“Triều Tiên vẫn chưa ngừng các chương trình tên lửa và hạt nhân, tiếp tục coi thường nghị quyết của Hội đồng Bảo an thông qua việc gia tăng các hoạt động vận chuyển dầu và than trái phép trên biển trong năm 2018”, Reuters trích báo cáo đệ trình lên Liên Hợp Quốc ngày 3/8.
AFP cũng đưa tin hoạt động vận chuyển dầu giữa các tàu trên biển là “cách thức chính để Triều Tiên tránh cấm vận”. Theo báo cáo, hoạt động chuyển dầu trái phép có sự tham gia của 40 tàu và 130 công ty liên doanh.
Theo AP, "các thủ đoạn lách cấm vận ngày càng tinh vi", bao gồm việc tắt hệ thống nhận diện tự động trong khi quy định quốc tế bắt buộc hệ thống này luôn phải bật. Tàu Triều Tiên còn ngụy trang, sử dụng tàu thuyền nhỏ không đăng ký, đổi tên trái phép và thực hiện chuyển giao hàng vào ban đêm.
Hình ảnh vệ tinh do Mỹ công bố cho thấy hoạt động chuyển dầu trái phép giữa tàu Triều Tiên và một tàu khác vào năm 2017. Ảnh: New York Times. |
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Triều Tiên tìm cách cung cấp vũ khí cùng các thiết bị quân sự qua môi giới trung gian tới Libya, Yemen và Sudan. Cái tên được nhắc đến là trùm buôn lậu vũ khí Hussein Al-Ali đã giúp cung cấp “hàng loạt vũ khí thông thường, và cả tên lửa đạn đạo do Triều Tiên sản xuất tới các nhóm vũ trang tại Yemen và Libya”.
Ngoài ra, Triều Tiên vẫn đang tiếp tục hợp tác quân sự với Syria, bất chấp lệnh cấm vận.
Về các lệnh trừng phạt về tài chính, báo cáo này nhận định đây là một trong những biện pháp kém hiệu quả nhất. Các nhà ngoại giao Triều Tiên "đóng vai trò quan trọng trong việc lách lệnh trừng phạt” nhờ nắm giữ tài khoản ngân hàng tại nhiều quốc gia.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đề xuất Hội đồng Bảo an thảo luận về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6.
Tại cuộc gặp với Mỹ, phía Triều Tiên không đưa ra chi tiết cụ thể về kế hoạch thực hiện cam kết. Trong khi đó, giới quan sát nhận xét Bình Nhưỡng có thể sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà quốc gia này đã xây dựng trong nhiều năm.
Tháng trước, Mỹ tố Triều Tiên nhập khẩu quá mức hạn ngạch cho phép là 500.000 thùng dầu/năm và yêu cầu Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên nhập khẩu mọi loại sản phẩm dầu. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu hoãn đề xuất này 6 tháng.