Trong báo cáo mới công bố, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma tuý và Tội phạm (UNODC) cảnh báo Sáng kiến Một vành đai Một con đường của Trung Quốc dễ tạo điều kiện cho tội phạm xuyên biên giới lũng đoạn. Theo đó, sáng kiến trên cùng với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) là những cơ hội phát triển kinh tế mới nhưng đang bộc lộ "thách thức an ninh nghiêm trọng" bởi không có hàng rào ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới.
Theo SCMP, báo cáo chỉ ra rằng các nước đã tập trung vào việc hội nhập và thúc đẩy thương mại, tuy nhiên, biện pháp bảo vệ trên cơ sở luật pháp chưa đủ để ngăn chặn loại tội phạm này. Theo con số ước tính, doanh thu của hoạt động tội phạm có tổ chức ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương là 100 tỷ USD, vượt GDP của nhiều nước trong khu vực như Lào, Campuchia và Myanmar cộng lại.
"Việc đẩy mạnh kết nối liên vùng đã làm trầm trọng hơn nhiều mối đe doạ cho các nước thành viên ASEAN như buôn bán ma túy và động vật hoang dã", báo cáo của Liên Hợp Quốc cho hay, đồng thời nhấn mạnh rằng sáng kiến này của Trung Quốc trải dài hai châu lục và kết nối 60 quốc gia.
Con đường tơ lụa trên đất liền (đường màu vàng) và trên biển (đường màu đỏ) do Trung Quốc đề xuất. Ảnh: Dailystar |
Mối lo ngại về AIIB xuất hiện trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc chưa cho thấy rõ nỗ lực thực hiện các nguyên tắc bảo vệ xã hội và môi trường. Biện pháp bảo vệ trước nguy cơ của tội phạm có tổ chức, vốn sinh ra từ hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng chưa được đề cập nhiều.
Phát ngôn viên của AIIB Henry Bell từng cho biết ngân hàng tạo ra "cách tiếp cận toàn diện để quản lý rủi ro và tác động môi trường, xã hội". Ngân hàng cũng sẽ không tài trợ cho các dự án liên quan đến lao động trẻ em, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, sản xuất vũ khí và đạn dược hay liên quan đến cờ bạc và sòng bạc. Tuy nhiên, AIIB lại ít đề cập về mối quan tâm cụ thể với vấn đề tội phạm.
Ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về một ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực vào cuối năm 2013. Chính thức ra đời ngày 25/12/2015, ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng sẽ hỗ trợ vốn cho các dự án liên quan tới năng lượng, giao thông vận tải, viễn thông, cơ sở hạ tầng nông thôn, cung cấp nước, bảo vệ môi trường và hậu cần quân sự. AIIB cũng cân nhắc về việc cho các nhà máy sản xuất điện bằng than hay hạt nhân vay vốn.
AIIB có số vốn ban đầu 100 tỷ USD, được coi là công cụ để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Nó cũng được xem là trở ngại đáng kể đối với Mỹ và Nhật Bản khi mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.