Không nhiều người biết bàn thắng cá nhân và tập thể đẹp nhất trong lịch sử các VCK World Cup đều có chủ nhân là người Argentina. Bàn đầu tiên, vốn đã quá nổi tiếng, chính là cú solo từ giữa sân của Diego Maradona vào lưới đội tuyển Anh tại tứ kết World Cup 1986.
Maradona đã nhận bóng từ giữa sân, vượt qua 5 cầu thủ Anh bao gồm cả thủ thành Peter Shilton trước khi đưa bóng vào lưới trống. Đây cũng là bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử World Cup.
Bàn thứ hai diễn ra sau đó tròn 20 năm, tại World Cup 2006. Trong trận đấu với Serbia & Montenegro ở vòng bảng, các cầu thủ Argentina đã thực hiện 24 đường chuyền liên tiếp qua chân 9/11 cầu thủ trước khi Esteban Cambiasso ghi bàn bằng cú sút chân trái trong vòng cấm.
“Người Argentina ưa sáng tạo trong mọi hoàn cảnh”, không phải ngẫu nhiên mà nhà vô địch thế giới năm 1986 Jogre Valdano nói vậy. Không ai nghĩ Diego Maradona sẽ đi bóng đến tận cùng, vượt qua cả Peter Shilton trước khi sút tung lưới người Anh.
Cũng rất ít ai nghĩ Argentina năm 2006 có thể kiên nhẫn ban bật vào tận vòng cấm địa Serbia trước khi kết liễu đối thủ.
Bàn thắng vào lưới Serbia của Cambiasso tại World Cup 2006 là biểu tượng của sự sáng tạo mang tính tập thể nơi Argentina. Ảnh: fifa.com. |
Hai pha lập công này mang tính biểu tượng cho “chất Argentina” tại các VCK World Cup. Argentina phải sáng tạo, làm được điều mà không ai nghĩ tới thì đó mới là Argentina.
Người Argentina và "Chúa trời" Maradona
Không cần một con số thống kê cụ thể nào, người ta cũng biết rằng Lionel Messi không được ưa thích quá nhiều tại quê nhà Argentina. Chưa cần so với Maradona, Messi còn không có cửa đọ với Carlos Tevez hay Juan Sebastian Veron về độ được yêu thích tại xứ sở Tango.
Xét về tài năng đươc định nghĩa qua số danh hiệu cá nhân, Messi dĩ nhiên là số một tại Argentina. Song người Argentina không chọn biểu tượng của quốc gia mình theo cách đó.
Messi trong mắt những người Argentina giống người châu Âu hơn. Anh rời Argentina từ nhỏ, xây dựng tiếng tăm và gặt hái những danh hiệu kỳ vĩ trong màu áo Barcelona, một CLB Tây Ban Nha.
Messi không hề được yêu quý tại Argentina. Ảnh: Getty Images. |
Nói cách khác, Messi không đại diện cho người Argentina. Bóng đá như HLV trưởng ĐT Argentina tại World Cup 1978 - Cesar Menotti - nói là “ánh xạ cuộc sống”. Người Argentina đam mê bóng đá không chỉ bởi đây là môn thể thao vua. Họ đam mê vì bóng đá phản ánh chính con người họ.
Chế độ độc tài Juan Peron ở Argentina trong thập niên 50 của thế kỷ trước đã biến bóng đá trở thành môn thể thao số một xứ sở Tango. Người Argentina khi ấy chơi bóng vì niềm vui, trong khi chính quyền dùng bóng đá để tuyên truyền các quyết sách chính trị tới phần còn lại.
Cứ thế sau nhiều thập kỷ, bóng đá với người Argentina không đơn thuần chỉ là một trò chơi. Nó vượt qua những ý nghĩa cơ bản của một môn thể thao, được nâng tầm thành một công cụ phản ánh xã hội, một thứ tôn giáo với cả triệu tín đồ cuồng tín.
Vẫn là Valdano trong bài phỏng vấn vào năm 2006 với tờ Der Spiegel tiết lộ trong xã hội Argentina lừa gạt được xem là một nghệ thuật. “Bất cứ ai dùng sự xảo trá và lén lút để vươn lên một địa vị khác trong cuộc sống đều sẽ nhận được sự nể trọng từ người khác, hơn hẳn những ai có được địa vị đó bằng nỗ lực và sự thật thà”, Valdano khẳng định.
Người Argentina với thứ tôn giáo mang tên bóng đá cùng tư tưởng “lừa gạt được xem là nghệ thuật” ấy cần một vị vua. Và Diego Maradona xuất hiện. “Cậu bé vàng” là hiện thân hoàn hảo (xin hãy hiểu hoàn hảo ở đây cũng chỉ mang nghĩa tương đối) nhất của xã hội và đức tin Argentina.
Maradona, với toàn bộ những tranh cãi trong suốt sự nghiệp, là biểu tượng hòa hảo nhất của người Argentina. Ảnh: ESPN. |
Maradona không cao nhưng khiến cả thế giới phải ngước nhìn. Cuộc đời Maradona có đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố và éo le hơn bất kỳ siêu sao nào. Từ gian lận, trốn thuế, dùng tay chơi bóng, chơi thuốc phiện... tới rực sáng kéo Albiceleste tới chức vô địch World Cup, thất bại trong kỳ World Cup tiếp theo trước khi bị trục xuất vì sử dụng chất cấm trong kỳ World Cup cuối cùng.
Năm 2005, Maradona còn suýt chết sau một thời gian ăn chơi sa đọa dẫn đến phát phì. Phải chứng kiến cảnh người dân Argentina quỳ trước cửa bệnh viện cầu nguyện nhiều ngày đêm không nghỉ cho “Cậu bé vàng” thì mới thấy vị thế tuyệt đối của Maradona trong trái tim những người Argentina.
Vượt qua những quy ước đạo đức thông thường, Maradona là "Chúa trời" tại Argentina. Trên những con đường của thủ đô Buenos Aires, những bức tường vẽ hình Maradona tràn ngập. Năm 2008, đạo diễn Emir Kusturica người Serbia thậm chí còn mang phim tài liệu về cuộc đời Maradona tới Liên hoan phim Cannes.
Kết thúc của bộ phim đó là bài hát La vida Tombola được trình diễn bởi nhóm Manu Chao ngay trên đường phố Buenos Aires với Maradona là khán giả. “Nếu tôi được là Maradona, tôi sẽ không bao giờ phải sai lầm. Nếu tôi là Maradona, tôi sẽ hét vào mặt FIFA rằng tất cả là một lũ trộm. Nếu tôi là Maradona...”. Cứ thế La vida Tombola trở thành bài hát nổi tiếng nhất được viết riêng cho “Cậu bé vàng”.
Messi dưới cái bóng Maradona
“Maradona là đại diện của Argentina, không chỉ bằng bóng đá. Nếu Maradona là thơ, thì Messi chỉ là văn xuôi”, huyền thoại Gabriel Batistuta khẳng định với Gazzetta dello Sport vào tháng 4/2018. Quan điểm của Batigol xứng đáng nhận được sự nghi nhận.
Với Maradona đại diện cho dân tộc Argentina trong đội hình, những đồng đội chơi xung quanh Diego đều được nâng tầm và Argentina trở thành một khối cực khó để bị đánh bại. Năm 1986, Argentina có gì để chinh phục World Cup ngoài Maradona?
Họ có Jogre Valdano chưa từng được người Argentina đánh giá cao vì chơi bóng hệt như cầu thủ châu Âu, họ có Jogre Burruchaga chỉ chơi bóng ở Pháp, có Oscar Rugggeri mới chỉ 24 tuổi cùng những ông lão tới Mexico theo dạng tri ân như Daniele Passarella hay Ricardo Bocchini.
Maradona đã kéo Argentina tới chức vô địch World Cup 1986 với phong độ không tưởng. Ảnh: Pinterest. |
Vậy mà đội hình èo uột ấy đã lên ngôi vô địch với 10/14 bàn in dấu giày của Maradona, trong đó có 5 bàn thắng cùng con số không tưởng: 90 lần qua người và 53 lần bị phạm lỗi trực tiếp. Không ai có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến vậy trong một kỳ World Cup như cách mà Maradona đã làm.
Messi thì khác. Nếu như Maradona nâng tầm các đồng đội, thì Messi lại vô hình trung, làm điều ngược lại. Anh bị đánh giá là biến ĐT Argentina thành tập thể của riêng mình, nơi mà HLV trưởng Jogre Sampaoli phải lạy lục tới tận nhà Messi để giới thiệu cho anh về lối chơi mình định áp dụng. Ảnh hưởng của Messi về chuyên môn áp đảo các đồng đội đến mức không ai còn là chính mình khi chơi cạnh anh trong màu áo trắng xanh.
Sergio Aguero ghi tới 143 bàn tại Premier League bỗng yếu ớt đến lạ khi chơi bên cạnh Messi. Gonzalo Higuain cứ đối mặt với thủ môn trong trận chung kết là sút ra ngoài. Paulo Dybala thừa nhận “khó khăn” khi chơi cạnh Messi trong khi Mauro Icardi còn gần như không được triệu tập.
“Argentina là đội bóng của những cá nhân, không khác gì tuyển Bỉ. Họ đầy rẫy các tài năng ở mỗi vị trí, nhưng tôi vẫn không thấy được sự kết dính của một tập thể.”, Menotti nói hồi tháng 3/2018 trên Radio Conexion Abierta. Bóng đá hiện đại không còn là cuộc chơi của một cá nhân xuất sắc kéo cả tập thể đi lên nữa, huống hồ Messi chỉ làm tập thể Argentina thụt lùi.
Ngay cả khi chính Maradona nói rằng “Messi không cần phải chứng minh với bất kỳ ai” trên báo chí Argentina, thì Messi cũng tự hiểu anh sẽ phải chứng minh rằng mình xứng đáng là cầu thủ vĩ đại nhất thế giới với chính những người Argentina. Barca đã cho Messi mọi thứ, anh cũng được thừa nhận bởi cả thế giới. Nhưng Argentina thì không. Vì Messi không đại diện cho tính cách Argentina như Maradona.
Bởi vậy, tham vọng vô địch World Cup hay cuộc đua để thoát khỏi cái bóng của Maradona là trò chơi mà Messi đã thua ngay từ vạch xuất phát. Và “Cậu bé vàng” mới là đối thủ lớn nhất sự nghiệp của Messi chứ không phải Cristiano Ronaldo.