Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Liệt sĩ' trở về sau 37 năm lưu lạc

Nhập ngũ năm 1973, đến năm 1990 ông Tước (quê Hưng Yên) được công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, gần đây ông Tước bất ngờ trở về gia đình.

Cuộc hội ngộ sau 37 năm

Tôi về thôn Lê Lợi (xã Tân Hưng) gặp “liệt sĩ” Cao Xuân Tước. Ông Cao Xuân Khanh, anh ruột “liệt sĩ” Tước cho biết: “Em tôi từ khi về nhà đến giờ tinh thần đã tốt lên nhiều, nhưng vẫn phải từ từ mới tiếp xúc được. Mà ngay gia đình chúng tôi đây, đến giờ cảm xúc vẫn còn lâng lâng nữa là bản thân chú ấy, trí nhớ gần như mất hết đến nỗi phải tha hương vài chục năm”.

Ông Khanh cho biết, tháng 4 vừa qua, ông bất ngờ nhận được bức thư gửi từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lá thư vỏn vẹn vài dòng với nội dung: “Em Cao Xuân Tước gửi anh Cao Xuân Khanh, xóm Tân Tiến, xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Anh nhận được, điện vào em số máy 0163930xxx. Gấp”.  

Lá thư gửi không hoàn toàn đúng địa chỉ, nhưng do tên xã Tân Hưng không thay đổi (trước thuộc huyện Tiên Lữ, nay về thành phố Hưng Yên) nên vẫn đến tay ông Khanh.

Đọc thư, ông Khanh ngỡ ngàng, lặng đi vì xúc động. Rồi nhớ đến chữ “gấp” đọc cuối cùng, ông vội gọi theo số điện thoại ghi trong thư và gặp được ông Tước. Cuộc trò chuyện diễn ra bập bõm, nhưng bằng linh cảm ông Khanh mừng rỡ khi tin đó là người em “liệt sĩ” của mình.

Sau cuộc trò chuyện, ông Khanh gọi điện cho Cao Văn Khuê, người em kế ông Tước, hiện sống tại tỉnh Kon Tum để báo tin. Ông Khuê lập tức về xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) tìm đến nhà ông Tước. Gặp mặt, hai anh em ngỡ ngàng nhưng chưa nhận ra nhau ngay. 

Mà nhận ngay sao được khi lần cuối ông Tước được về phép thăm nhà cách đây đã gần 40 năm. Giờ ông Tước trông tiều tụy, tai nghễnh ngãng, tâm lý không bình thường, nói năng lúc nhớ lúc quên.

Ông Cao Xuân Tước (từ trái sang), Cao Xuân Khanh và Lê Minh Chinh.

Tuy nhiên, do là anh em kế nhau nên dần dà ông Tước, ông Khuê đã nhận ra nhau. Gia cảnh ông Tước hiện rất nghèo, sống cùng vợ và năm người con trong căn nhà tình thương được xây dựng cách đây vài năm. 

Qua trò chuyện với gia đình anh trai và người dân địa phương, ông Khuê được biết, đầu những năm 1980, có một người đàn ông nói giọng Bắc, thân hình ốm yếu lạc đến xã Bình Châu. Đó là ông Cao Xuân Tước, nhưng khi đó ông không mang giấy tờ tuỳ thân theo người, ai hỏi gì cũng không biết vì sao mình lại lưu lạc đến đây.

Về sau, ông Tước được một người dân địa phương cưu mang. Tại đây, đôi lần ông Tước chợt nói mình từng là bộ đội bị thương rồi thất lạc đơn vị, nhưng sự việc cũng chẳng có cơ sở gì để những người xung quanh để ý. Năm 1984, thấy ông Tước hiền lành, gia đình cưu mang đã gả con gái cho. 

Cuộc sống của ông Tước cứ thế cuốn trôi theo thời gian khi 5 người con lần lượt ra đời. Bản thân ông do bị sức ép của bom đạn nên những năm tháng đó cũng không nhớ nổi một cách rõ nét mình từng chiến đấu ở đơn vị nào, quê ở đâu. 

Nơi ông Tước ở cũng thuộc vùng sâu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nên việc thông tin, đi lại ít nhiều bị hạn chế. Vậy là trong vài chục năm, chiến sĩ Cao Xuân Tước cư trú tại nơi ở mới, không biết rằng nơi quê nhà mình đã được công nhận liệt sĩ.

Gần đây, tâm trí ông Tước bỗng hồi phục hơn trước. Thỉnh thoảng ông nhớ về những trận đánh, về sự anh dũng của những đồng đội chống lại kẻ thù. Rồi ông nhớ tên một vài người trong gia đình mình, về quê hương. Nghe điều này, vợ con ông rất mừng nên chịu khó ghi lại những thông tin mà ông Tước bất chợt nhớ ra. 

Sau nhiều ngày ghi chép sàng lọc thông tin, cuối cùng gia đình đã có được địa chỉ quê ông Tước là xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, và tên người anh trai cả là Cao Xuân Khanh. Đó chính là ngọn nguồn bức thư mà ông Cao Xuân Khanh đã nhận được.

Sau khi hiểu chuyện, ông Cao Văn Khuê đã đưa anh trai và con trai ông Tước là Cao Văn Bảo về quê nhà Hưng Yên. Và cuộc hội ngộ sau 37 năm, tính từ khi ông Tước xa nhà lần cuối vào năm 1978 diễn ra thật cảm động. Cụ Đặng Thị Thuận, người mẹ đẻ nay đã 90 tuổi ứa nước mắt nhìn con trai và nói: “Sao giờ con xấu đi nhiều thế”. 

Bà Cao Thị Được, chị cả ông Tước đã cùng chồng con tất tả từ Sơn La về nhà gặp em. Ông Cao Xuân Khanh thì lặng đi nhìn em trai. Là một thương binh trở về từ thành cổ Quảng Trị, ông Khanh thấu hiểu nỗi đau mà người em trai đang mang sau những dư chấn của cuộc chiến. Khi đó, vì quá xúc động và mang bệnh mất trí nhớ nên ông Tước không nói được nhiều. 

Do vậy, ông Cao Văn Khuê đã kể lại chuyện ông Tước bị lưu lạc về vùng đất Bình Châu ra sao cho cả nhà nghe. Thay mặt cha, anh Cao Văn Bảo xúc động nói: “Khi nhận được điện thoại thấy đúng là anh trai của bố, gia đình cháu rất mừng. Vậy là bố cháu ít nhiều đã hồi phục trí nhớ. Được về gặp bà, các bác, các chú là mong mỏi của cả gia đình cháu từ mấy chục năm nay”.

'Côn trùng lạ' chưa từng xuất hiện ở An Nhơn

Kết quả bước đầu kiểm tra, Trung tâm y tế thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định xác định trước đây “côn trùng lạ” chưa từng xuất hiện trên địa bàn.

Khi “liệt sĩ” trở về...

Bữa tôi tới, con trai ông Tước đã rời khỏi Hưng Yên, còn ông Tước vẫn ở lại đây để làm một số thủ tục cần thiết của “liệt sĩ còn sống”. Tiếp xúc với “liệt sĩ” Cao Xuân Tước, thấy ông rất khó khăn trong giao tiếp, diễn đạt khó hiểu rõ ý nên một số điều ông Khanh phải nói thay. 

Ông Khanh cho biết, tháng 5/1973, khi ông được về phục viên sau khi chữa khỏi vết thương bị tại thành cổ Quảng Trị, ba tháng sau Tước nhập ngũ. Khi đó Tước chưa đủ 18 tuổi, nhập ngũ theo diện xung phong.

Sau 3 tháng huấn luyện tân binh tại Sao Đỏ (Chí Linh, Hải Dương), đơn vị của Tước vào chiến đấu tại miền Nam. Sau khi miền Nam giải phóng, Tước viết thư cho biết đơn vị mình hiện vừa làm kinh tế, vừa thực hiện huấn luyện. Một lần về phép vào cuối năm 1977, Tước kết hôn với một cô gái địa phương.

Đầu năm 1978, Tước trở lại đơn vị, thỉnh thoảng vẫn viết thư cho vợ và gia đình. Khoảng giữa năm 1979, Tước viết thư cho biết đơn vị được điều động chiến đấu bảo vệ biên giới Campuchia, khi có hòm thư mới sẽ gửi thư thông báo sau. Nhưng từ đó gia đình không nhận được thư của Tước nữa.

Nhiều năm sau, gia đình liên tục dò hỏi tin tức của người thân nhưng vẫn không có kết quả. Đến tháng 1/1990, Cao Xuân Tước được công nhận liệt sĩ. “Em dâu cũ của tôi sau nhiều năm chồng bặt tin vẫn một mực đợi chờ. Đến khi Tước được công nhận liệt sĩ, em mới đi bước nữa”- ông Khanh cho biết.

Ông Cao Xuân Tước. Ảnh: chụp trước khi lên đường nhập ngũ. 

Câu chuyện tạm gián đoạn khi ông Lê Minh Chinh, một đồng đội cũ của “liệt sĩ” Tước đến chơi. Ông Chinh hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hưng, từ khi đồng đội trở về ông thường xuyên đến nhà thăm hỏi. Qua những lần trò chuyện với ông Chinh, ông Tước cũng nhớ thêm đôi điều, tuy chưa thật nhất quán. 

Ông Chinh cho biết, “Năm 1973, xóm tôi có 5 người nhập ngũ thì có 4 người đi theo diện xung phong, trong đó có tôi và Tước. Từ đó đến tháng 3/1979, tôi và Tước vẫn cùng đơn vị, sau đó mới tách xa nhau”.

Theo ông Chinh, đơn vị của ông và ông Tước khi vào Nam chiến đấu là Trung đoàn 271, trực thuộc miền Đông Nam bộ, từng tham gia các mặt trận từ Đăk Nông đến Phước Long, Mỹ Tho, thị trấn Đức Hòa (Long An). Tại Trung đoàn 271, ông Tước thuộc tiểu đoàn 2, còn ông Chinh là lính trinh sát trung đoàn. 

Do vừa là đồng đội lẫn đồng hương nên hai người thường quan tâm đến nhau. Năm 1974, ông Tước bị thương, sau đó tiếp tục trở lại đơn vị tham gia chiến đấu. Khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 271 sáp nhập vào Sư đoàn 302. Sau ngày miền Nam giải phóng, đơn vị của họ chuyển về Kon Tum làm kinh tế, sau đó tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Campuchia.

“Khoảng tháng 3/1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đơn vị của chúng tôi chia đôi, một nửa ở lại phía Nam tiếp tục chiến đấu, một nửa ra Bắc xây dựng sư đoàn mới để bảo vệ biên giới Tổ quốc. Tôi được điều ra Bắc, còn Tước ở lại phía Nam. Hôm chia tay, chúng tôi hẹn sẽ sớm gặp lại nhau tại quê nhà. Lời hẹn ấy đã tưởng không bao giờ diễn ra, nhưng khi gặp lại không ngờ lại là... 36 năm”, ông Chinh bồi hồi nói.

Ông Trần Huy Du, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng bày tỏ niềm vui về việc ông Cao Xuân Tước hiện còn sống trở về địa phương. Ngay khi biết chuyện, chính quyền và các đoàn thể của địa phương đã đến thăm hỏi, chia vui với ông Tước cùng gia đình.

“Theo thủ tục, hiện gia đình đã có đơn trình bày sự việc gửi UBND xã, nộp lại bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Tước để chúng tôi có cơ sở báo cáo cấp trên giải quyết các bước tiếp theo khi ông Cao Xuân Tước trở về”, ông Du cho biết.

Rời trụ sở UBND xã, tôi được ông Lê Minh Chinh dẫn vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tân Hưng, nơi mộ ông Cao Xuân Tước đã được lập tại đây. Hiện ngôi mộ này đã được tháo bia sau khi “liệt sĩ” Cao Xuân Tước trở về. Hy vọng sau câu chuyện trên, các cấp có trách nhiệm sớm có giải quyết chế độ chính sách để giúp ông Cao Xuân Tước bớt khó khăn hơn trong cuộc sống sau nhiều năm là liệt sĩ.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/liet-si-tro-ve-sau-37-nam-luu-lac-860765.tpo

Theo Kiến Nghĩa/Tiền phong

Bạn có thể quan tâm