“Báo đài Nhật Bản đưa tin liên tục về chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu. Hôm nay là chuyến thăm Huế. Nhưng từ mấy ngày nay, truyền hình còn đưa về ngôi chùa ở Nara để nói về nguồn gốc chung của nhã nhạc cung đình hai nước. Rất thú vị”, chị Quỳnh Chi, một người Việt sống ở Nhật Bản đã hơn 40 năm, tâm sự với Zing.vn từ Tokyo.
“Hôm trước, tôi thấy trên màn hình tivi của NHK World chiếu đi chiếu lại bản tin về chuyến thăm của Thiên Hoàng. Họ còn chiếu hình ngôi chùa Nara và nói về mối quan hệ lịch sử hàng trăm năm qua giữa Nara và nhã nhạc cung đình Huế”, chị nói.
Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản tại Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nhã nhạc, sợi dây kết nối xuyên thời gian
Nara, với lịch sử 1.200 năm, là kinh đô đầu tiên của Nhật Bản (từ năm 710 đến 784).
Theo các tài liệu của Nhật Bản, vào năm 736, vị cao tăng Việt Nam tên là Butetsu (Phật Triết) đã cùng sư phụ là Bodhisena từ Ấn Độ đến Nhật Bản để giới thiệu các điệu múa lễ tiết của Phật giáo Việt Nam vào Nhật Bản. Trong thời gian lưu lại Nhật Bản, vị cao tăng này đã ngự ở chùa Daianji.
Chùa Daianji (Đại An Tự, có nghĩa là Hòa bình Vĩ đại), nằm ở phía Nam thành phố Nara, một trong 7 chùa lớn nhất của Nara.
Từ đó đến nay, trải qua 1.300 năm, nhã nhạc Việt Nam đã được tiếp thu, phát triển và hiện nay vẫn được biểu diễn tại Hoàng cung Nhật Bản. Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản rất yêu thích nhã nhạc.
Hai năm trước, phía Nhật Bản có đem nhã nhạc sang Việt Nam trình diễn và họ coi như đó là đem về quê hương của nhã nhạc.
Là người nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, chị Quỳnh Chi cũng có niềm đam mê văn thơ và tìm hiểu nghệ thuật Nhật Bản.
“Tôi từng được nghe nhã nhạc do một đoàn Việt Nam sang trình diễn ở Tokyo.
Phần lớn là các bài nhạc đệm cho các điệu múa trong lễ lạt ở triều đình (họ có biểu diễn múa nữa), nên nhịp điệu tương đối chậm, trang nghiêm, đúng là nhạc dùng khi tế lễ, thì cũng hơi hơi giống với nhã nhạc của Nhật.. Nhã nhạc của Nhật nhịp điệu rất chậm”, chị nói.
Nhã nhạc của Nhật cũng sử dụng một số nhạc cụ giống như nhã nhạc của Việt Nam, như sên, phách...
Chùa Daianji (Đại An Tự, có nghĩa là Hòa bình Vĩ đại), nằm ở phía Nam thành phố Nara, một trong 7 chùa lớn nhất của Nara. Ảnh: Nhật Mai. |
“Nhà vua và Hoàng hậu là hình ảnh tượng trưng cho truyền thống và những giá trị tinh thần cao đẹp của người Nhật. Mọi điểm đến của ông đều mang ý nghĩa hòa bình cao đẹp. Theo dõi tin tức về chuyến thăm của Nhật hoàng và Hoàng hậu, tôi nghĩ rằng ông thể hiện cho thiện chí và ước vọng của Nhật Bản hiện nay, là muốn sống chung hòa bình thân thiện với thế giới, đúng như niên hiệu mà Nhà Vua đã chọn là Heisei - Bình Thành”, chị Quỳnh Chi nhận xét.
Khâm phục sự am tường của Nhà vua và Hoàng hậu
Anh Mậu Kiên, tốt nghiệp thạc sĩ tại Tokyo và hiện mở công ty tại Nhật Bản về cung ứng nhân lực Việt Nam cho các đối tác Nhật Bản, chú ý đến chuyến thăm của Nhật hoàng và Hoàng hậu đến Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, cho rằng việc Ngài chọn tới thăm địa điểm này cho thấy sự thông tuệ của Ngài về lịch sử.
