Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên hiệp Anh trước nguy cơ tan rã vì Brexit

Quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử đặt Liên hiệp Anh trước nguy cơ tan rã khi Scotland muốn ở lại cùng EU.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết Brexit có thể trở thành động lực để vùng đất này độc lập với Liên hiệp Anh. Kết quả kiểm phiếu vừa được công bố cho thấy 62% người dân Scotland muốn Anh tiếp tục là một phần của EU nhưng kết quả trên toàn liên hiệp cho thấy 52% người dân muốn “rời đi”.

Bà Sturgeon cũng khẳng định: “Scotland nhìn thấy tương lai của mình trong EU”, điều mâu thuẫn với quyết định của đa số người dân Vương quốc Anh, Telegraph đưa tin.

Lien hiep Anh truoc nguy co tan ra anh 1
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon. Ảnh: AFP

Năm 2014, một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland được tiến hành nhưng 55% người dân vẫn muốn đất nước là một phần của Liên hiệp Anh. Tuy nhiên, kết quả lần trưng cầu thứ 2 có thể thay đổi khi phần lớn người dân Scotland chọn là một phần của EU.

Tại cuộc họp báo ở Bute House, bà Sturgeon khẳng định một bản kế hoạch độc lập mới của Scotland đã “sẵn sàng”. Với sự tiếc nuối sâu sắc, bà Sturgeon phải thừa nhận những khác biệt đáng kể giữa Scotland và phần còn lại của nước Anh.

Trong tuyên bố hồi tháng 5, Đảng Quốc gia Scotland (SNP) cầm quyền cũng khẳng định sẽ tổ chức cuộc trưng cầu thứ dân ý thứ 2 về sự độc lập của Scotland và kết quả của nó sẽ có những thay đổi so với sự kiện năm 2014 nếu Scotland bị buộc phải rời khỏi EU ngoài ý muốn.

Ông Alex Salmond, cựu thủ hiến của Scotland, tỏ ra “khá chắc chắn” về cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 ở Scotland. Chia sẻ với BBC, ông Salmond cho biết: “Scotland ủng hộ mạnh mẽ việc Vương quốc Anh ở lại Liên minh châu Âu. Nếu những người bỏ phiếu ‘rời đi’ ở Anh kéo chúng ta khỏi EU, tôi tin chắc bà Sturgeon sẽ thực hiện tuyên ngôn của SNP”.

Trước và trong thời điểm diễn ra trưng cầu dân ý, nhà chức trách Scotland đã đưa ra nhiều tuyên bố cảnh báo về khả năng độc lập với Liên hiệp Anh nếu quyết định rời khỏi EU được đưa ra. Độc lập giúp Scotland có thể ở lại EU và sử dụng đồng tiền chung euro thay vì đồng bảng Anh như hiện nay.

Trong một diễn biến khác, Declan Kearney, chủ tịch đảng Sinn Fein của Bắc Ireland, cũng đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ sau khi người dân Anh chọn Brexit. Theo ông Kearney, kết quả bỏ phiếu “đã lôi Bắc Ireland ra khỏi EU” và “đi ngược lại với ý chí dân chủ của người dân”.

Liên hiệp Anh hay còn gọi là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, thường được gọi là Vương quốc Anh hoặc Anh Quốc. Nó hợp thành từ 4 quốc gia gồm Anh (England), Scotland, Wales, và Bắc Ireland. Trước khi Ireland ly khai năm 1922, quốc gia này được gọi là Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland.

Theo quy định, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là quốc gia Quân chủ lập hiến do Nữ hoàng Elizabeth II cai trị. Đứng đầu chính phủ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland là Thủ tướng David Cameron, người vừa tuyên bố từ chức sau thất bại của phe ủng hộ “ở lại” EU.

Ngày 23/6, đông đảo người dân Anh bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc “rời bỏ” hay “ở lại” với Liên minh châu Âu. Các cuộc thăm dò trước bỏ phiếu cho thấy phe ủng hộ ở lại chiếm đa số nhưng kết quả kiểm phiếu nói lên điều ngược lại. Với 52% cử tri ủng hộ Brexit, nước Anh đã có quyết định cuối cùng cho cuộc hôn nhân với EU. Kết quả Anh rời EU được cho là một cú sốc lớn và có thể gây ra những hậu quả chưa thể lường trước.

Người châu Âu hôn chuyền từ Berlin tới London, chống Brexit Những nụ hôn được trao từ Rome, Berlin, tới Paris và kết thúc ở London nhằm thể hiện một châu Âu thống nhất hơn và góp tiếng nói ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU).

'Liên minh châu Âu đã chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất về Anh'

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã chính thức lên tiếng về kết quả trưng cầu dân ý tại Vương quốc Anh và khẳng định EU đã chuẩn bị trước cho "kịch bản xấu nhất".

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm