Điều đáng nói là, bên cạnh hàng loạt sản phẩm đã từng sản xuất tại Việt Nam, như tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ…, lần này LG sẽ sản xuất thêm một số sản phẩm mới, như thiết bị điện tử dùng cho ô tô, đặc biệt là điện thoại di động thông minh (smartphone).
Chưa biết tập đoàn này sẽ chi bao nhiêu cho phần đầu tư sản xuất smartphone và bao giờ thì bắt đầu, vì theo kế hoạch, LG sẽ đầu tư ngân khoản 1,5 tỷ USD theo 2 giai đoạn, trong vòng 10 năm, trong đó giai đoạn I kéo dài 4 năm, vốn đầu tư 510 triệu USD. Tuy nhiên, quy mô có lẽ không lớn, bởi công suất dự kiến của mảng sản xuất này, theo Giấy chứng nhận đầu tư, chỉ là 600.000 sản phẩm/năm.
Samsung Electronics Việt Nam ở Bắc Ninh hiện là nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn nhất tại Việt Nam. |
Để tiện so sánh, thì công suất của Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh vào khoảng 120 triệu sản phẩm/năm. Còn của nhà máy của Nokia, theo công bố ngay từ ban đầu, dự kiến khi đi vào hoạt động ổn định có công suất 45 triệu sản phẩm/quý, tương đương 180 triệu sản phẩm/năm.
Chính thức khởi công từ hồi tháng 4 năm ngoái, với vốn đăng ký 302 triệu USD, Nokia đã đưa nhà máy tại Bắc Ninh đi vào hoạt động vào giữa năm nay, nhưng một cách khá lặng lẽ. Vào thời điểm đầu tháng 6/2013, ông Ivan Herd, Giám đốc Nhà máy Nokia Việt Nam cho biết, khi việc thi công xây dựng phần còn lại của nhà máy dự kiến được hoàn tất trong tháng 8 hoặc tháng 9/2013, Nokia sẽ chính thức khánh thành nhà máy.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, chưa có bất cứ thông tin liên quan đến việc khánh thành Nhà máy Nokia Việt Nam. Có vẻ, kế hoạch tháng 9 đã bị đẩy lùi, giống như hồi tháng 6, cũng đã một lần phải thay đổi.
Có đồn đoán cho rằng, việc Nokia chưa thể tổ chức một buổi lễ hoành tráng theo kế hoạch đã định có liên quan đến việc mới đây, tập đoàn Nokia đã quyết định bán bộ phận thiết bị cho Misrosoft với giá 7,2 tỷ USD. Thương vụ này nghe nói phải tới năm 2014 mới hoàn tất, nhưng rất có thể, vẫn ảnh hưởng đến số phận Nhà máy Nokia ở Bắc Ninh. Có thể giờ đây, các kế hoạch ở Việt Nam của Nokia cũng đã cần cái gật đầu của Microsoft.
Trong khi đó, SEV gần như đã hoàn tất việc giải ngân 1,5 tỷ USD khoản đầu tư của giai đoạn I và II, để bắt tay vào giai đoạn III, vốn đầu tư 1 tỷ USD. Còn Samsung Electronics Thái Nguyên (SEVT) vẫn đang trong quá trình gấp rút xây dựng và nhiều khả năng, sẽ không đạt kế hoạch đề ra ngay từ ban đầu: đưa nhà máy vào sản xuất cuối năm 2013. Kế hoạch này, theo thông tin từ UBND tỉnh Thái Nguyên, có thể sẽ chỉ được thực hiện vào quý I năm sau.
Dù vậy, có thể khẳng định, tốc độ xây dựng và phát triển các dự án sản xuất điện thoại di động của Samsung là rất nhanh, thậm chí là nhanh nhất trong số các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn ở Việt Nam. Chưa kể, dự án này chưa xong, Samsung đã gối đầu 1 dự án sản xuất vi mạch và thiết bị cho điện thoại di động, 1,2 tỷ USD. Khi SEVT đi vào hoạt động, Samsung sẽ nâng gấp đôi công suất điện thoại di động tại Việt Nam, lên 240 triệu sản phẩm/năm.
Như vậy, cả ba đại gia của làng điện thoại di động thế giới đang có mặt ở Việt Nam. Một cuộc chiến thuộc diện “sát phạt” sẽ khó diễn ra, bởi thực tế, các nhà sản xuất này tuy đặt nhà máy ở Việt Nam, song sản phẩm làm ra chủ yếu để xuất khẩu. Hơn nữa, quy mô thị trường Việt Nam còn quá nhỏ. Tuy nhiên, cuộc đua tam mã là điều khó tránh.
Đáng lẽ, sẽ là cuộc đua giữa 4 ông lớn, nếu như Dự án Nhà máy Sản xuất điện thoại di động, 200 triệu USD, của Tập đoàn Foxconn (đài Loan) được triển khai đúng kế hoạch: đi vào hoạt động đầu năm 2009. đây là nhà sản xuất chuyên lắp ráp điện thoại di động cho Apple - đối thủ lớn nhất của Samsung hiện nay. Tuy nhiên, vì dự án của Foxconn gần như đã phá sản, bởi sau 5 năm, vẫn còn là một bãi đất trống, nên trước mắt, vẫn chỉ là một cuộc đua tam mã.
Trong cuộc chiến này, Samsung có vẻ đang giành lợi thế hơn hẳn, với hai nhà máy có vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, công suất lớn và tiến độ xây dựng cũng rất nhanh. Trong khi đó, LG, không chỉ là quy mô nhỏ, mà nếu như nhà máy sản xuất điện thoại di động được lựa chọn đầu tư đầu tiên, thì cũng phải ít nhất hai năm nữa, tập đoàn này mới có sản phẩm điện thoại “made in Vietnam”.
Còn Nokia, vấn đề cũng không chỉ nằm ở câu hỏi số phận sẽ ra sao sau khi về tay Microsoft, mà còn vì trong thời điểm hiện tại, nhà sản xuất điện thoại di động lừng lẫy một thời này sẽ chỉ sản xuất dòng điện thoại cơ bản ở Việt Nam. Việc có sản xuất smartphone hay không là “hậu xét”.
Tất nhiên, ở Việt Nam, còn có các nhà sản xuất điện thoại trong nước, như Viettel, FPT, Q-Mobile…, nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Sẽ là khập khiễng khi so sánh các đại gia Việt với những tên tuổi lừng lẫy trên toàn cầu.