Trên đường phố Bangkok tấp nập người qua lại, để mời chào khách du lịch Anh, các chủ hàng lưu niệm và cò mồi hay sử dụng mưu mẹo kêu to “Manchester United” hoặc “Liverpool”. Đây là hai đội bóng Anh có lượng fan đông nhất ở Thái Lan.
Từ đất nước chùa vàng, cây viết Oliver Holmes của Guardian cho biết, cò mồi nay đã thêm tên Leicester City vào câu mời chào khách du lịch. Đường phố Bangkok ngập tràn màu áo xanh của Leicester City. Người Thái đã nhắc đến Leicester City thường xuyên, bằng niềm tự hào. Đó là đội bóng mang bản sắc người Thái.
Một trong những fan Thái trót yêu mến Leicester City là cô gái Tadsasorn Tangmatikul – fan thứ thiệt của… MU.
Tháng 9/2014, nhà Srivaddhanaprabha từng mời đoàn sư Thái Lan sang làm lễ cầu may. Nghi thức lập tức ứng nghiệm, sau đó vài ngày Leicester thắng ngược MU với tỷ số 5-3. Gạt đi nỗi buồn vì đội nhà thua trận, Tadsasorn Tangmatikul tâm sự: “Leicester City thật đáng yêu và là đội bóng thứ hai tôi phải lòng. Bởi vì đó là một CLB của Thái Lan.”
Cựu HLV Nigel Pearson chào đón nhà sư Thái Lan đến làm lễ cầu may. Ảnh: Getty. |
Nhà tỷ phú Vichai Srivaddhanaprabha – người sở hữu công ty King Power chuyên bán hàng miễn thuế ở các sân bay, mua lại Leicester City vào năm 2010 khi đội bóng đang gặp khó khăn ở giải hạng nhất. Ngày 10/2/2011, Vichai chính thức là ông chủ mới của đội bóng, cùng với sự trợ giúp của người con trai Aiyawatt.
Giống như phần lớn các tỷ phú đầu tư vào bóng đá, mục tiêu đầu tiên và sau cùng của ông Vichai là phục vụ kinh doanh. Cho đến bây giờ, mua lại Leicester xem ra là kế hoạch kinh doanh thành công hàng đầu trong sự nghiệp của tỷ phú. Logo của công ty King Power xuất hiện trên ngực áo của Jamie Vardy, trở thành thương hiệu toàn cầu.
Theo nhận xét của Holmes, thắng lợi lớn nhất của Vichai cho đến hiện tại là chinh phục trái tim công chúng yêu bóng đá trong nước và CĐV Leicester City ở nước Anh.
Trên diễn đàn bóng đá Thái Lan, NHM gọi Leicester là “Bầy cáo của người Xiêm”. Đội truyền thông của Leicester đang vận hành một tài khoản Youtube bằng tiếng Thái.
Các đoạn video đều được gắn logo con cáo với dòng chữ bên dưới “Niềm tự hào của người Thái”. Chân dung của nhà vua Thái Lan và cờ Thái Lan được đưa tới sân King Power trong ngày Leicester vô địch hạng nhất Anh.
Trong năm 2015, nhà Srivaddhanaprabha mở một trường học bóng đá tại Thái Lan mang tên Siamese Foxes Academy, nhằm phát hiện ra những ngôi sao tiềm năng người Thái và đem sang giải Ngoại hạng. Đây là mô hình rất giống với M.U, khi Quỷ đỏ đang có các trường bóng đá tại 8 lãnh thổ trải dài từ châu Á, châu Âu và châu Phi.
Từ tháng một năm ngoái, 16 tài năng trẻ sáng giá của Thái Lan ở độ tuổi 17 đã tham gia tập luyện ở Leicester. Họ đang phấn đấu trụ lại đội bóng, xin visa dài hạn và giấy phép lao động ở châu Âu nhằm hiện thực hóa ước mơ chơi bóng ở châu Âu.
