Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lênh đênh số phận các thương hiệu điện thoại Việt

Cùng ồ ạt xuất hiện trên thị trường, nhưng ngoài một hai thương hiệu đã phần nào tạo được dấu ấn và được người tiêu dùng chú ý, những gương mặt điện thoại Việt khác vẫn đang loay hoay, chập chững tìm lối đi.

Lênh đênh số phận các thương hiệu điện thoại Việt

Cùng ồ ạt xuất hiện trên thị trường, nhưng ngoài một hai thương hiệu đã phần nào tạo được dấu ấn và được người tiêu dùng chú ý, những gương mặt điện thoại Việt khác vẫn đang loay hoay, chập chững tìm lối đi.

Tính sơ sơ, trên thị trường điện thoại di động hiện nay có ít nhất 6 thương hiệu gắn mác điện thoại Việt, trong đó cuối năm 2010, đầu 2011 là thời điểm nở rộ của những thương hiệu mới, với sự xuất hiện của những cái tên như Bluefone, Hi-Mobile, Avio, Hanel-Mobile, bên cạnh F-Mobile và Q-Mobile.

Được gọi là điện thoại thương hiệu Việt bởi những mẫu di động này do các công ty trong nước phân phối và được đóng logo thương hiệu. Tuy nhiên, về thiết kế, các mẫu điện thoại Việt gần như "bắt chước" model của các hãng lớn như Nokia, Samsung, LG, thậm chí BlackBerry của RIM. Điều khác biệt và được người dùng trong nước quan tâm ở những mẫu máy này, đó là hầu hết chúng đều được tích hợp công nghệ hai SIM, hai sóng online thường thấy trên điện thoại "made in China". Ngoài ra, giá thành tương đối rẻ với rất nhiều mức giá từ 500.000 đồng đến trên dưới 2 triệu đồng cũng thu hút người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, việc tìm được chỗ đứng trên thị trường hiện nay đối với các thương hiệu điện thoại Việt là không hề dễ dàng. Qua khảo sát tình hình kinh doanh thực tế tại các cửa hàng, chỉ một hai thương hiệu thực sự được người tiêu dùng chú ý, còn lại vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.

Trong số các thương hiệu điện thoại Việt trên thị trường, F-Mobile có vẻ như là dòng điện thoại có kết quả kinh doanh khả quan nhất tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, nơi tập trung đông sinh viên - khách hàng chính của thương hiệu này, trong khi Q-Mobile lại thành công ở các tỉnh lẻ. Điện thoại Avio của VinaPhone với giá thành rẻ cùng gói cước hấp dẫn, với những model hướng đến đối tượng người già cũng bán khá chạy.

Lênh đênh số phận các thương hiệu điện thoại Việt
F-Mobile được khá nhiều sinh viên lựa chọn.

Tại siêu thị Thế giới di dộng trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) hiện chỉ bán hai thương hiệu điện thoại Việt là F-Mobile và Bluefone. Nếu như điện thoại F-mobile có nhiều model, mẫu mã thì điện thoại Bluefone chỉ nằm khiêm tốn ở một góc tủ trưng bày với 3-4 model.

Theo chị Lan, quản lý cửa hàng, mặc dù hiện tại không có chương trình khuyến mại nào nhưng điện thoại F-Mobile cũng bán tương đối chạy. Trung bình một ngày cửa hàng bán được khoảng 10 máy. Trong khi đó, điện thoại Bluefone mới xuất hiện cách đây khoảng một tháng nên không có người mua. Nguyên nhân, theo người quản lý cửa hàng, là bởi hãng này chưa khẳng định được thương hiệu.

Cầm trên tay hai chiếc F-Mobile B450 (giá 990.000 đồng) và B620 (giá 1.150.000 đồng), Long - sinh viên trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội đã quyết định mua B620 bởi mẫu máy này có kiểu dáng khỏe khoắn, nam tính và chắc chắn. Trong khi, dù có giá rẻ hơn một chút nhưng B450 lại khá nhẹ, cầm có cảm giác hẫng tay, phím lên xuống lại khó bấm.

Lênh đênh số phận các thương hiệu điện thoại Việt
Cùng với F-Mobile, Q-Mobile đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường điện thoại trong nước.

Có mặt trên thị trường cũng đã khá lâu, điện thoại Q-Mobile tuy bán khá chậm tại thị trường Hà Nội, nhưng ở thị trường các tỉnh lại thực sự lên ngôi. Đơn cử như tại Thanh Hóa, có hàng tá cửa hàng chuyên bán điện thoại Q-Mobile. Đối tượng mua máy cũng rất đa dạng, từ tầng lớp trung niên, người đi làm cho đến học sinh, sinh viên.

Điều làm các đối tượng khách hàng thích thú với những mẫu điện thoại Q-Mobile là máy hỗ trợ hai SIM, hai sóng. Ngoài chức năng nghe, gọi, nhắn tin, điện thoại Q-Mobile còn hỗ trợ các tính năng giải trí tiện ích khác như chơi nhạc, xem video, bắt sóng TV... Không chỉ dùng máy cho các nhu cầu sử dụng hàng ngày, nhiều khách hàng còn rất chịu khó cập nhật, lên đời các mẫu máy với tính năng mới, trong đó có model Q-Mobile S10 đang "hot", với màn hình cảm ứng và hệ điều hành Android.

Nếu như F-Mobile và Q-Mobile đang dần khẳng định được chỗ đứng tại những phân khúc thị trường với những đối tượng khách hàng riêng biệt, thì những thương hiệu với giá trị gần như con số không như Bluefone, Hi-Mobile hay Hanel-Mobile vẫn còn đang loay hoay, chập chững bước những bước đi đầu tiên. Vấn đề của những thương hiệu này là phải tìm ra hướng đi hợp lý, nếu không, thật khó để họ có thể trụ vững trên thị trường, trước sức cạnh tranh vô cùng lớn từ những thương hiệu đến từ nước ngoài.

Nguyễn Hân

Theo Bưu Điện Việt Nam

Theo Bưu Điện Việt Nam

Bạn có thể quan tâm