Thông tin này đã làm “dậy sóng” cộng đồng mạng những ngày qua. Đã có gần 20.000 lượt chia sẻ thông tin này trên Facebook. Chiều 15/5, Bích Trâm đã đồng ý gặp phóng viên để chia sẻ thông tin.
Đi tìm người mơ hồ
Trâm hẹn chúng tôi tại quán cà phê trên đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú (TP HCM) nhưng do cơn mưa nặng hạt kéo dài nên cô gái không thể đến được vì sợ em bé sẽ bị cảm lạnh. Khi chúng tôi đề cập đến việc sẽ gặp gỡ tại nhà Trâm hoặc gần nhà để thuận tiện thì cô cho biết nhà mình ở khu đồng trống nên không có quán cà phê nào gần đó và bố cô rất khó tính, không muốn cho người lạ biết nhà.
Trâm và em bé trong cuộc tiếp xúc với phóng viên. |
Trâm giải thích từng nghe nhiều vụ bắt cóc trẻ em nên lo sợ cho biết tung tích nơi ở, em bé sẽ không được an toàn. Trâm hẹn lại tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Tú, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Một phụ nữ chở Trâm bế em bé đến. Trâm cho biết đó là mẹ của mình. Bà rất lo lắng, sợ người lạ sẽ tìm cách bắt cóc em bé nên đi theo để giám sát. Bé gái rất ngoan ngoãn, mở đôi mắt đen láy nhìn mọi người xung quanh đầy ngạc nhiên. Bé còn rất dạn dĩ, hiếu động, cười đùa rất đáng yêu.
Trâm kể, sáng 3/4, cô mở cửa quét sân thì thấy ngoài thềm nhà mình ai đó bỏ lại một em bé được ủ trong khăn bông kèm khoản tiền. Trưa cùng ngày, Trâm đã trình báo với anh công an khu vực (Trâm nói anh công an này tên Linh hoặc tên Út).
Anh công an nói với Trâm nếu 60 ngày không có ai đến nhận, Trâm có thể đi làm thủ tục để được nhận nuôi bé. Đồng thời, Trâm cũng đưa thông tin lên Facebook để hy vọng có người nhận ra bé mà đến nhận. Ban đầu Trâm chỉ nghĩ đứa bé do một người mẹ bỏ rơi.
Bức thư được cho là người cha của em bé gửi Trâm về việc gửi gắm con mình cho cô nuôi dưỡng vì anh ta chờ thi hành án tử hình. |
Khoảng hai tuần sau, Trâm nhận được gói đồ của ai đó gửi cho em bé, gồm sữa và một mẩu giấy. Mẩu giấy viết: “Mẹ của cháu đã bỏ cháu khi nó mới chỉ một tháng tuổi. Đây là số tiền cuối cùng mà anh kiếm được vì ngày mai anh sẽ phải thi hành án. Anh biết nếu con ở với anh thì sẽ không tốt nên anh mong em hãy thay anh chăm sóc nó. Anh mong em và gia đình nhiều sức khỏe, nếu có cơ hội anh sẽ đền đáp”. Đến lúc này Trâm mới bất ngờ vì người bỏ bé lại là cha bé và rất xúc động.
Đến ngày 11/5, Trâm nhận được một bịch đựng sữa, đồ chơi trẻ em, một khoản tiền, dây cột tóc, 82 con hạc giấy và kèm lá thư dài. Trong thư, người cha này cho biết đang trong trại giam và đã xin được hưởng án tử hình.
Thư viết: “… anh xin được tử hình. Ngày 29/5 sẽ có phán quyết. Anh có gấp cho con gái anh 100 con hạc giấy và tám con chim công rất đẹp nhưng cán bộ phát hiện họ lấy hết của anh...”.
Hỏi Trâm có nghi ngờ ai không thì cô nói đã liên lạc với tất cả bạn bè nhưng không dò ra được ai. Trâm đã chụp bức thư đưa lên mạng và nhờ bạn bè chia sẻ thông tin để tìm cha đứa bé, để cô bế em bé đến gặp cha một lần.
