Quân đội của Afghanistan tan rã. Taliban kiểm soát thủ đô Kabul và tiếp quản những gì còn lại của chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani. Đây có lẽ là các kịch bản Washington lường trước khi quyết định rút quân.
Nhưng điều khiến Mỹ cùng các đồng minh ngỡ ngàng và không kịp trở tay là việc Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm 15/8, buộc Tổng thống Ghani phải rời khỏi đất nước, theo CNN.
Trước đó, không ai, kể cả các cơ quan tình báo Mỹ, có thể tưởng tượng sự sụp đổ chóng vánh của một đội quân mà Mỹ rót hàng nghìn tỷ USD đầu tư suốt 20 năm.
Chiến tranh trên giấy
Chiến dịch quân sự của Taliban khởi động từ tháng 5, khi Mỹ bắt đầu rút những binh sĩ cuối cùng khỏi Afghanistan.
Ban đầu, đó chỉ là các chiến dịch nhỏ lẻ, chiếm lấy các khu vực nông thôn, hoặc những vùng xa xôi hẻo lánh thưa thớt dân cư. Sau đó lực lượng này bắt đầu đánh chiếm thủ phủ của các tỉnh và tiến quân với tốc độ vũ bão.
Hôm 8/7, Tổng thống Joe Biden đăng đàn bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, trước làn sóng chỉ trích rằng chính quyền của ông đã hai tay dâng Afghanistan cho Taliban.
Từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden một lần nữa khẳng định đã đến lúc Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến dài nhất lịch sử nước này. Ở thời điểm đó, lực lượng chính phủ Afghanistan đã rệu rã trước sức ép của Taliban.
Tổng thống Biden vấp phải nhiều chỉ trích vì tình hình Afghanistan. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi đã đào tạo và trang bị cho gần 300.000 binh sĩ lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn thành viên lực lượng an ninh và phòng vệ quốc gia Afghanistan (ANDSF) đã được huấn luyện suốt 20 năm qua", Tổng thống Biden nói.
Ông chủ Nhà Trắng hùng hồn đánh cược vào ANDSF, khi tuyên bố Washington và các đồng minh ở Afghanistan có đủ nguồn lực và khả năng bảo vệ đất nước mà binh sĩ Mỹ đang bỏ lại.
"Chúng tôi đã cung cấp cho các đối tác Afghanistan tất cả công cụ. Tôi xin nhấn mạnh là tất cả công cụ, huấn luyện, và trang thiết bị quân sự hiện đại. Chúng tôi cung cấp vũ khí tối tân và sẽ tiếp tục tài trợ cho họ", Tổng thống Biden tuyên bố.
Một phóng viên hỏi "liệu việc Taliban giành kiểm soát Afghanistan có phải điều không thể tránh khỏi", ông Biden nói đó là kịch bản sẽ không xảy ra.
"Afghanistan có một quân đội trang bị tốt với 300.000 người, không thua kém bất cứ quân đội nào trên thế giới, với lực lượng không quân mà Taliban không có. Họ đang chống lại 75.000 tay súng Taliban", Tổng thống Biden cho biết.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley cuối tháng 7 còn khẳng định quân đội Afghanistan "có đủ khả năng chiến đấu bảo vệ đất nước".
Nhưng chỉ trong một tháng, tất cả những gì Tổng thống Biden và tướng Milley từng nói một lần nữa cho thấy chiến tranh không phải câu chuyện của những con số.
Sai lầm của tình báo Mỹ
Không chỉ chính phủ Afghanistan, ngay cả chính phủ Mỹ dường như không nhìn thấy trước Taliban sẽ tấn công như vũ bão, chỉ trong vài tháng đã chiếm được gần như cả nước.
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã đầu tư rất nhiều công sức vào ý tưởng mang lại một giải pháp chính trị cho tình thế ở Afghanistan. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Mỹ còn coi đây là "con đường khả thi duy nhất".
Hôm 3/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫn điện đàm với Tổng thống Ghani. Ông Blinken nói Mỹ cam kết với chính quyền Kabul, và nhấn mạnh cần đẩy nhanh đàm phán hòa bình để "sớm đạt được một thỏa thuận chính trị" với Taliban.
"Thực tế là chẳng có đàm phán hòa bình gì hết. Taliban không hề hứng thú với dàn xếp chính trị, họ chỉ muốn Kabul đầu hàng và hồi sinh đế chế Hồi giáo hà khắc", một bài viết trên Dispatch bình luận.
Tình báo Mỹ không khá hơn Bộ Ngoại giao là bao, khi không thể nhìn thấy bước tiến của Taliban và sự tan rã chóng vánh của đồng minh Afghanistan.
Hôm 12/8, một quan chức quốc phòng dẫn nguồn phân tích tình báo cho biết dù Taliban đang nhanh chóng mở rộng vùng kiểm soát, lực lượng này sẽ không thể chiếm được Kabul trong 3 tháng.
Ở thời điểm thông tin này được công bố, Taliban kiểm soát 65% lãnh thổ Afghanistan. Giới chức tình báo Mỹ thậm chí còn lạc quan hơn khi cho rằng tình thế chiến trường có thể thay đổi, và quân đội chính phủ sẽ kháng cự mạnh mẽ hơn.
Các binh sĩ Afghanistan tập bắn súng trường dưới sự giám sát của các binh sĩ Mỹ. Ảnh: U.S Army. |
Sự sụp đổ quá chóng vánh của quân đội Afghanistan cũng như chính phủ Kabul là một cú sốc cho toàn bộ chính quyền Biden.
Chỉ mới tháng trước, các quan chức cấp cao trong chính quyền vẫn tin rằng chính phủ dân sự của Tổng thống Ghani có thể trụ được thêm vài tháng, đủ thời gian để lực lượng Mỹ rời đi trước khi hậu quả của chiến lược rút quân thực sự ập đến.
Trước đó, giới chức Mỹ nhiều lần bày tỏ sự thất vọng khi chính quyền Afghanistan không thể bảo vệ các thành phố và địa bàn then chốt trước sức tấn công của Taliban, dù rằng Tổng thống Ghani đã đưa ra một chiến lược phòng thủ trong những lần làm việc với Washington.
Tuần trước, Tổng thống Biden nói với báo giới vẫn có khả năng chính phủ Afghanistan trụ vững, rằng chỉ huy mới của quân đội chính phủ là "một chiến binh thực thụ".
Hôm 13/8, Washington thậm chí tuyên bố thủ đô Kabul "không bị đe dọa".
Trong ngày 15/8, các quan chức chính phủ Mỹ thừa nhận họ đã tính toán sai lầm diễn biến trên chiến trường.
"Thực tế là lực lượng chính phủ không đủ khả năng bảo vệ đất nước. Sự sụp đổ của họ đến nhanh hơn so với dự đoán của chúng tôi", Ngoại trưởng Antony Blinken nói.
Lúc này, một số thành viên Quốc hội Mỹ yêu cầu Nhà Trắng cung cấp thêm thông tin, giải thích lý do tình báo nước này đánh giá quá sai lầm về thực tế chiến trường ở Afghanistan, cũng như vì sao không có một kế hoạch di tản dự phòng khẩn trương hơn cho nhân viên người Mỹ và các đồng minh.