Cách đây một tuần tại Etihad, người hâm mộ MU đã hô vang “20 lần” để đáp lại tiếng reo “chúng tôi sẽ là những nhà vô địch” của các CĐV Man City. Kết quả dưới sân đang ủng hộ những người áo đỏ, và trong khoảnh khắc ấy, đám đông áo xanh không khỏi mặc cảm. Họ không có bề dày lịch sử vẻ vang để có thể tự hào. Rồi những tiếng chế giễu lại vang lên, “bạn không thể mua được lịch sử bằng tiền”.
Nhưng vào đêm chủ nhật, màu xanh đã lên ngôi. Sự tự ti biến mất. “Thời của chúng ta”, những người Man City nói. Mặc cho MU sống với quá khứ của họ và tìm sự an ủi từ kho Cúp ngày một phủ dày lớp bụi thời gian, The Citizens bay bổng với hiện tại.
Trong thoáng chốc, người ta không khỏi giật mình khi nhìn lại, 3 mùa giải qua các nhà vô địch đều khoác áo xanh. Trước Man City là Chelsea và Leicester. Đặc biệt hơn, cả 3 đội bóng này đều không sở hữu một phòng truyền thống đầy ắp danh hiệu.
Man City là đội áo xanh thứ 3 liên tiếp vô địch Anh, sau Chelsea và Leicester. |
Trong lịch sử 126 năm của giải đấu hàng đầu bóng đá Anh, quá khứ của họ không có gì đáng để tự hào, và nếu đặt cạnh MU, Liverpool hay Arsenal, những gã khổng lồ đã 20, 18 và 13 lần vô địch, chỉ là kẻ tý hon.
Suốt một thời gian dài, xứ sương mù được phủ bởi màu đỏ, của MU, của Liverpool và Arsenal. Theo nghiên cứu khoa học được công bố cách đây 10 năm của Russell Hill và Robert Barton thuộc ĐH Durham, những đội mặc áo đỏ có tỷ lệ chiến thắng cao hơn, thường xuyên hơn các màu áo khác. Việc 3 đội bóng trên thống trị bóng đá Anh cũng được hai nhà nghiên cứu này lấy làm minh chứng.
Kết luận cuối cùng được đưa ra, màu đỏ có tác động đến tâm lý cũng như hiệu suất của các cầu thủ. Và vì nó gắn liền với thành công, được coi là màu sắc của tham vọng, sự mạnh mẽ và đại diện cho tính truyền thống.
Màu đỏ của MU, hay Liverpool và Arsenal, đã bị hạ bệ |
Tuy nhiên, người ta thường nói, không có bất cứ điều gì bền vững, đặc biệt trong bóng đá. Hơn một thập kỷ qua, các tỷ phú giàu có lấn sân sang bóng đá và thay đổi cách thức làm bóng đá. Đại diện tiêu biểu là Roman Abramovich, Seikh Mansour, Vichai Srivaddhanaprabha. Trong một sự trùng hợp ngẫu nhiên, tất cả đều mặc áo xanh.
Cuộc chiến giữa giá trị truyền thống và sức mạnh đồng tiền, giữa quá khứ và hiện tại, giữa tầng lớp thống trị cũ và những kẻ nổi dậy mới, giữa màu đỏ và màu xanh đã diễn ra. Cho đến nay, tuy còn quá sớm để nói rằng cuộc chơi đã ngã ngũ, nhưng tạm thời phần thắng nghiêng về phía áo xanh.
Trước sự phát triển ồ ạt và không ngừng làm mới mình của các thế lực mới nổi, giới quý tộc dường như ngộp thở. Và trong trường hợp này, quá khứ vẻ vang bỗng trở thành gánh nặng. MU, Liverpool và Arsenal tuyệt vọng để phù hợp với lịch sử hào hùng của họ.
Màu xanh Man City không chỉ phủ lên Manchester, mà còn cả xứ sương mù. |
Còn Chelsea, rồi Leicester và Man City được cám dỗ bởi viễn cảnh làm nên lịch sử cho riêng mình. Tất cả không chiến đấu vì quá khứ, mà vì tương lai. Mỗi khi rơi vào nghịch cảnh, thay vì bấu víu vào các giá trị xưa cũ để tự trấn an, như người ta nói thường là “ăn mày dĩ vãng”, họ hướng về phía trước để tìm kiếm động lực.
Nếu màu đỏ từng là biểu tượng của tham vọng thì màu xanh bây giờ đại diện cho hy vọng và tương lai. Đồng thời, màu xanh còn là sự dũng cảm của những kẻ dám đột phá vào quá khứ trì trệ vào bảo thủ, sau đó bước ra với tư thế của người chiến thắng.
Một cái gì đó đang thay đổi và lịch sử chuẩn bị sang trang.
Leicester 2016, Chelsea 2017 và Man City 2018, 3 nhà vô địch Premier League gần nhất đều mặc áo xanh, màu của tương lai và hy vọng . |