Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên minh cầm quyền sụp đổ, cựu thủ tướng Israel nuôi mộng trở lại

Tin tức về sự sụp đổ của chính phủ Israel mới chỉ được đưa ra khoảng 1 giờ, nhưng thủ lĩnh phe đối lập, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố ông sẽ trở lại nắm quyền.

“Tôi và bạn bè sẽ thành lập chính phủ quốc gia”, ông Netanyahu cho biết trong một đoạn video được đăng tải trực tuyến hôm 20/6. Điều đáng nói là video được đăng tải trước cả khi Thủ tướng Naftali Bennett có bài diễn văn chính thức từ chức, theo New York Times.

Nói về "chính phủ" sắp thành lập của mình, ông Netanyahu nhấn mạnh: “Một chính phủ sẽ chăm sóc tất cả các công dân của Israel mà không có ngoại lệ nào”.

Vẫn còn quá sớm

Nghị viện Israel vẫn chưa giải tán và nhiều khả năng sẽ phải chờ đến ngày 27/6. Bên cạnh đó, một cuộc bầu cử mới sẽ không được tổ chức, ít nhất là cho đến mùa thu năm nay và có thể kết thúc mà không có bên nào giành được đa số phiếu.

Do vậy, tuyên bố của ông Netanyahu được cho là quá sớm.

Tuy nhiên, với diễn biến mới này, khả năng ông Netanyahu trở lại nhiệm sở đang mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi ông thôi nắm quyền.

Ông Netanyahu là thủ tướng tại vị lâu nhất của Israel với 15 năm cầm quyền. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã có đóng góp vào việc định hình các ưu tiên chiến lược của Israel.

Ông cổ vũ sự nghi ngờ của công chúng đối với cơ quan tư pháp và truyền thông, đồng thời thúc đẩy vai trò của Israel ở Trung Đông. Ông cũng là người chứng kiến sự bế tắc của các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Cuu thu tuong Israel tuyen bo se quay lai nam quyen anh 1
Ông Benjamin Netanyahu vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Ảnh: Getty Images.

Cũng giống như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, những người ủng hộ ông Netanyahu vẫn không rời bỏ ông ngay cả khi ông thôi nắm quyền.

Các cuộc thăm dò cho thấy đảng cánh hữu Likud của ông Netanyahu sẽ có thể dễ dàng giành được nhiều ghế hơn các đảng khác trong cuộc bầu cử mới.

Liên minh gồm các đảng cánh hữu và tôn giáo của ông có thể vẫn sẽ là liên minh lớn nhất trong nghị viện dù không chiếm đa số ghế. Bên cạnh đó, một số nhà lập pháp cánh hữu từ chối cho ông nắm quyền vào năm 2021 có thể sẽ thay đổi ý định trong cuộc bầu cử này và trao cho ông quyền kiểm soát nghị viện.

Với những người ủng hộ ông Netanyahu, phát biểu của ông là lời báo trước sự trở lại của chính phủ cánh hữu ở Israel.

Sau khi ông Netanyahu rời nhiệm sở, Israel trải qua một năm đầy biến động khi nước này được điều hành bởi một liên minh mong manh gồm 8 đảng không tương thích về hệ tư tưởng. Trong đó, sự phản đối của những đảng này đối với ông Netanyahu là động cơ mạnh mẽ nhất thúc đẩy họ ngồi lại với nhau.

Đảng của ông Netanyahu đã dành cả năm qua để làm suy yếu khái niệm quan hệ đối tác Do Thái - Arab, vốn đã được cụ thể hóa thành những thay đổi căn bản trong hệ thống tư pháp.

Ông Netanyahu đang vướng vào phiên tòa xét xử tham nhũng kéo dài nhiều năm qua. Đây có thể sẽ là yếu tố làm đảo lộn mọi kế hoạch của cựu thủ tướng nếu các nhà lập pháp thông qua đạo luật cấm các bị cáo phạm tội trở thành thủ tướng.

Bản thân ông Netanyahu phủ nhận việc sử dụng việc quay trở lại chính phủ để trốn bị truy tố.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp của đảng Likud lại có những phát biểu khác.

Ông Shlomo Karhi, một nhà lập pháp thân cận với ông Netanyahu, cho biết ông sẽ thay thế tổng chưởng lý - quan chức chính phủ cấp cao giám sát việc truy tố ông Netanyahu. Bên cạnh đó, cựu bộ trưởng David Amsalem nhấn mạnh rằng những người không có ý định thay đổi “hệ thống tư pháp bệnh hoạn và thiên vị này” thì không xứng đáng là thành viên của đảng Likud.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh vào tháng này, ông Amsalem nói: “Một khi chúng tôi phá vỡ sức mạnh của cánh tả, chúng tôi sẽ giải thích với họ rằng chúng tôi biết cách điều hành đất nước này tốt hơn họ một chút”.

Ben Caspit, một người viết tiểu sử về ông Netanyahu, cho rằng lối khoa trương này làm dấy lên lo ngại về triển vọng của một chính phủ mới do ông Netanyahu lãnh đạo. Ngoài ra, ông cũng cho rằng: “Nền dân chủ của Israel thực sự sẽ gặp nguy hiểm”.

Tương đồng và khác biệt

Đối với một số người theo cánh tả và nhiều người Palestine, một chính phủ Netanyahu mới sẽ không khác nhiều so với chính phủ hiện tại.

Trước đó, chính quyền của Thủ tướng Bennett đã có phương thức thống nhất và thành lập một liên minh cầm quyền với một đảng Arab độc lập lần đầu tiên trong lịch sử Israel.

Mặc dù vậy, xét về nhiều vấn đề cơ bản, ông đồng tình với ông Netanyahu. Ông Bennett phản đối sự tồn tại của nhà nước Palestine, duy trì phong tỏa dải Gaza và phê duyệt việc xây dựng hàng nghìn đơn vị định cư mới ở Bờ Tây.

New York Times dẫn lời của Ghassan Khatib, một nhà phân tích chính trị người Palestine và là cựu bộ trưởng Palestine, cho biết, "Chính phủ hiện tại có thể khác về một số quan điểm và lập trường nhất định (so với chính phủ của ông Netanyahu - PV), nhưng trên thực tế thì không hề khác".

Ông cho rằng: “Họ có cùng một thái độ chính trị: không ủng hộ một nhà nước Palestine, không đàm phán”. “Và họ tiếp tục mở rộng khu định cư nhanh nhất có thể”.

Cả chính phủ hiện tại và chính phủ của cựu Thủ tướng Netanyahu cũng có cách tiếp cận tương tự đối với Trung Đông.

Cả hai đều tìm cách xây dựng mối quan hệ ngoại giao mới với các nước Arab, vốn từ lâu đã cô lập Israel. Đồng thời, cả hai chính phủ đều phản đối nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với Iran nếu nước này đồng ý điều chỉnh chương trình làm giàu hạt nhân.

Nhưng đối với nhiều người Israel, có sự khác biệt rõ ràng giữa chính phủ cánh hữu do ông Netanyahu lãnh đạo và liên minh đa dạng của ông Bennett.

Điều này thể hiện rõ thông qua cách hợp tác của hai chính phủ với phe ôn hòa của ông Yair Lapid. Mặc dù đến từ các phe chính trị đối lập, ông Bennett và ông Lapid đã xây dựng mối quan hệ đối tác dựa trên sự thỏa hiệp và lịch sự, tương phản rõ rệt với thái độ bất hoà của đảng Likud.

Cuu thu tuong Israel tuyen bo se quay lai nam quyen anh 2

Thủ tướng Israel Naftali Bennett (trái) và Ngoại trưởng Yair Lapid hôm 20/6. Ảnh: Reuters.

Trong bài phát biểu để thông báo sự sụp đổ của liên minh cầm quyền vào ngày 20/6, ông Bennett và ông Lapid đã thể hiện sự tôn trọng, tình cảm và sự ngưỡng mộ dành cho nhau. "Tôi thực sự yêu quý ông", ông Lapid nói với ông Bennett.

Về mặt thực tế, liên minh cầm quyền cũng đã giúp Israel hoạt động trở lại sau một thời gian ngưng trệ dưới thời chính phủ của cựu Thủ tướng Netanyahu. Trước đó, trong 2 năm cuối cùng cầm quyền, chính quyền của cựu Thủ tướng Netanyahu không đạt được đa số ghế nghị viện để hoàn thành một số quyền hạn cơ bản của chính phủ.

Ông Netanyahu đã không thành lập được liên minh với các đảng khác để chiếm đa số trong nghị viện trong 4 cuộc bầu cử liên tiếp từ năm 2019 đến năm 2021. Và theo giáo sư Gideon Rahat, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Hebrew của Jerusalem, kết quả của cuộc bầu cử sắp tới có thể sẽ không khác.

“Chúng tôi đã theo dõi ‘bộ phim này’ bốn lần và chúng tôi có thể sẽ nhận được kết quả tương tự trong lần thứ năm”, giáo sư Rahat nói.

“Netanyahu có vấn đề về uy tín”, giáo sư Rahat cho biết. “Ông ấy có thể đưa ra 1.000 lời hứa nhưng không ai tin ông ấy. Netanyahu không tệ trong chính trị bầu cử nhưng khi xây dựng một liên minh, ông ấy không có sự tín nhiệm".

Đại sứ Israel hát 'Ngày Tết quê em' Đại sứ Israel tại Việt Nam Eshcar Nadav hát bài "Ngày Tết quê em" như lời chúc mừng năm mới. Trong video, ông tham gia nhiều hoạt động đời thường như uống trà đá, cắt tóc vỉa hè...

Liên minh cầm quyền tại Israel sụp đổ

Các nhà lập pháp Israel sẽ bỏ phiếu vào tuần tới để giải tán quốc hội, từ đó mở đường cho cuộc bầu cử lần thứ 5 trong ba năm của nước này.

Những vụ ám sát chấn động khoét sâu mối thâm thù Israel - Iran

Trong những năm qua đã có nhiều nhân vật cấp cao của Iran, bao gồm các nhà khoa học hạt nhân, bị ám sát. Tehran cáo buộc Israel đứng đằng sau chuỗi sự kiện này.

Hồng Sơn

Bạn có thể quan tâm