Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump thường chỉ trích Trung Quốc là "kẻ cắp ghê gớm nhất lịch sử", ám chỉ việc nhân công giá rẻ của nước này lấy đi việc làm của người Mỹ.
Tuy nhiên, theo New York Times, việc áp đặt các rào cản thương mại lên hàng hóa Trung Quốc và ép các doanh nghiệp đưa công xưởng trở lại nước Mỹ sẽ không đem lại hiệu quả như Trump mong muốn.
"Về lâu dài, Trung Quốc sẽ vẫn là kẻ chiến thắng", Eswar Prasad, cựu phụ trách bộ phận về Trung Quốc tại IMF, nói.
Nếu ông Trump quyết áp mức thuế 45% như từng đe dọa lên 500 tỷ USD nhập khẩu mỗi năm từ đại lục, kinh tế Trung Quốc chắc chắn bị ảnh hưởng. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, tiêu thụ 16% tổng giá trị xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc chỉ đạt 1/4 con số trên, khoảng 120 tỷ USD. Nếu thương mại giữa hai nước đình trệ, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, Bắc Kinh có nhiều cách khác để trả đũa, theo New York Times.
Việc đầu tiên Donald Trump làm để giữ lời hứa "mang việc làm trở lại nước Mỹ" là rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Ảnh: AP. |
Khó trừng phạt Trung Quốc
Báo Trung Quốc Global Times đã cảnh báo việc áp đặt hàng rào thương mại lên các sản phẩm Trung Quốc đồng nghĩa với việc "hàng loạt hợp đồng máy bay Boeing sẽ bị thay thế bằng Airbus, doanh số iPhone và đồ điện tử Mỹ tại Trung Quốc sụt giảm mạnh, bắp và đậu nành Mỹ không thể xâm nhập thị trường Trung Quốc nữa".
Ngoài ra, Trung Quốc có thể cấm các doanh nghiệp nhà nước làm ăn với Mỹ, cấm xuất khẩu sang Mỹ một số mặt hàng thiết yếu, thậm chí ngó lơ những vụ ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ vốn làm "đau đầu" nhiều công ty Mỹ.
Cuộc chiến thương mại của Trump sẽ làm khốn đốn nhiều ông lớn công nghệ, vốn phụ thuộc nhiều vào nhân công giá rẻ của Trung Quốc.
iPhone là một ví dụ. Tất cả iPhone đều được lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng chi phí lắp ráp này chỉ chiếm 4% giá trị gia tăng của một chiếc iPhone, và tình thế Trung Quốc mất Apple (nhà sản xuất iPhone) sẽ không nguy cấp bằng việc Apple mất công xưởng lẫn thị trường Trung Quốc.
Các hãng công nghệ của Mỹ đứng trước nguy cơ mất cả nguồn nhân công rẻ lẫn thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Trên chính nước Mỹ, người dân Mỹ sẽ phải trả giá. Các hàng rào thuế quan sẽ đẩy giá cá hàng hóa tại Mỹ lên cao, và rất khó để người Mỹ tìm được nguồn hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc.
Việc làm tiếp tục 'đội nón ra đi'
Cốt lõi của cuộc chiến thương mại mà Trump đề xuất là ông muốn "mang việc làm trở lại nước Mỹ".
Tuy nhiên, theo phân tích của Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson, những người trông chờ vào Trump sẽ vỡ mộng, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ từ mức 4,9% hiện nay lên 9% vào năm 2020.
Cụ thể, việc Mỹ áp đặt các hình thức bảo hộ thương mại cho doanh nghiệp trong nước sẽ kích động trả đũa từ các đối tác thương mại của nước này, nạn nhân đầu tiên là các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu của Mỹ và nhân viên các công ty này.
Những nhân viên với thu nhập thấp hơn hoặc vừa bị sa thải sẽ kéo theo sức mua giảm, làm ảnh hưởng các ngành bán lẻ, dịch vụ ăn uống. Viện Peterson dự đoán tỷ lệ người có việc làm sẽ giảm 5% ở bang Washington và 4% ở 19 bang khác.
Tương tự, một mô hình giả định của hãng phân tích Moody hồi đầu năm nay cho ra kết quả tương tự về tỷ lệ thất nghiệp, 9,5% vào năm 2019. Nghiên cứu của Moody dự đoán dù Trump áp các biện pháp bảo hộ lên các sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, những công ty Mỹ xưa nay lựa chọn nhân công Trung Quốc sẽ hoang mang không biết các biện pháp này kéo dài đến bao giờ chứ không vội vã chuyển công xưởng về trong nước.
Trump đã đánh vào sự bất bình của những cử tri Mỹ mất đi công ăn việc làm trong tiến trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, các nhân viên nhận định dưới chính sách Trump đã hứa hẹn, công việc cũng sẽ không quay lại nước Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Cơ hội của Trung Quốc
Trong chiến lược trỗi dậy của mình, Trung Quốc không an phận làm công xưởng của thế giới, nơi cung cấp nhân lực cho những chiếc iPhone mang công nghệ Mỹ. Thay vào đó, nước này tham vọng tạo ra những đế chế của riêng mình.
"Trung Quốc muốn người tiêu dùng Mỹ sử dụng những chiếc điện thoại thông minh của Trung Quốc, chứ không cần người dùng trong nước chạy theo các sản phẩm của Apple (dù sản phẩm đó lắp ráp trong Trung Quốc)", Michael Schuman, nhà báo chuyên trách khu vực châu Á của TIME, nhận định trên Bloomberg.
Khi làm khó các hãng công nghệ lớn của Mỹ, Trump đang gián tiếp trao cơ hội cho Trung Quốc. Các công ty nội địa của nước này luôn sẵn sàng trám vào khoảng trống các công ty Mỹ để lại do giá thành sản xuất bị đẩy lên cao.
Trong cuộc chiến thương mại có nguy cơ nổ ra này, Mỹ sẽ là kẻ khơi mào và phải đóng "vai ác". Bất chấp việc chính phủ Trung Quốc có thể từng có chiêu trò làm tổn hại lợi ích của Mỹ, trong cuộc chiến này Trung Quốc sẽ được tiếng "nạn nhân", thậm chí là người bảo vệ cho một thế giới của tự do thương mại dựa trên luật pháp.
Có xuất hiện trật tự mới?
"Trung Quốc là siêu cường duy nhất vẫn còn nói về việc mở rộng hợp tác", New York Times dẫn lời ông Nicholas Lardy, chuyên gia về Trung Quốc của Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson.
Các nước đang phát triển vẫn tin rằng con đường dẫn đến sự thịnh vượng của họ phụ thuộc sự hòa mình vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, ở các nước giàu như Mỹ, Anh và Pháp, người ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc.
Hôm 21/11, Trump tuyên bố ông sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bắc Kinh sẽ vui mừng xúc tiến những hiệp định thương mại hợp tác với các nước vừa bị Mỹ "bỏ rơi", điển hình là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nói một vài ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ rằng nước này sẽ đàm phán để hoàn tất RCEP và ủng hộ đề xuất của Bắc Kinh về việc thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do châu Á - Thái Bình Dương. Australia cũng là một thành viên của TPP. Peru và Chile, hai thành viên TPP khác, cũng có ý định gia nhập sáng kiến thương mại của Trung Quốc.
"Gần như tất cả các quốc gia châu Á đều trông thấy tương lai của họ liên kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Khi Trump nói về việc rút Mỹ khỏi các thỏa thuận thương mại và bắt các đồng minh trả tiền để được bảo vệ, các nước châu Á sẽ khó mà cưỡng lại vòng tay của Trung Quốc", ông Prasad nhận định.
"Không như phương Tây kỳ vọng, Trung Quốc không bị ép vào các định chế đã có sẵn với luật lệ hiện hành. Họ đang đưa các nước khác vào luật chơi mà họ muốn áp đặt", ông Prasad nhận định. Và một cuộc chiến thương mại do Trump khơi mào sẽ là cú hích cho hệ thống luật chơi của Trung Quốc.