Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lên kế hoạch thử nghiệm cho vay ngang hàng tại Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo bộ hồ sơ lập đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech trong hoạt động ngân hàng để trình Thủ tướng.

Theo NHNN, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý tài chính nhiều quốc gia phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát cũng như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan đến an ninh, bảo mật thông tin…

NHNN và các cơ quan liên quan tại Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều thách thức mới trong công tác quản lý Nhà nước với sự xuất hiện của các công ty cung ứng giải pháp Fintech hoạt động trong các lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending), các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới…

Trong khi đó, hoạt động của các công ty này hiện nay hầu hết đều chưa có quy định pháp lý cụ thể, do đó những rủi ro phát sinh chưa được kiểm soát đầy đủ.

NHNN cũng cho biết, qua việc xử lý đối với trường hợp Uber và Grab tham gia thị trường vận tải tại Việt Nam đã cho thấy, nếu không có một hành lang pháp lý kịp thời, phù hợp thì việc quản lý Nhà nước có thể gặp nhiều lúng túng khi các công ty cung ứng giải pháp Fintech mở rộng phạm vi hoạt động.

Vì vậy, Việt Nam cần sớm có một khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật…

Thu nghiem cho vay ngang hang tai Viet Nam anh 1

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Sandbox với hoạt động P2P Lending. Ảnh: Quang Thắng.

Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ đang lấy ý kiến về dự thảo xây dựng Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho Fintech trong hoạt động ngân hàng để trình Chính phủ ngay trong năm 2020.

Trong đó, các công ty Fintech được tham gia thử nghiệm nằm trong các lĩnh vực thanh toán; tín dụng; cho vay ngang hàng; hỗ trợ định danh khách hàng; giao diện lập trình ứng dụng mở; các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain; dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng (chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn...)

Tuy nhiên, các giải pháp Fintech tham gia cơ chế thử nghiện phải đáp ứng các tiêu chí như chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý, điều chỉnh; là giải pháp sáng tạo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam hoặc được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính.

Bên cạnh đó, các Fintech này cũng phải thỏa mãn tiêu chí quản lý rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính và hệ thống tài chính. Đồng thời là giải pháp đã được công ty cung ứng hoặc TCTD thực hiện đánh giá phù hợp…

Khi tham gia, các doanh nghiệp sẽ được thử nghiệm trong vòng 1-2 năm. Sau đó, Fintech sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành thử nghiệm (tốt nghiệp) hoặc phải gia hạn thử nghiệm, thậm chí dừng thử nghiệm.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm không đồng nghĩa được cấp phép hoạt động chính thức cho đến khi "tốt nghiệp" (hoặc đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ra thị trường) với sự chấp thuận của Thủ tướng.

Theo số liệu mà NHNN công bố, hiện nay, số lượng các công ty cung ứng giải pháp Fintech lên tới hơn 150 công ty tập trung chủ yếu trong lĩnh vực ngân hàng nói chung.

Trong đó, các công ty này hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 34 tổ chức trung gian thanh toán đã được cấp phép, lĩnh vực P2P Lending có khoảng 40 công ty…

Năm 2019 cũng ghi nhận vốn đầu tư đột biến vào lĩnh vực Fintech tại Việt Nam với hơn 400 triệu USD, cao thứ 2 tại ASEAN sau Singapore và chiếm 36% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech của các khu vực.

Vàng tăng giá phiên thứ 5 liên tiếp

Giá vàng thế giới và trong nước đang giữ xu hướng tăng liên tục khi những thông tin liên quan căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang là động lực chính hỗ trợ giá.

Tham vọng của các ông chủ ngân hàng ACB

Cùng với việc đặt kế hoạch lợi nhuận cao kỷ lục 7.636 tỷ trong năm nay, ACB cũng trình cổ đông thông qua việc chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE ngay trong năm nay.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm