Trong tuyên bố ngày 15/8, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã “kêu gọi Taliban và các bên kiềm chế tối đa để bảo vệ sinh mạng người dân và đảm bảo các nhu cầu nhân đạo có thể được tiếp cận”.
“Liên tục xuất hiện những báo cáo vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng trong cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh”, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc, Stephane Dujarric, cho biết trong tuyên bố, Reuters đưa tin.
Ngoài ra, theo tuyên bố, ông Guterres bày tỏ quan tâm đặc biệt “đến tương lai của phụ nữ và trẻ em gái, nhóm người cần phải được bảo vệ”.
Theo Reuters, dưới sự cai trị của Taliban từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ không được đi làm, trẻ em gái không được đi học. Phụ nữ phải che mặt và nếu muốn rời khỏi nhà, họ phải đi cùng với một người thân là nam giới.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters. |
Liên Hợp Quốc có khoảng 3.000 nhân viên người Afghanistan và 300 nhân viên nước ngoài tại Afghanistan. Hôm 13/8, ông Dujarric cho biết một số nhân viên đã chuyển đến Kabul nhưng chưa ai rời khỏi nước này.
“Liên Hợp Quốc vẫn quyết tâm giữ vai trò giải quyết hòa bình, thúc đẩy quyền con người của tất cả người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho dân thường đang gặp khó khăn”, ông Dujarric phát biểu hôm 15/8.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp về tình hình Afghanistan vào 10h ngày 16/8 (giờ địa phương) tại New York, Mỹ, theo AFP.
Taliban đã nhanh chóng tái chiếm Afghanistan. Lực lượng này đã giành quyền kiểm soát Kabul vào hôm 15/8, hai tuần trước thời hạn 31/8 do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra nhằm hoàn tất việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau gần 20 năm bám trụ. Cùng ngày, Tổng thống Ashraf Ghani rời Afghanistan. Ông nói rằng đây là một lựa chọn rất khó khăn.