Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lịch sử vú - cái nhìn mà bạn chưa từng mường tượng tới

Viết về bộ phận được cho là mang nhiều ý nghĩa biểu tượng trên cơ thể phụ nữ, “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom là công trình khoa học thuyết phục và đầy hấp dẫn về vú phụ nữ.

Lich su vu anh 1

Tranh sử dụng làm bìa sách: Diana và thần tình yêu của Pompeo Batoni vẽ khoảng năm 1761. Nguồn: wikipedia.

Với rất nhiều thông tin mới mẻ và bổ ích, cùng các phân tích liên ngành được soi sáng và nuôi dưỡng bởi ý thức đấu tranh cho quyền phụ nữ và nữ quyền, Lịch sử vú còn đưa ra những góc nhìn nữ quyền sâu sắc và rất táo bạo .

Lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại

Cuốn sách này sẽ khiến bạn “suy nghĩ về vú phụ nữ theo cách bạn chưa từng mường tượng trước đây”. Đó là câu mở đầu vừa gợi tò mò nhưng cũng vừa “khiêu khích” của tác giả Marilyn Yalom.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà vị giáo sư Pháp ngữ và văn học so sánh này lại mở đầu như vậy. Bởi khi bạn đọc cuốn sách này của bà, bạn sẽ thấy tri thức về vú của mình còn nghèo nàn và tương đối hạn hẹp.

"Nhìn từ bên ngoài, vú đại diện cho một thực tại khác, và thực tại này khác nhau tùy theo con mắt của mỗi người nhìn. Trẻ sơ sinh nhìn thấy thức ăn. Đàn ông thấy tình dục. Các bác sĩ thấy bệnh tật. Doanh nhân nhìn thấy những dấu hiệu của đôla. Những người có quyền uy trong tôn giáo biến vú thành biểu tượng tinh thần, trong khi các chính trị gia chiếm dụng nó vì mục đích dân tộc chủ nghĩa. Những nhà phân tâm học đặt vú vào trung tâm của vô thức, như thể nó là phiến đá nguyên khối không thay đổi...". Marilyn Yalom viết.

Thông thường, chúng ta hay nhìn nhận về vú ở chức năng làm mẹ và chức năng tình dục. Nhưng Marilyn Yalom lại cho chúng ta thấy lịch sử hàng nghìn năm của loài người là lịch sử vú và lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại.

Cuốn sách đưa chúng ta vào chuyến du hành vượt thời gian (từ thời các nữ thần Đồ đá cũ đến phong trào giải phóng phụ nữ vào cuối thế kỷ 20), xuyên không gian (từ vùng Trung Đông đến châu Âu và Mỹ...), xuyên qua diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả tôn giáo, chính trị, thương mại, khoa học, nghệ thuật…) để chứng kiến thân phận “bảy nổi ba chìm” của vú.

Theo trình tự 9 chương sách: “Vú linh thiêng”, “Vú gợi dục”, “Vú quốc dân”, “Vú chính trị”, “Vú tâm lý”, “Vú thương mại”, “Vú y học”, “Vú tự do” và “Vú trong khủng hoảng”, tác giả cho người đọc nhìn thấy mối liên hệ mật thiết giữa bầu vú người phụ nữ với lịch sử phát triển của nhân loại.

“Khởi thủy là vú mẹ”, mượn lại một lối nói trong Kinh Thánh, Yalom cho rằng đó là nguyên nhân đầu tiên khiến cho bầu vú được tổ tiên loài người xem là một vật linh thiêng, lý do mà vì đó ở thời tiền sử, họ “đã ban tặng cho các tượng nữ thần của mình những bầu vú tuyệt vời”.

Đến lượt các vị nữ thần, họ lại truyền cảm hứng cho các nền văn minh đến sau, từ thế giới Hy La qua đêm dài trung cổ, nơi vú hiện lên như là nguồn cội của sức mạnh nuôi dưỡng và ban phát của “mẹ thiên nhiên” mang tính biểu tượng và người mẹ cụ thể chăm sóc cho đàn con thơ bé của mình.

Sang thời Phục Hưng, tính chất gợi dục đã len lỏi vào trong những bức tranh vốn xuất phát từ truyền thống vú linh thiêng thông qua việc nhấn mạnh vào hành động cho con bú của người mẹ.

Dù cùng thể hiện hành động cho con bú nhưng hội họa Phục Hưng đã khác biệt so với các tranh Thánh trước đấy ở một khía cạnh cơ bản: bầu vú hiện lên vừa như là “một tín hiệu khêu gợi trong nghệ thuật” vừa như để “ám chỉ đến khoái cảm thuần túy”.

Lich su vu anh 2

Sách Lịch sử vú. Ảnh: NXBPNVN.

Lịch sử vú qua góc nhìn kinh tế, chính trị, giới

Trước khi bầu vú bị tình dục hóa chuyển sang bị chính trị hóa trong thế kỷ Ánh Sáng, bầu vú đã có một “thời kỳ chuyển tiếp” rất thú vị, khi nó hiện diện với tư cách “vú quốc dân” trong xã hội công dân Hà Lan thế kỷ 17. Hội họa Hà Lan thời kỳ này đã nhanh chóng xóa bỏ đặc tính phô bày bầu vú nhằm thỏa mãn dục vọng để đặt nó vào trong bức tranh sinh hoạt, hoặc đem đến tinh thần thương yêu của người mẹ đối với con cái…

Đến sau Hà Lan một thế kỷ, tư tưởng Khai Sáng của J.J. Rousseau và “niềm đam mê cho con bú mà ông truyền cảm hứng đã đi xuyên qua địa vị giai cấp, chính trị và biên giới quốc gia” để hình thành một phong trào chính trị rộng khắp ở châu Âu.

Nói về thời kỳ này, Marilyn Yalom cho biết không có thời điểm nào trong lịch sử - ngoại trừ thời đại chúng ta - người ta lại tranh cãi nhiều về vú hơn là thế kỷ 18. Khi các nhà tư tưởng thời Khai minh bắt đầu hành trình thay đổi thế giới, bầu vú đã trở thành một đấu trường cho các lý thuyết gây tranh cãi về loài người và hệ thống chính trị.

Kể từ đó, người ta bắt đầu yêu cầu phụ nữ dâng hiến bầu vú của mình để phục vụ lợi ích quốc gia và quốc tế. Trong thời kỳ chiến tranh và cách mạng, họ được khuyến khích độn vú “cho những chàng lính” hoặc để hở ra như là biểu tượng của tự do.

Không chỉ bị lôi kéo vào đời sống chính trị vú cũng bị lôi kéo vào đời sống kinh tế bởi “khả năng thương mại gần như vô tận” của nó, nhờ vào “sự phát triển của các sản phẩm dành cho vú” và các cách thức mà người ta mua bán “tư thế vú để trần trong nghệ thuật, truyền thông và giải trí, bao gồm cả nội dung khiêu dâm”.

Không chỉ đề cập đến lịch sử vú là lịch sử văn minh nhân loại, trong cuốn sách Marilyn Yalom còn bàn đến nữ quyền và quyền phụ nữ đối với bầu vú của mình, đồng thời nói về bệnh ung thư vú - cú sốc của bệnh tật đe dọa tính mạng của người phụ nữ.

“Ai là người sở hữu đôi gò bồng đảo đó? … Lịch sử văn hóa về vú chắc chắn nằm trong văn cảnh "triều đại của dương tượng" đã thống trị nền văn mình phương Tây trong 2.500 năm qua. Tuy nhiên, vú đồng thời đã có triều đại của riêng mình, chắc chắn là một triều đại được kiến tạo từ những huyễn tưởng của nam giới, nhưng là triều đại ngày càng thể hiện nhu cầu và ham muốn của người phụ nữ, mà rốt cuộc thì vú là của họ”, Marilyn Yalom viết.

Cũng liên quan đến quyền phụ nữ đối với bầu vú, Marilyn Yalom đã nêu ra một điều đáng suy ngẫm, đó là khi mà chỉ lúc lâm trọng bệnh, bầu vú mới thực sự là của riêng người phụ nữ. “Chính thực tại bi thảm của bệnh ung thư vú đã mang lại cho phụ nữ sự sở hữu trọn vẹn bầu vú của mình. Họ đang học, với cú sốc của bệnh tật đe dọa tính mạng, rằng bầu vú của họ thực sự là của riêng họ”.

Tóm lại, Lịch sử vú là lịch sử của văn minh nhân loại. Dù trải qua nhiều khúc quanh trong lịch sử, về cơ bản, vú luôn gắn cả chủ thể nữ - người mang vú và chủ thể chiếm dụng vú vì các mục đích riêng. Và từ cái nhìn này của Marilyn Yalom, chúng ta chắc chắn không thể nhìn bầu vú của phụ nữ như trước được nữa.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Bách khoa thư về vợ

Đi sâu vào những câu chuyện về vợ trong các xã hội từ cổ đại cho đến hiện đại, “Lịch sử vợ” cung cấp một bức tranh về sự thay đổi trong vị trí và quyền lợi của phụ nữ, mở ra các cuộc đối thoại về quyền bình đẳng giới.

Sự khác biệt trong hành vi tình dục và tâm lý ở nam và nữ

Loài người có thể là động vật có vú với sự phân chia lao động theo giới lớn nhất và có sự khác biệt tâm lý lớn nhất giữa hai giới.

Hành trình vượt qua căn bệnh ung thư vú

“Câu chuyện nơ hồng” là cuốn sách truyền cảm hứng, sức mạnh dành cho những người đã và đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm