Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên quân không kích Syria, nhưng Thế chiến thứ 3 sẽ không đến

Guardian nhận xét cuộc tấn công của Mỹ - Anh - Pháp vào Syria khó dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới, liên quân vẫn tránh xa các mục tiêu của Nga và Iran tại Syria.

Tối 13/4 (giờ Washington D.C., tức rạng sáng ở Syria), liên quân Mỹ cùng Anh và Pháp đã tiến hành không kích vào các mục tiêu của chính phủ Syria để trả đũa vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Syria hôm 7/4. Dù cuộc tấn công làm dấy lên nguy cơ đụng độ quân sự của liên quân với lực lượng của Nga và Iran, vốn hậu thuẫn cho Tổng thống Bashar al-Assad, Guardian nhận định đây sẽ không phải khởi đầu của một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Cuộc tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu chỉ diễn ra ở quy mô giới hạn, trong thời gian ngắn và mạnh nhằm vào các mục tiêu có liên hệ với vũ khí hóa học của Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết cuộc tấn công vừa qua chỉ là "đòn đánh một lần", hiện Washington chưa có kế hoạch tấn công thêm trừ khi chính quyền Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.

My tan cong Syria anh 1
Tên lửa trên bầu trời thủ đô Damascus vào rạng sáng 14/4. Ảnh: Reuters.

Nga và Mỹ: Ngoài cứng trong mềm

Guardian nhận định mục tiêu của cuộc tấn công vừa qua là gửi một thông điệp đến Tổng thống Assad nhưng cũng giữ càng xa càng tốt các mục tiêu của Nga và Iran tại Syria, tránh nguy cơ bùng phát xung đột trực tiếp với 2 nước này.

Theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Paris đã báo trước cho Moscow về cuộc tấn công để tránh leo thang xung đột. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford cho biết các kênh liên lạc thông thường đã được sử dụng để dọn dẹp không phận trước cuộc tấn công. Trong số các địa điểm mục tiêu của cuộc không kích cũng không có dinh tổng thống của ông Assad, vốn nằm trên một ngọn đồi cao ở Damascus. Các kế hoạch của Mỹ về việc rút quân khỏi Syria sau khi đánh bại hoàn toàn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn không thay đổi vì cuộc tấn công.

Về phần Nga, Guardian nhận định Moscow cũng không khác gì Washington trong mong muốn tránh đối đầu, dù cả 2 liên tục lời qua tiếng lại bằng ngôn ngữ đầy thù địch trong suốt tuần qua. Sức mạnh của Nga bây giờ đã không còn như thời Liên Xô, ngoại trừ vũ khí hạt nhân, chi tiêu quốc phòng lẫn trang thiết bị quân sự của Nga thời điểm này đều khó sánh bằng Mỹ. Chi tiêu quốc phòng hàng năm của Washington là khoảng 550 tỷ USD, trong khi đó Moscow chi khoảng 70 tỷ USD. Nga có 1 tàu sân bay, con số tương đương của Mỹ là 20.

My tan cong Syria anh 2
Người Syria biểu tình phản đối cuộc tấn công của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ từ những kho vũ khí

Ngoài ra, lực lượng của Mỹ, Anh và Pháp đã tiến hành cuộc tấn công mà không gặp phải hậu quả gì, đặc biệt từ hệ thống phòng không tương đối tinh vi mà Nga đã triển khai tại Syria. 

Một nguy cơ khác là việc tấn công các kho vũ khí hóa học có thể khiến chất độc bị phát tán. Dù vậy, các chuyên gia vũ khí hóa học Anh nói rằng nguy cơ này rất nhỏ và các vũ khí hóa học thường bị nổ tung thay vì rò rỉ ra.

"Cách tốt nhất để phá hủy vũ khí hóa học là cho nổ chúng", Guardian dẫn lời Hamish de Bretton-Gordon, người đứng đầu đội ứng phó vũ khí hóa học của Anh và NATO, cho biết.

Richard Guthrie, một chuyên gia khác, nói rằng việc này tùy thuộc vào dạng vật chất của vũ khí và cách chúng được trữ. Ở khả năng xấu nhất, theo một nghiên cứu chưa được công bố của ông về tác động của một cuộc tấn công vào lò phản ứng hóa học ở Balkans, vụ tấn công có thể gây ra thiệt hại lớn về người.

"Ở khả năng ngược lại, một kho nhỏ trữ vũ khí hóa học ở dạng nhị phân (tức trữ ở dạng 2 tiền chất riêng biệt) sẽ không tạo ra mối nguy lớn nếu bị đánh bom", ông nói.

Nguy cơ còn lại là việc không kích trúng nhân sự của Nga, Iran hoặc tính toán sai lầm dẫn đến thương vong của nhiều thường dân. Dù Mỹ và Anh khăng khăng rằng các tên lửa đã chính xác hơn và thông minh hơn, sai sót vẫn có thể xảy ra. Trong cuộc chiến Iraq năm 1991, vụ đánh bom nhằm vào nơi trú bom ở Baghdad đã giết chết hơn 400 dân thường, hoặc vụ đánh bom nhầm vào đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (Serbia) đã khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng, kéo theo đó là sự giận dữ của dư luận Trung Quốc.

My tan cong Syria anh 3
Chiến đấu cơ đáp xuống căn cứ quân sự RAF Akrotiri của Anh ở CH Síp vào ngày 14/4. Các chiến đấu cơ Anh sử dụng trong đợt không kích Syria được triển khai từ Síp. Ảnh: Reuters.

Những người hoạch định cuộc tấn công của Anh, Pháp và Mỹ đã cố chọn các mục tiêu tránh càng xa các mục tiêu của Nga và Iran càng tốt.

Cuộc tấn công vừa diễn ra có quy mô lớn hơn lần Mỹ nã 59 tên lửa Tomahawk vào căn cứ của chính phủ Syria vào năm 2017, cũng vì một cáo buộc tấn công hóa học. Lần này, số vũ khí sử dụng đã tăng gấp đôi và khác với lần trước, các máy bay cũng được triển khai. 

Tuy vậy, với tính chất của các mục tiêu vẫn không đổi, đều là các cơ sở được cho có liên quan hoạt động vũ khí hóa học của chính phủ Syria, sự kiện vừa qua là một cuộc leo thang của vụ tấn công năm ngoái thay vì đưa thế giới đến bờ vực của một cuộc xung đột với quy mô toàn cầu, khi Syria sẽ trở thành chiến địa cho liên quân do Mỹ lãnh đạo đối đầu với Nga và Iran.

Trump tuyên bố tấn công Syria "Cách đây vài phút, tôi đã ra lệnh quân đội Mỹ tấn công chính xác vào các mục tiêu có liên hệ với cơ sở vũ khí hóa học của nhà độc tài Syria", Tổng thống Trump tuyên bố tối 13/4.

Liên quân bắn hơn 100 quả tên lửa vào Syria, Iran cảnh báo 'hậu quả'

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết cuộc tấn công Syria hiện chỉ là "tấn công một lần" và Mỹ chưa có kế hoạch tấn công thêm.

Tên lửa Tomahawk được phóng từ đâu để bắn vào Syria?

Địa Trung Hải, Vịnh Ba Tư, Biển Đỏ là những địa điểm lý tưởng để tàu chiến Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu ở Syria.

Phương Thảo

Theo Guardian

Bạn có thể quan tâm