Sở hữu công nghệ sản xuất TV OLED tốt nhất thế giới, LG tạo nên những trải nghiệm giải trí tại gia trọn vẹn, thỏa mãn nhu cầu của người dùng.
“Vì sao LG là hãng duy nhất sản xuất TV OLED?”, trong một lần lướt phần hỏi đáp của Quora, tôi đọc được câu hỏi này. Dù trên thế giới có nhiều hãng đang sản xuất TV LCD/LED, LG cũng là cái tên nổi bật với thị phần đáng kể, thế nhưng thị trường màn hình OLED cỡ lớn cho TV và màn trình chiếu gần như chỉ thuộc về hãng điện tử Hàn Quốc này.
Thực tế, không phải lúc nào LG cũng là kẻ độc bước. Từng có nhiều hãng điện tử cũng nghiên cứu và phát triển công nghệ OLED, nhưng tất cả sớm từ bỏ trước khi đạt được thành tựu. Chính sự kiên trì của LG giúp công ty vượt qua nhiều thách thức để mang lại công nghệ hiển thị vượt trội cho khách hàng.
Giống nhiều câu chuyện công nghệ khác, LG không phải hãng đầu tiên tạo ra công nghệ OLED. Những màn hình sử dụng diode phát sáng hữu cơ này ra đời năm 1987, nhưng ban đầu được trang bị cho các máy ảnh kỹ thuật số. Phải tới gần 2 thập kỷ sau, vào năm 2004, những thế hệ TV OLED đầu tiên mới ra đời. Các hãng điện tử Nhật Bản thử nghiệm công nghệ hiển thị được cho là vượt trội so với màn hình tinh thể lỏng lúc đó, với hy vọng mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn.
Tuy nhiên, công nghệ OLED của những năm đầu thế kỷ 21 chưa thể thương mại hóa. Giá thành lúc đó quá cao, khi màn hình 11 inch có giá 2.500 USD, tương đương một mẫu TV cỡ lớn.
Đến năm 2010, LG ra đời màn hình OLED đầu tiên của hãng, chính thức gia nhập cuộc đua công nghệ. Mẫu TV 15 inch lúc đó có độ mỏng ấn tượng cùng khả năng hiển thị màu sắc khiến nhiều chuyên gia kinh ngạc. Đó là thời điểm thị trường nhận ra tiềm năng của công nghệ OLED, dù còn nhiều rào cản như giá thành.
Năm 2012, LG ra mắt mẫu TV OLED đạt kích thước 55 inch. Vài tháng sau, tháng 2/2013, mẫu TV này được đưa ra thị trường. LG trở thành thương hiệu đầu tiên bán TV OLED kích thước lớn.
Mẫu TV OLED của LG được các chuyên trang về nghe nhìn đánh giá cao. “Nếu đây là thứ chúng ta có thể chờ đợi từ TV OLED trong tương lai, chúng tôi thực sự háo hức”, trang WhatHiFi bình luận. Còn Cnet nhận xét kỹ hơn về thiết kế của mẫu TV này: "Bên cạnh chất lượng hình ảnh xuất sắc, người mua sớm còn sở hữu mẫu TV có thiết kế ấn tượng khi đặt trong phòng khách”.
Tuy nhiên, giá bán là lý do TV OLED khó tiếp cận. Theo báo cáo của DisplaySearch, giá thành của màn hình OLED 55 inch năm 2012 cao gấp 8 lần màn hình LCD. Lý do màn hình OLED có giá cao nằm ở công nghệ sản xuất. Quy trình sản xuất phức tạp hơn, công nghệ mới hơn khiến tỷ lệ sản xuất thành công của OLED luôn ở mức thấp.
Năm 2015, tỷ lệ sản xuất thành công tấm nền OLED vẫn ở mức 80%, tức cứ 10 màn hình sản xuất sẽ có 2 chiếc không đủ tiêu chuẩn bán ra cho khách hàng. Nhiều hãng cố gắng cải thiện quy trình để nâng tỷ lệ, nhưng đó thực sự là một thách thức về mặt công nghệ.
Đến năm 2017, hầu hết hãng TV đã từ bỏ. Cuộc đua OLED chứng kiến nhiều doanh nghiệp tên tuổi của Nhật Bản, Hàn Quốc đến rồi đi.
LG không làm như vậy. Hãng liên tục tìm cách cải tiến sản xuất để nâng cao hiệu suất. Nhờ sự kiên trì cùng đầu tư công nghệ, LG trở thành công ty duy nhất có thể sản xuất màn hình OLED cỡ lớn vào năm 2017. Không dừng lại ở OLED 4K, 3 năm sau đó, mẫu TV LG OLED 8K có kích thước 88 inch ra đời. Tất cả thành tựu này là điều chưa hãng công nghệ nào làm được ở thời điểm đó.
Nhờ nỗ lực hiện thực hóa tiềm năng OLED của LG, giá thành nhiều dòng sản phẩm TV OLED được kéo xuống mức hợp lý, cho phép người dùng dễ dàng tiếp cận công nghệ này. Đơn cử, LG OLED A1 và B1 có giá tương đương một số mẫu TV LCD/LED trên thị trường.
Để giải thích vì sao LG kiên nhẫn với công nghệ OLED đến vậy, có lẽ chỉ cần một yếu tố duy nhất: Chất lượng hình ảnh.
Trên màn hình LCD/LED, ánh sáng được phát từ tấm nền đi qua loạt lớp lọc, sau đó là lớp tinh thể lỏng để tạo nên màu sắc. Trong khi đó, màn hình OLED được tạo nên từ các điểm ảnh riêng biệt, mỗi điểm là một diode hữu cơ phát sáng mà không cần đèn nền. Nhờ đó, màn hình OLED đem lại 2 cải thiện quan trọng ở chất lượng TV so với màn hình LCD, là khả năng hiển thị màu đen và các màu sắc khác.
Do các điểm ảnh có thể điều khiển tắt đi hoàn toàn bằng dòng điện, màu đen trên TV OLED của LG gần như tuyệt đối. Những màn hình LCD/LED, dù dùng công nghệ hiển thị tốt nhất vẫn không thể đạt đến màu đen như vậy.
“Sự khác biệt càng rõ rệt với các nội dung tối màu. Phim ảnh được hiển thị trên nền đen hoàn hảo, không phải màu xám như các loại LCD”, website nổi tiếng về công nghệ màn hình DisplayMate nhận xét về TV OLED của LG.
Màu đen chân thực là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng khả năng hiển thị tất cả màu sắc khác. Do màu đen gần như tuyệt đối, độ tương phản của LG OLED TV cũng rất cao, đem lại hình ảnh và màu sắc ấn tượng, sự khác biệt giữa những mảng sáng tối rất rõ rệt.
Tuy nhiên, công nghệ phải được cải tiến liên tục. LG cũng không dừng lại ở những màn hình OLED hiện tại. Thế hệ OLED mới nhất mang tên evo vừa được hãng ra mắt hứa hẹn nâng chất lượng hiển thị cao hơn.
Tấm nền OLED evo được tinh chỉnh để đem lại độ sáng cao hơn cùng độ chi tiết, độ trong hình ảnh được cải thiện. Tất cả mang lại khung hình sáng, nổi bật và sắc nét hơn. Theo LG, các tấm nền OLED evo có thể đạt độ sáng tối đa cao hơn 20% so với tấm nền OLED thế hệ trước. Đây là con số ấn tượng, cho phép những mẫu TV OLED evo hiển thị nội dung HDR tốt hơn.
Chất lượng của tấm nền OLED evo cũng được khẳng định qua bài đánh giá của tổ chức kiểm định quốc tế Intertek. Bằng cách đo 125 màu và so sánh độ lệch giữa màu gốc và màu hiển thị thực tế trên màn hình, Intertek kết luận màn hình OLED evo trên TV LG G1 hiển thị màu sắc chính xác 100%.
“LG G1 OLED có khả năng hiển thị hình ảnh HDR tốt hơn hẳn so với các mẫu LG OLED trước đó”, TechRadar nhận xét về mẫu TV LG mới nhất sử dụng tấm nền OLED evo.
Để đạt được sự khác biệt rõ rệt so với thế hệ trước không chỉ cần tấm nền mới, LG còn trang bị cho dòng OLED TV 2021 vi xử lý Alpha9 thế hệ thứ 4, với khả năng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu từng nội dung. Nhờ vi xử lý mới, cả trải nghiệm nghe và nhìn của người dùng đều trở nên trọn vẹn hơn.
Không chỉ tiên phong hiện thực hóa tiềm năng của công nghệ OLED, LG cũng hiểu rõ người dùng ngày nay cần nhiều hơn là hình ảnh xuất sắc trên TV. Đó là lý do LG ngày càng tích hợp nhiều tính năng hơn cho những dòng TV mới của mình.
Đầu tiên, TV không chỉ là thiết bị giải trí đơn thuần. Với nhiều căn hộ cao cấp, TV còn đóng vai trò là nội thất trang trí cho ngôi nhà. Ngoài thiết kế siêu mỏng nhờ tấm nền OLED, thế hệ TV mới của hãng còn có chế độ triển lãm nghệ thuật, biến TV thành bức tranh khi không dùng đến. LG cũng cung cấp chân đế cho phép đặt chiếc OLED TV ở bất kỳ vị trí nào trong nhà.
Để biến TV OLED evo trở thành thiết bị hoàn hảo cho trải nghiệm phim ảnh, LG tích hợp những công nghệ hình ảnh và âm thanh mới nhất. Điển hình, công nghệ Dolby Vision IQ giúp những thước phim hiện lên đầy đủ theo đúng ý đồ của đạo diễn và Dolby Atmos tạo âm thanh vòm sống động như ngoài đời thực.
Nhu cầu giải trí của người dùng không dừng lại ở phim ảnh, mà ngày càng đa dạng, đặc biệt là chơi game. Nhờ khả năng tương thích tốt, TV LG OLED tối ưu trải nghiệm game dù người dùng sử dụng game console hay máy tính.
Khi chơi game, yêu cầu của người chơi thể loại thể thao khác hẳn FPS. Chiếc TV LG OLED hiểu được điều này và có thể điều chỉnh hình ảnh tương thích từng thể loại game. Trong game hành động, hình ảnh có thể tự điều chỉnh sáng hơn để người chơi nhìn thấy mục tiêu đang ẩn nấp. Khi chuyển sang game RTS, các chi tiết hình ảnh được làm rõ nét hơn để người chơi có thể dễ dàng “điều quân”.
Đồng thời, với độ trễ đầu vào thấp 1 ms, chuẩn HDMI 2.1 cùng các tương thích G-Sync, FreeSync và VRR giảm hiện tượng xé hình, TV LG OLED evo có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của game thủ chuyên nghiệp. Sự thông minh và thấu hiểu người dùng giúp TV LG OLED mang lại trải nghiệm chơi game tối ưu.
Để phục vụ các tín đồ đam mê thể thao, LG cũng trang bị nhiều tính năng nhằm mang lại trận đấu hấp dẫn nhất. Chế độ OLED Motion Pro giúp giảm mờ chuyển động, cho hình ảnh rõ ràng với nhiệt độ màu cao.
Hãng công nghệ Hàn Quốc cũng biết cách để những chiếc smartphone “nói chuyện” với TV dễ dàng hơn. Cảm biến NFC trên điều khiển Magic Remote mới giúp người dùng kết nối điện thoại với TV bằng một cú chạm nhẹ mà không cần di chuyển đến TV. Việc chia sẻ hình ảnh, video lên TV dễ dàng hơn với tính năng này.
Magic Remote là cải tiến dễ thấy nhất của dòng sản phẩm LG OLED 2021. Vẫn mang đủ tính năng của điều khiển cũ, Magic Remote mới bổ sung nút gọi trí tuệ nhân tạo ngay giữa. Nhờ đó, người dùng có thể sử dụng Magic Remote để ra lệnh cho TV hoặc nhiều thiết bị khác trong nhà.
Ngày nay, chiếc TV đóng vai trò quan trọng trong ngôi nhà. Không đơn thuần là thiết bị hiển thị, TV còn nâng tầm từng trải nghiệm, giúp người dùng cảm thấy được thỏa mãn mỗi lần sử dụng. TV trở thành một trong những thiết bị phản ánh các nhu cầu cá nhân của từng khách hàng.
Với thế hệ OLED TV 2021, LG cho thấy hãng đang biết cách đáp ứng những nhu cầu của người dùng. Đảm bảo khả năng hiển thị tốt nhất, vận dụng công nghệ để mang lại trải nghiệm “thương gia”, hãng công nghệ Hàn Quốc đang từng bước thay đổi cách mà chúng ta nhìn nhận và sử dụng TV.
Bình luận