Truyền thông Anh tin rằng giữa Leicester City và người Thái có mối liên kết đặc biệt. Ông Vichai, qua lời kể của người con trai Aiyawatt, là một người tinh tế và kín kẽ. Gia đình Srivaddhanaprabha có lòng tự tôn dân tộc cực cao, không bao giờ muốn thay đổi truyền thống Thái Lan.
Họ là những người sùng đạo Phật, ưa áp dụng triết lý nhà Phật cả trong kinh doanh và điều hành đội bóng. Aiywatt tiết lộ Leicester đang được vận hành theo mô hình của một gia đình.
Muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, mọi người phải biết lắng nghe và chia sẻ. Leicester City cũng thế. “Chúng tôi cố gắng xây dựng Leicester City thành một gia đình. Chúng tôi luôn cố gắng lắng nghe mọi thành viên trong CLB chia sẻ tâm tư nguyện vọng”, Aiywatt tiết lộ.
Phó biên tập viên thể thao Kitinan Sanguansak của nhật báo Thai The Nation nhấn mạnh, phong cách quản lý ở Leicester City là phong cách quản lý của người Thái: “Chất Thái đã tạo ra hiệu ứng tốt đẹp trong lòng CLB. Đó không chỉ là văn hóa, đó còn là thói quen. Người Thái cho người khác nhiều thời gian và cơ hội hơn so với người phương Tây”.
Thật vậy, khi Leicester thi đấu bết bát ở hai phần ba chặng Premier League mùa trước, BLĐ đã kiên nhẫn với HLV Nigel Pearson và cuối cùng đội bóng đã gặt hái quả ngọt.
Nhưng cũng chính vì có tinh thần tự tôn dân tộc cực cao, nhà Srivaddhanaprabha lập tức sa thải HLV Nigel Pearson sau khi con trai James Pearson của ông có hành vi phân biệt chủng tộc ở Thái Lan. Ngoài ra ba cầu thủ khác cũng bị sa thải vì dính líu đến vụ việc.
CĐV Thái đón tiếp Leicester trong chuyến du đấu hè 2014. |
Vụ bê bối làm CLB lúng túng và dư luận Thái Lan nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Ở Thái, truyền thông địa phương bị “bịt miệng” về vụ này, khác với báo chí Anh. Họ tỏ ra cảnh giác với nguy cơ nảy sinh phản ứng tiêu cực từ quốc tế. Khi người Thái đang phát triển ngành công nghiệp tình dục sôi động, họ hẳn nhiên đều muốn sở hữu danh tiếng toàn cầu mang nhiều sắc thái.
Sau vụ bê bối, Leicester City cố gắng duy trì hình ảnh tích cực ở Thái Lan. Họ mời HLV Kiatisuk và các cựu danh thủ Thái làm đại sứ hình ảnh, trong đó có huyền thoại mang biệt danh “Pele trắng” – Zico.
BLĐ đội bóng cố gắng tránh đi vào vết xe đổ của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Thaksin mua Man City vào năm 2007 nhưng các nhà chuyên môn về chính trị đều cho rằng Man City chỉ là diễn viên đóng thế để Thaksin thu hút sự ủng hộ chính trị ở Thái. HLV Sven Goran Eriksson khẳng định Thaksin không đủ hiểu biết về bóng đá.
Ông Vichai ở vị thế thấp hơn cựu thủ tướng Thaksin nên hầu như né tránh sự chú ý của báo chí. Khi có cuộc gọi của báo chí đặt vấn đề phỏng vấn, nhân viên trực trụ sở Leicester City hay trả lời: “Ông Vichai hiếm khi có mặt ở thành phố. Tôi cũng không rõ bao giờ ông ấy đến”.
Leicester City quả nhiên may mắn hơn Cardiff City do ông chủ Vincent Tan người Malaysia sở hữu. Ông này từng tiến hành những thay đổi làm hủy hoại hình ảnh đội bóng. Rõ ràng cách làm bóng đá hội tụ đủ “tâm” và “tầm” của các ông chủ người Thái đã giúp Leicester gặt hái quả ngọt.