“Việt Nam và Nhật Bản chính thức nối lại quan hệ ngoại giao cách đây 44 năm, nhưng những giao lưu kinh tế - văn hóa - chính trị giữa hai nước có lịch sử dài hơn thế rất nhiều”, anh nói.
“Trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp, Phong trào Đông Du của Phan Bội Châu là điểm sáng quan trọng, góp phần vào thành công của cuộc kháng chiến. Do vậy, việc Nhà vua và Hoàng hậu chọn tới thăm địa điểm này cho thấy Ngài am tường sâu sắc về lịch sử quan hệ hai nước và ngầm cho thấy kỳ vọng của Ngài về việc sẽ ngày càng có nhiều hoạt động giao lưu về mặt kiến thức, văn hóa giữa nhân dân hai nước”.
Tư tưởng Đông Du từ thời đó đã trở thành cảm hứng cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đặt niềm tin vào Nhật Bản là nơi để học hỏi những điều mới, điều hay để phát triển bản thân đồng thời xây dựng tổ quốc.
“Tư tưởng này kéo dài đến bây giờ và vẫn còn nguyên giá trị. Tôi rất vui vì chuyến thăm của Nhật hoàng như ngầm cho thấy Ngài hiểu những giá trị này”, anh nói.
Niềm vui của cộng đồng người Việt
Chị Đào Bích Ngọc sang Nhật được hơn 6 năm và hiện cùng gia đình sinh sống tại Đông Bắc Nhật Bản. Chị gọi chuyến thăm của Nhật hoàng là chuyến đi kết nối người dân hai nước.
Chị Quỳnh Chi, đã sinh sống tại Nhật Bản hơn 40 năm. Ảnh: Nhật Mai. |
“Ở Nhật Bản, Nhà vua và Hoàng hậu được coi là hình ảnh tượng trưng cho những gì bình dị và tốt đẹp. Em thấy báo đài đưa tin rất nhiều về chuyến thăm của Ngài. Em tự hào lắm. Chuyến đi của Nhật hoàng và Hoàng hậu làm cho người dân hai nước có niềm tin vào nhau hơn, như vậy sẽ tạo dựng cho người Việt như em sống tại Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội hòa nhập văn hóa và đời sống ở Nhật hơn”, Đào Bích Ngọc nói.
Anh Mậu Kiên nhận định hiện nay, trong bối cảnh tình hình kinh tế chính trị thế giới và khu vực có một số thay đổi, đồng thời tính chất tương hỗ bù trừ giữa hai quốc gia đang ngày càng nổi rõ, thì dự đoán quan hệ Việt Nam - Nhật Bản còn có những bước tiến đột phá. Anh cũng như cộng đồng người Việt ở Nhật Bản kỳ vọng chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu, cũng như chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe hồi đầu năm nay, sẽ là cú hích cho những đột phá đó.
“Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực Việt Nam tại Nhật Bản. Nguồn nhân lực Việt Nam được đào tạo theo tiêu chuẩn Nhật Bản sẽ trở thành nguồn lực đóng góp cho sự phát trển của đất nước Việt Nam sau này.
Tôi kỳ vọng những bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sẽ giúp mở rộng hơn nữa cánh cửa được học tập và làm việc tại Nhật Bản của thanh niên Việt Nam đang khát khao phát triển bản thân, vừa giúp họ tạo dựng sự nghiệp vững vàng, đồng thời vừa giúp quan hệ hai nước phát triển thêm chiều sâu. Chúng tôi sẽ tích cực đóng góp công sức của mình làm cầu nối cho hai bên”, anh chia sẻ.
Chị Quỳnh Chi cho hay chị không bỏ lỡ mọi chi tiết trong chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu. “Bối cảnh của chuyến thăm này là quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa hai nước, và ý muốn duy trì và phát triển hơn nữa quan hệ này. Mong rằng chuyến thăm thành công, và sẽ lưu lại được ấn tượng tốt đẹp trong lòng người Việt”, chị Quỳnh Chi bày tỏ hy vọng.