Trong một nhà hàng rực rỡ ánh sáng ở ngoại ô Atlanta, Thượng nghị sĩ bang Georgia Michelle Au đã đề cập đến một vụ xả súng hàng loạt. Điều đó được coi như một sang chấn đối với cộng đồng người Mỹ gốc Á tại đây, theo New York Times.
Phát biểu trước một nhóm chủ yếu là người Mỹ gốc Hoa, bà Au ám chỉ một cách tế nhị đến "vụ xả súng diễn ra ở tàu điện ngầm Atlanta vào ngày 16/3/2021", khi đưa ra lời kêu gọi về luật kiểm soát súng mới. Đảng viên Cộng hòa tại Georgia đã phản đối điều luật này.
“Đảng Cộng hòa, trong khi họ nói một cách rất thuyết phục về an toàn cộng đồng, họ dường như không quan tâm đến việc đề xuất các giải pháp cụ thể để đối phó với điều đó”, bà Au nói.
Michelle Au, Thượng nghị sĩ bang Georgia, tại một sự kiện vận động tranh cử. Ảnh: New York Times. |
Quyền lực ngày càng tăng của cử tri gốc Á
Vấn đề an toàn súng đạn được các đảng viên Dân chủ như bà Au đặt làm trọng tâm trong cuộc thảo luận với cử tri người Mỹ gốc Á, vào trước cuộc bầu cử vào tháng 11. Họ đang nỗ lực giành chiến thắng ở các cộng đồng này.
Vào năm 2020, các cử tri Georgia đã đồng loạt không bỏ phiếu cho ông Donald Trump. Họ cũng bầu hai thượng nghị sĩ đảng Dân chủ trong một cuộc chạy đua quyết định quyền kiểm soát Thượng viện.
Đó là một bước đột phá trong việc vận động người Mỹ gốc Á, với tỷ lệ cử tri đi bầu trên toàn quốc tăng khoảng 40% so với cuộc bầu cử năm 2016. Đây là mức tăng lớn nhất so với bất kỳ nhóm nhân khẩu học nào.
Vụ xả súng nhằm vào một số tiệm massage ở khu vực Atlanta đã khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á. Ảnh: New York Times. |
Điều đó như một sự phản đối mạnh mẽ đối với một tổng thống có nhiều phát ngôn phân biệt chủng tộc, giữa làn sóng tội ác thù ghét chống lại người gốc Á.
Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, các ứng cử viên Dân chủ ở các bang như Georgia lại đang lo ngại cử tri gốc Á, những người có thể làm suy yếu liên minh chính trị đã biến Georgia thành bang "xanh" (đa số ủng hộ đảng Dân chủ) lần đầu tiên trong thế kỷ này.
Các cử tri và lãnh đạo địa phương cho rằng tâm trạng lo lắng xuất phát từ các cảnh báo dai dẳng về an toàn cộng đồng và cảm giác bị những nhà lãnh đạo quốc gia coi thường, mặc dù quyền lực bầu cử ngày càng tăng.
Họ cảnh báo rằng có quá nhiều đảng viên Dân chủ vẫn coi người gốc Á là nhóm cử tri có tầm quan trọng thứ yếu, trong khi đảng viên Cộng hòa tiếp tục thúc đẩy một chương trình nghị sự được coi là không thân thiện với cộng đồng này.
Một số cuộc bầu cử cấp bang ở Georgia sẽ thử thách mối quan hệ của đảng Dân chủ với cử tri người Mỹ gốc Á. Đảng này đã đề cử một số người Mỹ gốc Á cho các cuộc đua quan trọng, trong đó có Bee Nguyễn, một nhà lập pháp bang người Mỹ gốc Việt.
Đảng Cộng hòa cũng đề xuất một số ứng cử viên người Mỹ gốc Á. Đối thủ của bà Au trong cuộc bầu cử của bang năm nay là Narender G. Reddy, một nhân viên bất động sản người Mỹ gốc Ấn và nhà tài trợ lâu năm của đảng Cộng hòa.
Ông Reddy đã thúc ép Thống đốc Brian Kemp và những người đảng viên Cộng hòa khác phải làm nhiều hơn nữa để thu hút cử tri gốc Nam Á.
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Au cho rằng đảng Dân chủ cần kết nối với các cử tri người Mỹ gốc Á về các vấn đề chính sách như an toàn súng và quyền phá thai, thay vì cho rằng họ sẽ tiếp tục bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vì sự chán ghét đối với đảng Cộng hòa.
Cộng đồng này muốn “có tiếng nói, có quyền lực và được lắng nghe”, bà Au nhận định. Các cử tri người Mỹ gốc Á đã dần nghiêng về đảng Dân chủ kể từ đầu thế kỷ này.
Tracy Xu, một cử tri tại sự kiện của bà Au, cho biết bà dự định bỏ phiếu cho đảng Dân chủ vào tháng 11 do thất vọng về tội phạm súng đạn và việc bãi bỏ quyền phá thai. Theo bà Xu, luật do đảng viên Cộng hòa ở Georgia ban hành cấm hầu hết vụ phá thai.
Song bà Xu, 51 tuổi, cho biết bà vẫn coi mình là một người độc lập về chính trị và không thấy bên nào có ưu thế vượt trội với những cử tri.
Liên minh giữa đảng Dân chủ với cử tri gốc Á lung lay?
Mối quan hệ giữa đảng Dân chủ và cộng đồng người Mỹ gốc Á đã được "thử lửa" gần như ngay sau cuộc bầu cử năm 2020, trong những cuộc tranh luận căng thẳng giữa ông Biden và các nhà lập pháp gốc Á. Họ đặt câu hỏi liệu vị tổng thống có hiểu vai trò của cộng đồng họ trong chiến thắng của ông hay không.
Cử tri người Mỹ gốc Á chiếm khoảng 4% tổng số cử tri nước Mỹ vào năm 2020. Các nghiên cứu cho thấy họ đã bỏ phiếu cho ông Biden nhiều gấp gần 2 lần ông Trump. Điều đó là đủ để đảm bảo chiến thắng cho đảng Dân chủ ở một bang bị chia rẽ như Georgia.
Tuy nhiên, đảng Cộng hòa vẫn duy trì được sự ủng hộ ở các nhóm thiên hữu hơn trong cộng đồng, đặc biệt là trong số các cử tri lớn tuổi và sùng đạo.
Và ngay từ đầu, ông Biden đã phải chật vật để tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nhà lãnh đạo chính trị gốc Á.
Vào năm ngoái, một vụ tấn công nhằm vào nhiều tiệm massage ở khu vực Atlanta đã khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á.
Sau vụ xả súng, ông Biden đã đến Georgia để gặp gỡ các nhà lãnh đạo gốc Á. Phó tổng thống Kamala Harris, con của một người Mỹ gốc Ấn, đã đi cùng ông.
Vài tuần sau, ông Biden tham dự một cuộc sự kiện đánh dấu ngày thứ 100 ông nhậm chức.
Vào ngày hôm đó, Long Tran, một chủ quán cà phê ở Dunwoody, cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Biden ở hậu trường. Ông Tran cho biết Tổng thống Biden nhấn mạnh ông và bà Harris “không quên rằng sự căm ghét của người châu Á vẫn đang gia tăng trong nước, và đó là điều cần được giải quyết.”
Tuy nhiên, vào năm 2021, đảng Cộng hòa đã lấy lại được sự ủng hộ của cử tri gốc Á ở thành phố New York và Virginia, một phần nhờ việc đưa ra thông điệp cứng rắn về tội phạm.
Vào mùa hè năm nay, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các cử tri người Mỹ gốc Á bày tỏ sự thất vọng rằng đảng Dân chủ thường ưu tiên các khu vực bầu cử khác.
Tuy nhiên, cuộc thăm dò cử tri người Mỹ gốc Á vào tháng 7 cho thấy người Mỹ gốc Á thiên về việc ủng hộ các ứng cử viên của Dân chủ tại Quốc hội hơn.
Theo NBC, tỷ lệ các vụ phạm tội thù ghét chống lại người Mỹ gốc Á trong năm 2021 đã tăng 339% so với năm trước đó. Ảnh: ABC News. |
Eun Sook Lee, người đứng đầu Quỹ AAPI Civic Engagement, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết đảng Dân chủ vẫn có cửa để củng cố mối quan hệ chính trị của họ với cử tri người Mỹ gốc Á.
Trong một văn phòng ở Duluth, cách Johns Creek vài phút, ông Reddy cho biết hầu hết bạn bè người Mỹ gốc Ấn của ông đều coi đảng Cộng hòa “toàn người da trắng”.
Bên cạnh đó, ông Reddy lập luận rằng chương trình nghị sự kinh tế thân thiện với doanh nghiệp của đảng Cộng hòa có thể gây tiếng vang trong cộng đồng này.
Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa vẫn bị coi là "chống người nhập cư" và ràng buộc với ông Trump, người không được lòng các cử tri Mỹ gốc Á.