Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liệu ông Trump có 'hạ cánh an toàn' hơn ông Nixon?

Tháng 6 đánh dấu tròn 50 năm bê bối Watergate làm rúng động chính trường Mỹ, cũng là lúc cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu bước vào các phiên điều trần.

Sau 50 năm làm chấn động Washington, vụ Watergate dẫn đến việc từ chức của cố Tổng thống Richard Nixon vẫn là biểu tượng của bê bối chính trị cấp cao đồng thời là minh chứng cho tham vọng quyền lực của một vị tổng thống đương nhiệm.

Tuy nhiên, trong bài phân tích AFP đăng tải hôm 16/6, nhiều chuyên gia cho rằng những cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6/1/2021 còn nghiêm trọng hơn bê bối của Tổng thống Richard Nixon cách đây nửa thế kỷ.

Song, các chuyên gia cũng chỉ ra điểm khác biệt giữa hai sự kiện dẫn đến các kết quả khác nhau sau các phiên điều trần. Trong đó, bối cảnh về đảng phái và truyền thông hiện nay được các chuyên gia coi là “chiếc ô” giúp cựu Tổng thống Trump tránh được “cơn bão” một cách an toàn hơn so với vị tổng thống thứ 37 của nước Mỹ.

be boi Watergate,  bao loan tai Dien Capitol anh 1

Ông Donald Trump và cựu Tổng thống Richard Nixon tại một bữa tiệc ở Houston, Texas, vào tháng 3/1989. Ảnh: AP.

Sự “ám ảnh quyền lực” của hai vị tổng thống

Giáo sư lịch sử Michael Green thuộc Đại học Nevada (Las Vegas), nhận định với AFP: “Một trong những điều trớ trêu là ông Nixon không cần phải ra lệnh đột nhập để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm đó. Hơn nữa, ngay cả trong các đoạn băng bị tịch thu, không có bằng chứng nào cho thấy vị tổng thống này có ý định lật ngược kết quả bầu cử”.

Trong khi đó, các cáo buộc chống lại cựu Tổng thống Trump - cho rằng ông đã kích động một cuộc bạo động chết người để phá vỡ quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình - có vẻ “nghiêm trọng hơn nhiều”, ông Green nhấn mạnh.

Ngày 17/6/1972, năm tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, năm người đàn ông bị bắt khi đang đột nhập và ăn cắp tài liệu từ trụ sở của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ ở khu nhà Watergate (Washington D.C.).

Trong số những người bị bắt có James McCord - người phụ trách an ninh của Ủy ban Tái tranh cử của cố Tổng thống Nixon lẫn Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa.

be boi Watergate,  bao loan tai Dien Capitol anh 2

Khu phức hợp Watergate tại Washington D.C. Ảnh: USA Today.

Cuối tháng 5/1972, vụ đột nhập lần thứ hai diễn ra, những kẻ trộm đã lấy đi một số tài liệu và cài máy nghe lén. Song, hai vụ đột nhập bị phanh phui liên quan Watergate không thật sự ảnh hưởng đến cuộc đua giành quyền lực của ông Nixon.

Ngày 7/11/1972, ông tái đắc cử vị trí lãnh đạo Nhà Trắng với hơn 60% số phiếu bầu phổ thông trên toàn nước Mỹ, đánh bại hoàn toàn ứng viên đảng Dân chủ George McGovern.

Tính đảng phái sâu sắc hơn

“Vào năm 1973 và 1974, rất nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa trung thành với Nixon cuối cùng đã bỏ phiếu thuận với các điều khoản xem xét bãi nhiệm tổng thống”, David Greenberg, tác giả cuốn sách “Nixon's Shadow: The History of an Image”, nhận định với AFP.

Cách đây nửa thế kỷ, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí thành lập Ủy ban điều tra liên đảng về bê bối Watergate. Nhưng hiện nay có rất ít nghị sĩ của đảng Cộng hòa thừa nhận cựu Tổng thống Trump kích động “âm mưu đảo chính” trong bạo loạn Đồi Capitol.

“Môi trường đảng phái, phân cực của chính trường Mỹ có thể ngăn cản việc kết tội cựu Tổng thống Trump trong các phiên điều trần về vụ bạo loạn hôm 6/1”, ông David nhấn mạnh.

Lòng tin bị xói mòn

"Vào thời Watergate, người Mỹ tin tưởng các nguồn truyền thông của họ và điều này là không thể trong bối cảnh hiện nay", cựu phóng viên của CNN Rick Sanchez chia sẻ với AFP.

be boi Watergate,  bao loan tai Dien Capitol anh 3

Cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc điều trần hôm 13/6. Ảnh: Reuters.

Khi bê bối Watergate xảy ra, khoảng 80 triệu người Mỹ, tức là hơn một phần ba dân số, đã theo dõi lời khai chống lại cố Tổng thống Nixon trên truyền hình của cố vấn Nhà Trắng John Dean. Mùa hè năm 1973 được ví là mùa hè mà "người dân Mỹ dán mắt vào tivi để xem điều trần".

Những người Mỹ tìm hiểu về vụ Watergate đọc các bài báo với nội dung gần như giống nhau, tốc độ lan truyền tin tức cũng chậm hơn. Không chỉ vậy, các hãng tin cánh hữu cách đây nửa thập kỷ không có sức mạnh thống trị truyền thông như hiện nay.

Do vậy, cố Tổng thống Nixon không có nhiều công cụ để đẩy lùi "cơn bão truyền thông" chống lại ông, cũng không có cách nào lan truyền thông điệp cá nhân.

Trong trường hợp của cựu Tổng thống Donald Trump, khoảng 20 triệu - tức là chỉ 6% người Mỹ - xem phiên điều trần đầu tiên.

Truyền thông giờ đây trở nên phân cực với những hãng tin ủng hộ cánh hữu thường xuyên đăng các bài viết bênh vực vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và các câu chuyện đánh lạc hướng dư luận.

Điệp viên bí ẩn trong bê bối nhấn chìm Tổng thống Richard Nixon

Elmer Wyatt không chỉ là một tài xế taxi thông thường tại Washington D.C. Ông còn là điệp viên của phe Tổng thống Nixon trong vụ Watergate - bê bối chính trị “thế kỷ” của nước Mỹ.

Miếng băng dính giúp vén màn vụ bê bối chấn động trong lịch sử Mỹ

Vụ bê bối Watergate dần được hé lộ khi một người gác đêm phát hiện đoạn băng dính trên cánh cửa của tòa nhà đặt trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ ở Washington vào tháng 6/1972.

Lan Phương

Bạn có thể quan tâm