Reuters dẫn nội dung báo cáo trên cho biết nhờ mạng lưới các công ty nước ngoài phức tạp, Triều Tiên có thể tiếp tục từng bước truy cập vào hệ thống ngân hàng quốc tế.
Triều Tiên đang chịu lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc được thành lập để điều tra làm rõ những hành vi vi phạm lệnh trừng phạt và soạn dự thảo báo cáo dài hơn 100 trang về nội dung này.
“Các cơ quan và ngân hàng được (Triều Tiên) lựa chọn tiếp tục hoạt động trong lúc bị trừng phạt nhờ sử dụng những đối tượng giàu kinh nghiệm và được đào tạo kỹ lưỡng trong việc chuyển tiền, con người, hàng hóa, bao gồm cả vũ khí và các trang thiết bị liên quan, qua biên giới”, báo cáo cho biết.
Bản tin thời sự Hàn Quốc về vụ Triều Tiên phóng tên lửa ngày 10/3/2016. Ảnh: AP. |
Cũng theo báo cáo này, các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc cần “tăng cường nâng cao cảnh giác” trước những nhà ngoại giao Triều Tiên, những người có liên quan đến các hoạt động thương mại. Một vài trong số này có thể hỗ trợ tài chính cho những mạng lưới phi pháp.
Báo cáo nhận định Triều Tiên “bất chấp các lệnh trừng phạt bằng việc tiếp tục buôn bán mặt hàng cấm với những biện pháp ngày càng tăng về quy mô, phạm vi và mức độ tinh vi”.
Vụ việc ngặn chặn Triều Tiên chuyển thiết bị truyền thông tin liên lạc của quân đội nước này cho Eritrea vào tháng 7 năm ngoái (chưa từng được tiết lộ) cũng được báo cáo sử dụng làm dẫn chứng.
Đây là lần thứ hai Triều Tiên bị ngăn chặn vì chuyển các thiết bị thông tin liên lạc cho Eritrea. Báo cáo nhận định thương vụ này chứng tỏ vẫn còn tồn tại mối quan hệ thương mại vũ khí giữa hai quốc gia.
Bản báo cáo xác thực thông tin về hai công ty thương mại của Triều Tiên được cho là có mối liên hệ với các tổ chức thuộc diện áp dụng lệnh trừng phạt, gồm Tổng cục Tình báo của Triều Tiên. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra hành vi sử dụng hệ thống tài chính để chi trả cho những lĩnh vực bị trừng phạt.
Xe chở than đá từ Triều Tiên sang Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
“Đằng sau những hoạt động phi pháp là việc truy cập vào hệ thống ngân hàng quốc tế của Triều Tiên”, báo cáo cho hay.
“Mặc dù bị siết chặt các lệnh trừng phạt tài chính vào năm 2016, Triều Tiên vẫn tiếp tục thích nghi với hoàn cảnh bằng cách khéo léo tiếp cận các kênh ngân hàng chính thống”, báo cáo nói.
Trong trường hợp việc truy cập này bị hạn chế, các điệp viên Triều Tiên sẽ sử dụng lượng lớn tiền mặt và vàng để đánh lạc hướng hệ thống tài chính và sử dụng các công dân Triều Tiên ở nước ngoài làm trung gian.
Báo cáo cũng cho biết Triều Tiên tiếp tục xuất khẩu các khoáng sản bị cấm, nguồn tài chính quan trọng cho hoạt động phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, bất chấp lệnh cấm.
Trung Quốc mới đây tuyên bố đình chỉ các hoạt động nhập khẩu than đá từ Triều Tiên cho đến cuối năm nay. Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên, tuy không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc nhưng ngầm ý chỉ trích quốc gia này sau khi lệnh cấm được ban hành.
Báo cáo đánh giá việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên “vẫn chưa đầy đủ và tương xứng", đồng thời kêu gọi bổ sung thêm các biện pháp mới nhằm giải quyết vấn đề này.