Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điệp viên bí ẩn trong bê bối nhấn chìm Tổng thống Richard Nixon

Elmer Wyatt không chỉ là một tài xế taxi thông thường tại Washington D.C. Ông còn là điệp viên của phe Tổng thống Nixon trong vụ Watergate - bê bối chính trị “thế kỷ” của nước Mỹ.

“Ông ấy luôn có bí mật”, bà Verona Scott, con gái ông Wyatt, bật cười khi trả lời phỏng vấn Washington Post. Bà cho biết ngay cả gia đình cũng luôn thắc mắc về ông. Tại sao nhiều nhân vật chính trị không chỉ là khách hàng, mà còn là bạn của cha bà?

Dựa trên bản ghi chép các phiên điều trần của Quốc hội Mỹ sau vụ Watergate và các kỷ vật của gia đình ông Wyatt, cuộc đời và vai trò của ông trong vụ bê bối chính trị lớn nhất nước Mỹ cuối thế kỷ XX đã dần hé lộ.

Điệp vụ bất ngờ

Con đường trở thành điệp viên của Wyatt bắt đầu năm 1971, khi một cơn đột quỵ buộc ông nghỉ việc khoảng 6 tuần. Khi hồi phục, ông liền nhờ người bạn cũ John Buckley giới thiệu một công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập.

Wyatt và Buckley từng gặp mặt nhiều năm trước đó, khi Buckley còn là nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Khi được Wyatt liên hệ, Buckley đã chuyển sang làm việc tại Văn phòng Cơ hội Kinh tế, cơ quan phụ trách các chương trình xóa nghèo tại Mỹ.

Buckley thực sự có một công việc cho Wyatt, nhưng nó không liên quan gì đến chương trình xóa nghèo. Vị quan chức này nhận ra Wyatt gần gũi và có thể tiếp cận với các ứng viên và chiến dịch bầu cử.

be boi watergate anh 1

Chân dung ông Elmer Wyatt. Ảnh: Washington Post.

Do đó, ông muốn Wyatt giả bộ làm một tình nguyện viên trong chiến dịch của Thượng nghị sĩ Edmund Muskie, mối lo hàng đầu của Tổng thống Richard Nixon trong cuộc bầu cử năm 1972. Từ đó, Wyatt có thể đóng vai trò điệp viên do thám.

Theo lời khai của Buckley, người còn có bí danh “Jack Béo”, chiến dịch của ông được Kenneth Rietz, một quan chức của Ủy ban Tái bầu cử Tổng thống (CREEP) - tổ chức gây quỹ cho ông Nixon trong chiến dịch tranh cử năm 1972, chấp thuận. Wyatt cũng nhanh chóng đồng ý khi thấy rằng việc kiếm tiền quá dễ dàng.

Một ngày sau đó, Wyatt bước vào tổng hành dinh chiến dịch tranh cử của Thượng nghị sĩ Muskie và đề nghị giúp đỡ. Các viên chức chiến dịch chấp nhận để ông giữ vai trò giao liên.

Hành động này của Wyatt khiến gia đình ông bất ngờ. “Tôi không thể hiểu nổi tại sao cha mình lại tình nguyện phục vụ ông Muskie, vì chúng tôi là đảng viên đảng Cộng hòa”, bà Scott hồi tưởng.

Kế hoạch của Buckley khá đơn giản: Ông sẽ nhận được điện thoại của ông Wyatt mỗi khi người tài xế nhận tài liệu để chuyển giữa tổng hành dinh chiến dịch tranh cử tới văn phòng của Thượng nghị sĩ Muskie tại đồi Capitol. Hai người sẽ hẹn nhau ở một góc phố tại Washington. Sau đó, “Jack Béo” sẽ ngồi ở hàng ghế sau và chụp lại các tài liệu.

Dù vậy, do tình trạng ánh sáng, Buckley không thể chụp ảnh chất lượng tốt. Do đó, ông phải thuê một văn phòng, mua một máy phóng đại và một máy ảnh tốt hơn. Sau khi chụp xong, Buckley mang phim về nhà để xử lý và trao tài liệu cho Rietz.

