Trong khi một số thành phố tại Pháp đã ban hành lệnh cấm phụ nữ mặc đồ bơi Hồi giáo thì Đức hôm qua thông báo nước này đang xem xét việc cấm sử dụng mạng che mặt ở nơi công cộng, CNN đưa tin.
Che mặt và nguy cơ khủng bố
Burqa, loại áo dài che phủ toàn bộ cơ thể và khuôn mặt, là trang phục truyền thống của phụ nữ đạo Hồi. Trong khi đó, burkini, cách gọi xuất phát từ việc ghép hai từ "burqa" và "bikini", dùng để chỉ loại đồ bơi che kín cả người, chỉ để lộ mặt, bàn tay và bàn chân.
"Loại đồ bơi như vậy thể hiện tinh thần tôn giáo một cách quá phô trương. Trong bối cảnh Pháp hiện là mục tiêu của các hành động khủng bố, điều này có thể đưa đến nguy cơ mất trật tự công cộng và cần phải được ngăn chặn", lệnh cấm tại Pháp giải thích.
Hiện 3 thành phố của Pháp đã thông qua lệnh cấm, bao gồm Cannes, Villeneuve-Loubet và Sisco. Thị trưởng của Sisco, ông Ange-Pierre Vivoni, cho rằng đây "không phải là hành vi phân biệt chủng tộc".
"Mục đích của việc này là nhằm mang lại sự bình yên cho cộng đồng. Tôi không chống lại những người Bắc Phi hay Arab. Đây là một phần trong cuộc đấu tranh vì sự đoàn kết của người dân", ông giải thích.
Phụ nữ Hồi giáo mặc trang phục burqa trên đường phố Berlin, Đức. Ảnh: Reuters. |
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho biết nước này dự định cấm sử dụng mạng che phủ toàn bộ khuôn mặt tại những nơi cần xác định nhân thân, bao gồm trường học, văn phòng đăng ký, nhà trẻ và các cơ quan nhà nước.
"Chúng tôi không chấp nhận việc che phủ toàn bộ khuôn mặt. Không chỉ với burqa mà với bất cứ loại mạng che mặt nào chỉ cho thấy đôi mắt", vị bộ trưởng nói. "Điều này là không phù hợp trong xã hội hiện nay".
Trước đó, Pháp và Bỉ cũng đã ban hành lệnh cấm mặc burqa. Đại sứ Pháp tại Mỹ, Gerald Araud, từng lên tiếng rằng trang phục này truyền đi thông điệp phụ nữ là một "mục tiêu của nhục dục, một vật thể và không phải là đại diện của lịch sử".
Quan ngại về lệnh cấm
Tờ Telegraph của Anh đăng tải bình luận của cây bút Juliet Samuel cho rằng lệnh cấm của Pháp là một "hành động cuồng tín ngu ngốc". Cô viết: "Hoàn toàn không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy phụ nữ mặc burkini có mối liên hệ với khủng bố. Cũng không có lý do nào có thể đem ra để giải thích tại sao lệnh cấm sẽ giúp ngăn chặn những hành vi bạo động của người Hồi giáo tại Pháp".
Trong khi nhiều người ủng hộ thì số khác lại bày tỏ sự lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của lệnh cấm. Sundas Ali, giảng viên chính trị học tại Đại học Oxford, cho rằng lệnh cấm có dấu hiệu xâm phạm quyền tự do cá nhân. "Tôi nghĩ một người phụ nữ Hồi giáo hay bất cứ ai đều nên được phép mặc bất cứ thứ gì họ muốn khi đi ra đường".
Cô cũng cho rằng những người ban hành luật đã "quên mất" một trong những giá trị quan trọng nhất của xã hội tự do. "Chúng ta không cần thiết phải cùng tin vào những điều như nhau để có thể sống cùng nhau", cô nói.
Một phụ nữ Hồi giáo mặc burkini (phải) vui vẻ cùng bạn tại bãi biển Bondi, Sydney, Australia. Ảnh: Matrix. |
Nói về hiệu quả của lệnh cấm, nhà báo Nesrine Malik của Guardian nhận định rằng nó "không giúp được gì cho cuộc đấu tranh chống khủng bố". "Trong bối cảnh sự kỳ thị Hồi giáo có chiều hướng gia tăng, việc ban hành luật về burqa hay những loại trang phục tôn giáo là "miếng mồi béo bở" của các chính trị gia. Nó chẳng giải quyết được gốc rễ của nạn khủng bố vốn phức tạp và mờ mịt hơn nhiều so với việc cấm một loại trang phục".
Nhìn ở một khía cạnh khác, giáo sư Sara Silvestri của Đại học London chia sẻ, lệnh cấm tác động nhiều nhất đến những tín đồ Hồi giáo cực đoan.
"Những người Hồi giáo cảm thấy bị "cho ra rìa". Cảm giác "không được chào đón" tác động đến khả năng cũng như ý thức hòa nhập xã hội của họ. Điều này có thể khiến họ xa rời cộng đồng và gia nhập vào những nhóm cấp tiến".
Burqa là trang phục truyền thống của phụ nữ một số nước Hồi giáo và thường bị nhầm lẫn với những loại phục trang tương tự như hijab, niqab. Burqa che phủ toàn bộ cơ thể từ đầu đến chân, bao gồm một phần lưới che đôi mắt. Trong khi đó, niqab là tên chỉ mạng che mặt chừa lại đôi mắt và hijab là tên gọi chung chỉ tất cả các loại phục trang kiểu này.