Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lịch sử dân tộc đã sinh ra người con ưu tú

Trải từ thế hệ này qua thế hệ khác, ta từng nghe những tấm gương như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đỗ đạt cao, giỏi giang trị quốc bình thiên hạ, vì dân, vì nước, tấm lòng trong sạch. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đủ các khí tiết đó của bậc tiền nhân.

[...]

Cách đây 62 năm, khi miền Bắc vừa được lập lại hòa bình sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền, dưới mái đình thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội), có một lớp học 33 em ngồi trong một căn phòng tềnh toàng, gió thốc tứ bề vì không có cửa, bàn ghế cọc cạch, chân thấp chân cao…

Trong lớp học đó, có một cậu học trò bé nhất lớp, để tóc mái chéo, hơi hoe vàng, nước da trắng xanh, không kể đông hay hè chỉ mặc mỗi một bộ quần áo nâu, đi chân đất - đó chính là Tổng bí thư, Chủ tịch nước(*) Nguyễn Phú Trọng đáng kính của chúng ta ngày nay.

Nhà giáo Đặng Thị Phúc, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ngày ấy, nhớ lại: “Giữa đám học trò lam lũ ấy, tôi có ấn tượng nhất với Nguyễn Phú Trọng bởi trò ấy nhỏ tuổi nhất nhưng lại học giỏi nhất lớp. Trong lớp, cậu rất thông minh, giơ tay phát biểu rất hăng say, chữ viết tròn và đẹp. Cuối năm học, vì trò Trọng là học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, đứng vị trí thứ nhất nên được báo cáo điển hình trước toàn trường...”.

Không chỉ bộc lộ tư chất của một cậu học trò nghèo, thông minh từ nhỏ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước còn là một người sống chí tình, chí nghĩa, thủy chung với bạn bè.

Lá thư của liệt sĩ Doãn Duy Lực gửi cho Nguyễn Phú Trọng đề ngày 08/6/1964 hiện còn lưu giữ tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), nơi Tổng bí thư, Chủ tịch nước từng theo học, đã nói lên tất cả điều đó: “… Lực và Trọng đã sống với nhau trong những năm qua, những ngày ấy đáng nhớ lắm vì nó là kết tinh của một tình bạn chân thật…”.

Ở cơ quan Tạp chí Cộng sản, nơi Tổng bí thư, Chủ tịch nước từng gắn bó với vai trò Tổng biên tập còn lưu mãi hình ảnh ông là một người tận tâm với công việc, nghiêm khắc trong nghề nghiệp, sống có lý tưởng. “Là người từng nhiều năm được làm việc dưới quyền ông, được ông dìu dắt, chỉ bảo, chúng tôi học được rất nhiều ở ông tính chuyên cần, cẩn trọng, cần kiệm.

Ông là mẫu người “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như Bác Hồ từng dạy” - Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Nhị Lê nhận xét. Người có học bao giờ cũng trọng danh dự và xa lánh mọi ham hố vật chất, sự ích kỷ tầm thường chỉ biết lo vun vén quyền lợi cho cá nhân.

Những năm gần đây, báo chí nói nhiều về nạn tham nhũng, về việc quan chức có quyền lực cất nhắc con cái, bố trí người thân vào những vị trí này nọ, mỗi lần gia đình có hỷ sự, lợi dụng chức vụ tổ chức tiệc tùng để kiếm chác... Nhưng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì không. Dù đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng từ việc lớn đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn hay giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn để mưu lợi cho mình, cho người thân.

Nguyen Phu Trong anh 1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thuận Thắng.

Đám cưới con gái, Tổng bí thư, Chủ tịch nước không tổ chức rình rang mà chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình và sau đó gửi thiệp báo hỷ cho bạn tri kỷ biết để chung vui. Về thăm lại trường cũ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước từ chối để nhà trường bố trí xe ôtô đưa đón mà tự mình đi bằng xe máy đến.

Gặp lại đồng môn từ phổ thông đến đại học, Tổng bí thư, Chủ tịch nước luôn khiêm nhường, hòa đồng với mọi người. Ông nói chức tước như phù vân, tình thầy trò, bè bạn còn mãi với nhau. “Khi chụp ảnh kỷ niệm lớp, anh vẫn nhường cho người cao tuổi ngồi trên. Lúc thư nhàn, anh vẫn về thăm những thầy cô giáo với lòng kính trọng, biết ơn chân thành” - Nhà báo Dương Đức Quảng, người cùng học Khoa Ngữ văn khóa 8 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với Tổng bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ.

Người xưa nói về khí tiết của kẻ sĩ cao lồng lộng: “Phú quý bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất”. Phú quý không làm mê hoặc được, nghèo khó cũng không làm thay đổi được chí hướng, không một thế lực nào khiến họ chịu cúi đầu phục tùng. Thứ duy nhất mà họ theo đuổi và tôn thờ đến khi nhắm mắt xuôi tay là lý tưởng phụng sự Tổ quốc, phục vụ dân tộc mình.

Lật giở từng trang lịch sử nhà nước, thời nào cũng có kẻ sĩ đẹp lung linh, nhất là về tài năng và nhân cách. Kẻ sĩ ấy là những hiền tài, hào kiệt, bậc thầy, là tấm gương đạo đức, bản lĩnh, chí khí, tinh thần. Trải từ thế hệ này qua thế hệ khác, ta từng nghe ông cha truyền lại những tấm gương như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ… đỗ đạt cao, giỏi giang trị quốc bình thiên hạ, vì dân, vì nước, tấm lòng trong sạch. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đủ các khí tiết đó của bậc tiền nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, Đại hội XII đã sáng suốt lựa chọn ra được một Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đủ tài năng và đức độ để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn nhiều thời cơ, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn, gọi ông là bậc nhân kiệt xuất hiện theo mệnh trời để yên dân, giữ nước. Cống hiến đã lớn, hào quang đã đủ! Lẽ ra ở tuổi thất thập niên, ông có quyền buông rèm hồi ký. Nhưng vận nước cần, ông lại xuất thế với phẩm chất của bậc sĩ phu - hào kiệt.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là “công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định.

Đầu năm 2018, khi nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu khiêm nhường: “Suốt 50 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi đã được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà có làm được một số việc và từng bước trưởng thành.

Tuy nhiên, tất cả những gì tôi làm được là vô cùng nhỏ bé so với sự giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đi trước; sự ủng hộ, cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những nơi tôi từng sinh sống, công tác, học tập, làm việc”.

[...]

(*) Bài viết được công bố ngày 6/3/2019

MINH TRUNG

Minh Trung / Báo Nhân dân tuyển chọn - NXB Chính trị quốc gia Sự thật

SÁCH HAY