Khác với các họa sĩ NFT, sự đóng góp của các kỹ thuật viên đồ họa (designer) trong Web3 có phần thầm lặng hơn. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ luôn tồn tại ở mọi nơi, từ logo dự án, poster trên mạng xã hội đến giao diện ứng dụng.
Độc giả có thể tìm hiểu câu chuyện của những người đóng góp âm thầm này qua chia sẻ của anh Phạm Ngọc Duy, nhà thiết kế đồ họa tại công ty công nghệ Ninety Eight.
"Trang giấy trắng" khi bước vào Web3
- Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề thiết kế đồ họa?
- Tôi và nghề thiết kế gặp nhau là cái duyên đúng nghĩa đen. Vốn dĩ ban đầu tôi dự định theo nghề họa sĩ minh họa vì từ bé đã rất thích vẽ. Đến cuối năm cấp 3, do thời gian không cho phép, tôi chuyển hướng sang thiết kế đồ họa.
Sau cùng, nghệ thuật vẫn là đam mê lớn nhất mà tôi quyết định theo đuổi. Lên đại học, tôi thấy ngành thiết kế đồ họa là sự kết hợp giữa vẽ và thiết kế nhưng mang tính ứng dụng nhiều hơn.
Với anh Phạm Ngọc Duy, niềm vui trong nghề thiết kế là thấy sản phẩm của mình đi vào đời sống. |
- Công việc đầu tiên của anh liên quan đến Web3 là gì? Ấn tượng của anh về blockchain sau 3 tháng đầu làm việc ở công ty thay đổi như thế nào?
- Tôi nhớ lúc đó là năm 2021, dịch Covid-19 khiến công ty lúc đó phải dừng hoạt động. Sau 2 tháng, một người quen hỏi tôi có muốn thử sức ở một công ty Web3 không.
Mãi đến lúc đó, tôi mới bắt đầu tìm thử blockchain hay Bitcoin là gì. Thật ra, ấn tượng của tôi về Web3 khi ấy vẫn còn khá mơ hồ, thậm chí hơi tiêu cực vì chưa được tiếp cận nhiều nguồn tin cụ thể. Trong khi đó, hầu hết truyền thông thời điểm ấy đều dùng từ “tiền ảo” để nói về Bitcoin.
Anh Duy ấn tượng từ lúc bước chân vào công ty đã thấy blockchain có nhiều tiềm năng và môi trường làm việc năng động. |
Mặc dù chưa hiểu lắm về ngành, tôi vẫn đến văn phòng của công ty xem sao. Khi bước chân vào đó, tôi thấy không gian và môi trường làm việc đều rất hiện đại. Từ lúc ấy, tôi đã cảm nhận blockchain có thể là lĩnh vực rất tiềm năng và có môi trường làm việc năng động.
Tiếp đó, tôi được người anh giới thiệu đến Ninety Eight, một trong những công ty Việt Nam vẫn còn trụ vững trong giai đoạn khó khăn của thị trường năm 2022. Ninety Eight không chỉ duy trì hoạt động mà còn có thể mở rộng trong khi thị trường đi xuống, nên tôi tin rằng công ty có đủ sức mạnh để phát triển trong tương lai.
“Người dùng Web3 có nhiều nỗi đau”
- Có những khác biệt nào khi anh thiết kế sản phẩm cho thương hiệu Web2 và Web3?
- Những người dùng ở Web3 có nhiều nỗi đau so với Web2. Đặc biệt là ở ngành tài chính và sản phẩm liên quan tới tiền, khách hàng dễ có những cảm xúc vui, buồn, tích cực hay tiêu cực. Vì vậy, điều quan trọng là làm sao thiết kế của mình mang đến cho họ cảm giác an toàn, tin cậy để giữ chân người dùng.
Trách nhiệm của người thiết kế là lan truyền năng lượng thông qua hình ảnh. Tôi luôn để từ “trust” (niềm tin) đi kèm với từ “color” (màu sắc). Chẳng hạn, sau giai đoạn thị trường suy yếu, tôi hạn chế sử dụng gam màu nóng, đặc biệt là màu đỏ. Tôi cũng tăng sắc độ sáng với những màu gợi cảm giác hy vọng như xanh lá, xanh dương hay màu trắng.
- Trong những năm qua, anh cảm thấy ấn tượng nhất với sản phẩm hay câu chuyện nào?
- Hiện tại, team tôi đang tham gia thiết kế cho Zen Card, sản phẩm mới của Ninety Eight. Zen Card là sự kết hợp của tính tiện dụng mà ví nóng mang lại và sự an toàn mà người dùng tìm kiếm ở ví lạnh.
Cách sử dụng Zen Card gần như giống với ví nóng Coin98 Super Wallet. Điểm khác biệt là người dùng cần thêm bước áp thẻ NFC vào điện thoại mỗi khi xác nhận giao dịch để tăng thêm bảo mật cho ví.
Nhiệm vụ của chúng tôi là lên product concept (ý tưởng sản phẩm) và thiết kế hình ảnh cho chiếc thẻ NFC này. Khi công ty lần đầu giới thiệu Zen Card trong sự kiện The One, mối băn khoăn của tôi là làm sao để thể hiện khía cạnh công nghệ của Ninety Eight.
Zen Card phiên bản Elemental với thiết kế đại diện cho 5 yếu tố. |
Ngày 29/2 vừa rồi, Ninety Eight đã chính thức phát hành rộng rãi Zen Card ra thị trường. Đề bài của công ty đưa cho team là thiết kế 5 phiên bản Zen Card tương ứng với 5 yếu tố gió, lửa, đất, nước và ether, tức là những thành phần quan trọng tạo nên một hệ sinh thái.
Khó khăn lớn nhất là những yếu tố này luôn chuyển động liên tục, không có hình khối cụ thể. Đây thực sự là bài toán khó vì 5 yếu tố này không có hình ảnh cụ thể, không đứng yên để chúng ta có thể nắm được hình ảnh rồi vẽ ra. Lửa thì cũng có khí, mà bản thân gió cũng chính là khí.
Ngoài ra, với đặc thù sản phẩm là một tấm card, nếu muốn ép kim thì phải chia đường nét ra để in ấn sau đó mới ép lên được. Bởi vì bị giới hạn về mặt thiết kế không thể quá phức tạp, tôi phải tính toán những đường nét này cần căng lên bao nhiêu, độ đậm bao nhiêu thì mới có thể in được.
Dự án muốn hình ảnh phải gần gũi và đơn giản hơn. Mục tiêu là khi nhìn vào mình phải biết đây là nước, kia là lửa. Nếu khách hàng nhìn vào hình ảnh trên tấm card mà tự hỏi “Đây là cái gì” thì bản thiết kế của bạn đã thất bại.
- Đâu là niềm vui lớn nhất của anh trong quá trình thiết kế Zen Card?
- Từ trước đến nay, hầu hết sản phẩm chúng tôi thiết kế cho Ninety Eight đều nằm trên giao diện điện thoại. Zen Card là sản phẩm vật lý đầu tiên. Nếu trước đây những sản phẩm liên quan đến blockchain có vẻ mơ hồ và trừu tượng thì bây giờ chúng ta có thể thực sự cầm chúng trên tay.
Đây là điểm mà tôi nghĩ sẽ chạm vào những người dùng Internet và cho họ thấy được ngành này có những sản phẩm thực như vậy. Có lẽ Zen Card sẽ đẩy cảm xúc của người dùng trở nên thật hơn và đưa người dùng Web2 lên Web3 nhanh hơn.
Với Zen Card thì từ khóa “bảo mật” là quan trọng nhất. Để nhấn mạnh điểm này, chúng tôi có in những dãy số nhị phân ngẫu nhiên 1 và 0 ở mặt sau thẻ. Đó là một trong những tín hiệu cho người dùng thấy đây là sản phẩm công nghệ.
Vẫn còn cô độc trong hành trình Web3
- Hiếm có ngành nghề nào mà có những hội nhóm hoạt động mạnh trên mạng xã hội như thiết kế đồ họa. Anh cảm thấy yếu tố cộng đồng trong đồ họa và blockchain bổ trợ như thế nào cho nhau?
- Cộng đồng thiết kế đồ họa ở Việt Nam rất rộng lớn và hoạt động rất sôi nổi. Song riêng ở mảng Web3 thì ngay cả những người xung quanh tôi cũng đã có quan điểm trái chiều. Cộng đồng designer ở Việt Nam hoạt động rất sôi nổi, nhưng 2 cộng đồng đồ họa và blockchain gần như tách biệt nhau.
Phải nói trong 5 năm qua, tôi luôn cảm thấy cô độc vì khó có thể tìm được những chuyên viên đồ họa chuyên về Web3 giống như mình. Các bạn có thể vào thị trường trong 1-2 năm để làm nghề nhưng cuối cùng lại không theo thị trường.
- Anh có nghĩ định kiến về blockchain là rào cản lớn nhất ngăn các bạn trẻ tham gia ngành thiết kế Web3? Các bạn trẻ cần có tố chất nào để tham gia lĩnh vực này?
- Có lẽ là không. Gần đây, truyền thông đề cập đến blockchain một cách cởi mở hơn. Bên cạnh đó, nhiều dự án tốt cũng lan toả năng lượng khá lớn cho cộng đồng thiết kế đồ họa. Các bạn đã hiểu được ngành blockchain đang là xu hướng như thế nào, có tiềm năng trong tương lai ra sao.
Phiên bản “Year Of Long” đặc biệt năm 2024 của Zen Card. |
Giờ là lúc thích hợp để các bạn Gen Z thử sức với Web3. Tôi nghĩ từ đây cho đến 8 năm nữa, đây sẽ là một cơ hội lớn giúp cho các bạn nhảy vọt. Web3 là thị trường rất tiềm năng và nhiều cơ hội phát triển vì bây giờ vẫn còn khá ít nhân sự đồ họa chuyên về Web3.
- Ngoài những điểm kể trên, có lợi ích nào khác mà Web3 mang lại cho chuyên viên thiết kế đồ họa? Ngược lại, họ có thể mang lại giá trị to lớn như thế nào cho sự phát triển của blockchain?
- Vào khoảng 2019, người làm thiết kế đồ họa thường không được đánh giá cao. Dự án thường chỉ quan tâm tới backend, những người lập trình hệ thống ứng dụng. Thiết kế của sản phẩm không thực sự được chú trọng và vấn đề “build trust” về mặt hình ảnh cũng vậy.
Nhưng khi thị trường đi xuống, không chỉ chất lượng mà các dự án cũng cải tiến hình thức cho sản phẩm của mình nhiều hơn, bởi vì những dự án thực sự trong Web3 rất tin vào tiềm năng của ngành và không ngại chi tiền để trải nghiệm người dùng có thể mượt mà hơn. Sau thời kỳ khó khăn của thị trường, tôi tin là sứ mệnh của người thiết kế đồ họa sẽ còn cao hơn thế.
“Làm thế nào để thiết kế của mình chạm đến trái tim người dùng”, “Làm sao để xây dựng sự tin cậy ở dự án”, tôi tin tưởng đó là những câu hỏi mà designer luôn phải tìm câu trả lời.