Trong ngày thứ 17 của cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine, quân đội Nga tiếp tục áp sát thủ đô Kyiv, dường như nhằm gây áp lực hoặc chuẩn bị một cuộc tấn công lớn. Các cuộc giao tranh, pháo kích tiếp tục được ghi nhận ở bên ngoài Kyiv, và cả ở nhiều thành phố khác của Ukraine.
Bên ngoài trận địa Ukraine, cuộc chiến ngoại giao và thông tin cũng diễn ra căng thẳng, khoét thêm các mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây.
Nga áp sát Kyiv
Theo báo cáo tình báo được Bộ Quốc phòng Anh công bố hôm 12/3, quân đội Nga đã áp sát thủ đô Kyiv.
“Các cuộc giao tranh ở Tây Bắc Kyiv tiếp tục với lượng lớn lực lượng mặt đất của Nga cách trung tâm thành phố 25 km”, cơ quan trên tiết lộ.
Hình ảnh vệ tinh của Maxar Technologies cho thấy một số ngôi nhà gần Kyiv bốc cháy. Ảnh: Maxar Technologies. |
London cũng cho biết một số đơn vị quân đội Nga ở hướng bắc Kyiv đã phân tán, dường như nhằm bao vây thành phố hoặc giảm tổn thất nếu quân đội Ukraine phản công.
Giới chức Ukraine cho biết Kyiv đã “sẵn sàng chiến đấu” nếu Nga tấn công vào thành phố. Còi báo động phòng không tại Kyiv và nhiều thành phố lớn của Ukraine đã vang lên ngay trước bình minh.
Bên cạnh Kyiv, chiến sự cũng tiếp diễn ở các thành phố khác như Kharkiv, Chernihiv, Sumy hay Mariupol. Tiếng nổ cũng được ghi nhận tại Dnipro Mykolaiv, Nikolaev hay Kropyvnytskyi.
Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn tổng thống Ukraine, gọi Kyiv là “thành phố bị bao vây”. Ông cho biết các trạm kiểm soát và các tuyến đường cung ứng đã được thiết lập.
“Kyiv sẽ đứng vững đến thời khắc cuối cùng”, ông Podolyak tuyên bố.
Hình ảnh vệ tinh được công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies công bố hôm 12/3 cho thấy pháo binh Nga dường như tấn công vào các thị trấn ở tây bắc Kyiv, khiến một số tòa nhà bốc cháy. Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng đang tiếp cận thủ đô của Ukraine cả về hướng đông.
Nhân viên cứu hỏa Nga chữa cháy tại một khu dân cư Kyiv sáng 12/3. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết tình hình tại vùng Kyiv đã trở thành “thảm họa nhân đạo” khi nguồn cung nước sạch và khí gas bị ngưng trệ. Trước đó, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết khoảng 2 triệu người Kyiv - tương đương với một nửa dân số thành phố - đã phải di tản.
“Mọi con đường, mọi ngôi nhà đều đang trở thành pháo đài”, ông Klitschko tuyên bố. “Kể cả những người trong đời chưa bao giờ có ý định nhập ngũ, giờ đây cũng đang mặc quân phục với súng máy trong tay”.
Tổng thống Zelensky cho biết khoảng 1.300 binh sĩ Ukraine thiệt mạng kể từ khi chiến sự bùng phát. Dù vậy, ông cũng bày tỏ sự lạc quan khi cho rằng cuộc xung đột đã tiến tới “bước ngoặt chiến lược”.
“Không thể nói trước được rằng chúng ta cần bao nhiêu ngày nữa để giải phóng đất đai Ukraine. Nhưng chúng tôi có thể nói rằng chúng ta sẽ làm được”, ông nói.
Lãnh thổ Nga kiểm soát được và thế tiến công của Nga. Đồ họa: CNN. |
Cuộc chiến thông tin và trừng phạt
Bên cạnh cuộc chiến trên thực địa, cuộc chiến trên mặt trận thông tin - mạng xã hội cũng đang tiếp diễn.
Giới chức Nga tuyên bố sẽ hạn chế quyền truy cập mạng xã hội Instagram từ ngày 14/3 tới để đáp trả động thái nới lỏng biện pháp kiểm duyệt các phát ngôn kêu gọi bạo lực nhằm vào binh lính Nga của Meta - công ty mẹ của Instagram và Facebook.
Trước đó, quyền truy cập vào Twitter và Facebook tại Nga cũng đã bị hạn chế hoặc cấm hoàn toàn. Dù vậy, ứng dụng nhắn tin WhatsApp - một sản phẩm khác của Meta - tạm thời chưa bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, một số nhân lực trong ngành công nghệ thông tin Ukraine cũng đang tham gia vào “cuộc chiến tranh du kích trên mạng” nhằm vào Nga, theo Guardian.
Nỗ lực của người Ukraine rất đa dạng, từ tìm cách ảnh hưởng tới người dân Nga qua mạng xã hội, gây quỹ cho Ukraine, tới xâm nhập vào các hệ thống của người Nga.
“Không phải ai cũng giỏi trong sử dụng súng”, ông Konstantin Vasyuk, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghệ Thông tin Ukraine, chia sẻ. “Con người nên được sử dụng hiệu quả nhất có thể. Chúng tôi đang chiến đấu với súng, với máy tính xách tay, chúng tôi sẽ tiếp tục”.
Nga áp đặt biện pháp trả đũa với Meta sau khi công ty này nới lỏng kiểm duyệt các phát ngôn kêu gọi bạo lực nhằm vào binh lính Nga. Ảnh: Guardian. |
Bên cạnh đó, phương Tây cũng tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga - cũng như giới tài phiệt Nga.
Giới chức Italy ngày 12/3 thông báo tịch thu siêu du thuyền trị giá 530 triệu euro (khoảng gần 590 triệu USD) của doanh nhân người Nga Andrey Melnichenko như một phần của các lệnh trừng phạt được đưa ra bởi Liên minh châu Âu (EU).
Theo EU, ông Melnichenko là một trong số 37 lãnh đạo doanh nghiệp Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine hôm 24/2.
Ông Melnichenko “thuộc về nhóm doanh nhân Nga có ảnh hưởng lớn nhất với liên kết chặt chẽ với chính phủ Nga”, EU tuyên bố. “Ông ấy tham gia vào các lĩnh vực kinh tế đem lại nguồn thu đáng kể cho chính phủ Nga”.
Sau những chỉ trích về sự chậm trễ trong việc đưa ra các lệnh trừng phạt, chính phủ Anh hôm 12/3 quyết định đưa ra lệnh cấm vận với 386 nghị sĩ Nga ủng hộ quyết định công nhận hai nhà nước cộng hòa tự xưng tại miền Đông Ukraine, cũng như lên kế hoạch cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga.
Trong khi đó, ban tổ chức giải bóng đá Ngoại hạng Anh (Premier League) cũng truất quyền chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Chelsea của tỷ phú Roman Abramovich, sau khi nhà tài phiệt này bị chính phủ Anh áp đặt lệnh trừng phạt do mối liên hệ với ông Putin.
"Sau lệnh trừng phạt từ chính phủ Vương quốc Anh, ban lãnh đạo Premier League quyết định truất quyền giám đốc câu lạc bộ Chelsea của ông Abramovich”, ban tổ chức giải bóng đá hàng đầu thế giới thông báo.