Trong thông cáo gửi tới các cơ quan báo chí, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam dẫn lời Chủ tịch Tusk khẳng định: "Có một thực tế không cần che đậy là chúng ta mong muốn một kết quả khác trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tại Anh. Vào thời điểm này, tôi nhận thức được đầy đủ mức độ nghiêm trọng, thậm chí là hệ lụy xấu về mặt chính trị".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: Getty |
Theo ông Tusk, không có cách nào tiên liệu được hết những hệ quả chính trị từ sự kiện này, đặc biệt đối với Vương quốc Anh. Đây là một thời khắc lịch sử nhưng chắc chắn đây không phải lúc phản ứng hỗn loạn. Ông Tusk đảm bảo với tất cả người dân rằng chúng ta cũng đã chuẩn bị cho kịch bản xấu này.
"Trong hai ngày qua, tôi đã nói chuyện với các vị lãnh đạo EU cũng như những vị đứng đầu các cơ quan của EU về khả năng việc Vương quốc Anh ra đi. Ngày hôm nay, thay mặt cho 27 vị lãnh đạo, tôi có thể nói rằng chúng ta quyết tâm gìn giữ sự nhất thể của 27 thành viên. Đối với tất cả chúng ta, liên minh là khuôn khổ dành cho tương lai chung của chúng ta. Tôi muốn đảm bảo rằng sẽ không có một khoảng trống pháp lý nào. Cho tới thời điểm Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, luật pháp của EU vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng tại Vương quốc Anh. Ý tôi muốn nói tới mọi quyền lợi và trách nhiệm của quốc gia này", ông Tusk nhấn mạnh.
Mọi thủ tục đối với việc Vương quốc Anh rời khỏi EU đã rõ ràng và được quy định trong các hiệp ước. Nhằm thảo luận chi tiết hơn về những thủ tục tiếp theo, các vị lãnh đạo tham dự một cuộc họp không chính thức của 27 nước thành viên bên lề Cuộc họp thượng đỉnh Hội đồng châu Âu và bắt đầu thảo luận về tương lai mới của Liên minh.
"Cuối cùng, có thể thấy những năm qua là những năm tháng khó khăn nhất trong lịch sử Liên minh của chúng ta. Tuy vậy, tôi luôn nhớ tới câu nói cha tôi thường nói với tôi: Những thứ không thể giết chết được con thì sẽ làm cho con mạnh mẽ hơn", ông Tusk lạc quan chia sẻ.
Ngày 23/6, đông đảo người dân Anh đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc “rời bỏ” hay “ở lại” với châu Âu. Các cuộc thăm dò trước bỏ phiếu cho thấy phe ủng hộ ở lại chiếm đa số nhưng kết quả kiểm phiếu nói lên điều ngược lại. Với 52% cử tri ủng hộ Brexit, nước Anh đã có quyết định cuối cùng cho cuộc hôn nhân với EU.
Kết quả Anh rời EU được cho là một cú sốc lớn và có thể gây ra những hậu quả chưa thể lường trước. Thủ tướng David Cameron, người ủng hộ nước Anh ở lại EU, đã tuyên bố từ chức sau kết quả trưng cầu. Thị trường chứng khoán toàn cầu có phiên lao dốc mạnh sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố.
Liên minh châu Âu (gọi tắt là EU) hiện bao gồm 28 nước thành viên. EU là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù với mức độ liên kết sâu sắc. Về cơ bản, EU có các định chế chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ trưởng, Nghị viện châu Âu, Uỷ ban châu Âu và Toà án châu Âu.
Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm khoảng 22% (16,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP danh nghĩa và khoảng 17% (19,2 nghìn tỷ USD năm 2015) GDP sức mua tương đương của thế giới (PPP).