguyễn Trần "QTV" Tường Vũ từng thành lập FFQ và cái tên này cũng đã gặt hái nhiều thành công. Sau khi FFQ đổi tên thành Lowkey Esports, người hâm mộ FFQ (vốn phần đông là fan hâm mộ QTV) cũng đã chuyển sang cổ vũ cho QG Gaming, đội tuyển mới của QTV.
Người dùng Reddit “Theboyscampus” nhận định những sự thay đổi này cho thấy nền LMHT Việt đang trở mình mạnh mẽ. Anh chia sẻ: “Những tài năng ở đây đang thi đấu rất tốt với con chuột 1 USD trong phòng máy giá 0,2 USD/giờ, hãy tưởng tượng xem họ sẽ như thế nào nếu được cung cấp môi trường như các khu vực lớn hơn”.
Với những thành tích của mình, nền LMHT Việt đang nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ phía các nhà tài trợ. Được tài trợ nhiều tiền hơn đồng nghĩa với chế độ đãi ngộ tốt hơn và môi trường tập luyện (Gaming House) tốt hơn cho game thủ. Dù nở rộ muộn màng, nhưng eSport Việt đang có cơ hội lớn để phát triển ở một cấp độ cao hơn.