Do Rietz thường xuyên trễ hẹn, ông được thay thế bởi một người khác có mật danh “Ed Warren”. Mãi đến sau này, Buckley mới biết Ed Warren chính là E. Howard Hunt, cựu điệp viên CIA từng bị phạt tù vì đứng đằng sau vụ đột nhập vào trụ sở Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ tháng 6/1972.

"Điệp viên hiệu quả nhất"

Wyatt tuyên bố ông không biết điều gì đang xảy ra trong hai tháng đầu thực hiện công việc. Dù vậy, ông đã quá quen với các khoản tiền có thể kiếm được dễ dàng - ban đầu là 150 USD mỗi tuần, sau tăng lên 175 USD, chỉ nhờ hai giờ lao động không mấy vất vả.

“Tôi đã có thể bớt căng thẳng và phục hồi sức khỏe”, ông nói với các nhà điều tra của Quốc hội Mỹ vài năm sau đó. “Nhờ vụ Watergate, tôi giờ đây có thể làm việc 7 ngày một tuần”.

be boi watergate anh 2

Ông Muskie (giữa) tuyên thệ nhậm chức ngoại trưởng Mỹ năm 1980, 8 năm sau nỗ lực tranh cử tổng thống bất thành. Ảnh: Nhà Trắng.

Chiến dịch của Wyatt và Buckley kết thúc tháng 4/1972, khi Thượng nghị sĩ Muskie rút lui khỏi cuộc đua trở thành ứng viên của đảng Dân chủ. Một tháng sau, Wyatt nhận được thư cảm ơn từ ông Muskie - người có lẽ vẫn chưa biết tình nguyện viên của mình là một điệp viên.

Năm 1973, khi Quốc hội Mỹ điều tra sâu hơn về hoạt động của Buckley, Wyatt bị triệu tập để trả lời một số câu hỏi. Lần đầu, ông chối bỏ mọi sự tham gia. Đến lần hai, ông mới thừa nhận.

“Tôi không nghĩ tôi làm điều sai nhiều hơn các ông, hay bất cứ ai bước vào văn phòng của ông Muskie thời điểm đó”, Wyatt viết trong bản tường trình gửi các nhà điều tra.

Trả lời các thượng nghị sĩ Mỹ, Buckley cũng chối bỏ việc ông và Wyatt có hoạt động bất hợp pháp. Theo ông, hoạt động của mình chỉ là “nghiên cứu đối thủ”. Dù vậy, ông thừa nhận hai người có hoạt động “do thám” và “gián điệp chính trị”.

Buckley và Wyatt không bị khởi tố hình sự. Sau vụ việc, Wyatt trở lại làm tài xế taxi tới khi mất năm 1981.

Trong hộp kỷ vật của ông, gia đình tìm thấy một bức ảnh của Buckley với chữ ký “Jack Béo” với lời đề tựa: “Gửi Elmer Wyatt, người bạn, có lúc là tài xế taxi - lúc khác là điệp viên - Điệp viên hiệu quả, hợp pháp và chính đáng nhất trong toàn bộ mớ hỗn loạn Watergate”.

“Đối với một tài xế taxi, ông ấy đã có một cuộc sống rất thú vị”, bà Scott nói.

Clinton, Nixon và những cuộc điều tra luận tội chấn động ở Mỹ

Với cáo buộc ép chính phủ nước ngoài điều tra đối thủ tranh cử, ông Donald Trump gia nhập danh sách dài những tổng thống Mỹ đứng trước nguy cơ bị luận tội tại quốc hội Mỹ.

Miếng băng dính giúp vén màn vụ bê bối chấn động trong lịch sử Mỹ

Vụ bê bối Watergate dần được hé lộ khi một người gác đêm phát hiện đoạn băng dính trên cánh cửa của tòa nhà đặt trụ sở Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ ở Washington vào tháng 6/1972.

Việt Hà

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm