Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liệu nghề nghiệp có tăng lên trong thời đại AI

Theo tác giả Tomoe Ishizumi, AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay, nhưng chúng cũng sẽ tạo ra được nhiều công việc chưa từng có trước đây.

AI chuyen chua ke anh 1

Ứng dụng AI sẽ tạo ra được nhiều công việc chưa từng có trước đây, một trong số đó là công việc “huấn luyện AI”. Nguồn: linkedin.

Con người + AI = Siêu sức mạnh

Michael A. Osborne, phó giáo sư nghiên cứu về AI tại Đại học Oxford cho biết: “Khoảng một nửa công việc do con người thực hiện sẽ được thay thế bằng máy móc”. Đó là thời điểm năm 2013.

Ảnh hưởng của nghiên cứu này dẫn đến xuất hiện nhiều cuộc thảo luận ở Nhật Bản như: “Con người sẽ bị AI lấy đi công việc”, “Những người không còn vai trò sẽ thất nghiệp”...

Tôi cảm thấy chỉ ở Nhật mới có những cuộc thảo luận tiêu cực về kỷ nguyên AI sắp tới như vậy. Một trong số những lý do dẫn đến tình trạng này đã được đề cập trong các phần trên, đó là có ít người hiểu rõ về AI, số còn lại là những người đang có những lo lắng mơ hồ.

Ngược lại, trên thế giới, có nhiều trường hợp AI được tiếp nhận một cách tích cực như, nhờ sự xuất hiện của AI mà con người có thể dành nhiều thời gian hơn cho những công việc chỉ con người mới làm được.

Tại Hội nghị Davos 2018, CTO Paul Daugherty của Accenture đã phát biểu rằng: “Nếu kết hợp được AI với sức mạnh của con người, chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh lớn hơn nữa (Con người + máy móc = Siêu năng lực)”. Cá nhân tôi thực sự thấy điều này rất chính xác.

Chắc chắn một điều rằng, AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay.

Tuy nhiên, không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Một công ty nghiên cứu có tên Gartner ở Mỹ dự đoán rằng đến năm 2020, số lượng công việc AI tạo ra sẽ nhiều hơn số lượng công việc mà nó lấy đi.

Ví dụ, giám đốc của một công ty khởi nghiệp có tên là x.ai, chuyên tạo ra các trợ lý cá nhân ảo bằng AI cho biết: “Ở công ty tôi, 2/3 công việc hiện tại là những công việc không hề có ở vài năm trước”. Như vậy, chúng ta không nên tập trung vào những suy nghĩ tiêu cực liên quan đến AI, thay vào đó cần chú ý hơn đến những công việc mà AI tạo ra.

“Điều gì sẽ xảy ra với công việc của tôi?”

Ứng dụng AI sẽ thay đổi công việc của con người như thế nào? Hãy cùng tôi xem xét ví dụ thực tế tại một công ty Nhật mà chúng tôi đã tiến hành ứng dụng AI.

Yêu cầu của công ty này là tối ưu hóa lịch trình vận chuyển xe tải bằng AI. Cho đến nay, các nhân viên điều phối phải dành vài giờ mỗi ngày để phân loại hàng hóa, lên lịch điều động xe tải giao sản phẩm đến địa điểm giao hàng.

Chúng tôi đã đào tạo AI điều phối xe thông qua cách làm của người điều phối đang thực hiện hệ thống đó.

Kết quả là, chúng tôi đã có thể mô hình hóa và đưa vào sử dụng hệ thống mà người điều phối này đang làm. Nhưng khi quyết định áp dụng mô hình AI này, tôi không thể quên những lời mà người điều phối xe đã nói.

Lời đầu tiên anh ấy nói với vẻ lo lắng là: “Công việc của tôi sau này sẽ thế nào đây?”. Tôi có thể khẳng định rằng công việc của anh ấy sẽ không bao giờ mất đi. Thay vì bị mất công việc, có thể nói vị trí của anh ấy là ổn định nhất khi hệ thống điều phối xe này được áp dụng. Bởi từ bây giờ, anh ấy phải tích cực làm việc như một huấn luyện viên đào tạo AI. Kiến thức của anh ấy là rất quan trọng để triển khai mô hình AI theo chiều ngang trong công ty.

Nghề nghiệp tăng lên trong thời đại AI

Người ta cho rằng ứng dụng AI sẽ tạo ra được nhiều công việc chưa từng có trước đây.

Một trong số đó là công việc “huấn luyện AI” giống như người điều phối xe nói trên. Huấn luyện AI là công việc dạy cho hệ thống AI cách hành động như ngôn ngữ, hành vi của con người và sự tinh tế trong tương tác của con người. Nhà tư vấn thời trang của Stitch Fix giới thiệu ở Chương 2 cũng là một trong số đó.

Ngoài ra, Google - nơi tôi từng làm việc cũng có huấn luyện viên như vậy.

Ví dụ, các người mẫu thời trang chuyên nghiệp đã đóng vai trò huấn luyện AI cho nhóm danh mục thời trang của Google Shopping. Họ nhận trách nhiệm dạy AI sự “khác biệt giữa túi đeo vai và túi đeo chéo trước ngực” hay sự “khác biệt giữa giày lười và xăng đan”.

Đối với các kỹ sư, sẽ rất khó khăn để dạy được AI điều này. Nhưng nếu nhờ người mẫu thời trang chuyên nghiệp đào tạo, người dùng sẽ nhận được kết quả đúng với sản phẩm họ muốn khi gõ tìm kiếm “giày lười”.

Xu hướng thay đổi sẽ kéo theo cách gọi một số sản phẩm cũng thay đổi, ví dụ ngày xưa, mẫu túi từng được gọi là túi đeo vai bây giờ sẽ được gọi là túi đeo chéo. Tùy vào xu hướng, từ được t.m kiếm và từ được gắn thẻ cũng khác nhau nên khả năng phán đoán đó là rất quan trọng và phải dựa vào sự thành thạo của người mẫu thời trang.

Tôi sẽ nêu thêm một ví dụ khác.

Đánh giá một bài viết đăng trên Facebook có phải phát ngôn gây thù ghét hay không phần lớn là do con người tiến hành chứ không phải AI.

Về lý thuyết, AI có thể được đào tạo những phát ngôn nào gây thù ghét và tự động thông báo xóa. Tuy nhiên, việc định nghĩa thế nào là ngôn từ gây thù ghét lại phụ thuộc vào nền tảng ngôn ngữ và văn hóa khác nhau ở mỗi quốc gia.

Ví dụ, một bài viết đăng bằng tiếng Myanmar có mang tính kích động hay không không thể xác định đơn giản bằng cách dịch sang tiếng Anh rồi đào tạo cho AI. Chúng ta vốn không thể định lượng được tất cả câu chữ gây thù ghét trên Facebook, nền tảng được hầu hết mọi người trên thế giới sử dụng. Do đó, có vẻ như hệ thống đó đang được kiểm tra bởi con người.

Ngoài ra, vào ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ được tổ chức vào tháng 11 năm 2018, Facebook đã tạo ra một phòng đặc biệt gọi là “War Room” tại trụ sở chính, nơi các nhân viên được chia ca làm việc để kiểm tra nội dung đăng tải liên quan đến cuộc bầu cử trên trên nền tảng suốt 24 giờ. Điều này có nghĩa là con người sẽ đưa ra quyết định có nên xóa nội dung đăng tải về cuộc bầu cử hay không.

Tomoe Ishizumi / Thái Hà Books - NXB Công thương

SÁCH HAY