“Có người nghi ngờ em”
Trâm cho biết hàng xóm không ai biết về người đã bỏ lại đứa trẻ trước thềm nhà. Nhiều hàng xóm hỏi chuyện khi thấy Trâm chăm sóc trẻ, Trâm đã trả lời đây là con của người họ hàng, chỉ một số hàng xóm thân thiết được Trâm kể rõ sự tình. Sau đó có người tới xin em bé làm con nuôi nhưng Trâm không đồng ý.
Trâm kể về việc đổ vỡ tình cảm với bạn trai. Mẹ bạn trai nghi ngờ đứa bé là con của Trâm với người khác trong thời gian bạn trai đi nghĩa vụ quân sự.
Bạn trai đã đề nghị Trâm chứng minh đây không phải con ruột bằng cách… gửi em bé vô chùa nhưng cô đã chọn cách chia tay bạn trai. Một số người hàng xóm, người quen cũng nghi ngờ đây là con của Trâm, vì lý do gì đó nên cô gái mới nói là con nuôi.
Theo Trâm, có người nghi ngờ cô có tính toán khi đưa câu chuyện này lên Facebook. Vì vậy, Trâm đã từ chối những quà tặng và tiền mà những người hảo tâm liên lạc để đem đến tặng. Cô đã đặt tên cho bé là Trần Ngọc Gia Hân theo họ của mình.
Trâm cho biết mình là cô gái ít giao tiếp với bên ngoài, không nhiều bạn. Việc có một con gái nuôi làm cô cảm thấy bận rộn và hạnh phúc. Trâm được mẹ, các chị bạn hướng dẫn cách nuôi con. Đến nay bé nặng khoảng 8 kg, bác sĩ khám và xác định bé khoảng 6-7 tháng tuổi.
Dự định sắp tới của Trâm là tìm một việc ổn định để có tiền nuôi con. Hiện Trâm đang bán một số mặt hàng trên Facebook nhưng Trâm nói đây chỉ là việc làm thêm, thu nhập không đáng kể.
Những vô lý trong “bức thư của người cha”
Trong “bức thư của người cha chờ thi hành án tử hình” mà Trâm đưa lên Facebook có nhiều nội dung rất vô lý.
Thứ nhất, về việc ngày 3/4 anh ta nhờ người đem con đến để trước nhà Trâm và cùng ngày hôm ấy đi đầu thú nhưng tháng 5 thi hành án tử hình “vì anh xin được tử hình”. Điều này không thể xảy ra vì quy trình thông thường từ ngày bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (khung án tử) đầu thú đến khi thi hành án tử hình sẽ mất ít nhất hai năm cho các bước tố tụng và thi hành án: điều tra - truy tố - xét xử sơ thẩm - xét xử phúc thẩm - viết đơn xin ân xá hoặc không - Chủ tịch nước bác đơn - tòa sơ thẩm lập hội đồng thi hành án và quyết định thi hành án.
Không có chuyện “xin được tử hình” như nội dung bức thư. Việc thi hành án sau hơn một tháng từ ngày đầu thú là nhảm nhí. Mặt khác, tử tội cũng không bao giờ được biết trước ngày thi hành án của mình.
Trong bức thư có chi tiết người cha trong thời gian ở trại giam đã “đi rửa chén giùm cho chị bán căn tin một tuần để trừ nợ”. Điều này càng nhảm nhí hơn. Không ai cho phép tử tù hoặc can phạm chưa xét xử lao động tự giác trong khu vực trại giam để có thể đi rửa chén. Khu giam giữ tử tù được canh phòng cẩn mật nên không thể có chuyện đó.
Bạn của tử tù cũng khó có khả năng được gặp mặt bị án, bởi người thăm nuôi phải có sổ thăm nuôi đăng ký trước với đơn vị quản lý trại giam. Vì vậy không thể có chuyện anh ta gặp gỡ, chuyển thư và quà nhờ bạn của mình đưa về cho Trâm.