Người hâm mộ bóng đá Hải Phòng hẳn chưa thể quên Leandro de Oliveira da Luz. Cầu thủ có biệt danh “King” Leandro chơi 3 mùa ở Hải Phòng, ghi 53 bàn sau 68 trận. Anh chuyển tới Bình Dương, mâu thuẫn với ban huấn luyện và trở về Brazil hồi năm 2011.
Đến năm 2013, Leandro trở lại Đông Nam Á. Lần này, anh không chọn Việt Nam. Đội bóng Leandro đầu quân là Singhtarua (tiền thân của Port), khi đó đang chơi ở hạng Nhì Thái Lan.
Đó là vấn đề. Leandro chia tay đội bóng số một Việt Nam thời ấy, nhưng chọn tới chơi cho một CLB hạng dưới của Thái Lan. Sự kiện Leandro báo hiệu sự vươn lên của Thai League so với V.League tại Đông Nam Á.
Leandro từng thành công ở CLB Hải Phòng và Bình Dương trước khi dứt tình với bóng đá Việt Nam để tới Thái Lan. |
Chiến thắng của Thai League
Dòng chảy chuyển nhượng cầu thủ có một quy luật bất biến: Người giỏi đổ về giải đấu chất lượng, trả thù lao cao hơn.
Lịch sử bóng đá Đông Nam Á từng chứng kiến dòng chảy ấy đổ về Việt Nam. Năm 2002, bầu Đức chiêu mộ ngôi sao số một Đông Nam Á thời ấy là Kiatisak Senamuang theo đúng cái cách Singhtarua chiêu mộ Leandro. HAGL khi ấy còn chơi ở hạng Nhất, là đội bóng vô danh cả với người hâm mộ Việt.
Về sau, Kiatisak thừa nhận anh chọn HAGL một phần vì mức lương cao ngất ngưởng, vượt trội các đối thủ của bầu Đức. Sau Kiatisak, dòng chảy tuyển thủ Thái Lan đổ về Việt Nam. Ngoài “Sắc”, Dusit Chalermsan, Datsakorn Thonglao và nhiều tên tuổi lớn khác lần lượt gia nhập V.League.
V.League thời ấy lên chuyên nghiệp trước Thai League, có đại diện chơi tại AFC Champions League, trả lương cao nhất, thu hút nhiều ngoại binh giỏi nhất.
Thực tế ấy không chỉ được chứng minh bởi các tuyển thủ Thái Lan. Cũng trong giai đoạn đó, V.League đón hàng loạt tên tuổi đẳng cấp. Tuyển thủ Mỹ Lee Nguyễn đến HAGL năm 2009, cựu tiền đạo U23 Brazil Leandro gia nhập Hải Phòng hồi 2008, cựu cầu thủ Benfica Cristiano Roland gia nhập Hà Nội T&T năm 2007. Đỉnh cao của thời kỳ này là hợp đồng của Hải Phòng với Denilson, thành viên tuyển Brazil, từng là cầu thủ đắt giá nhất thế giới.
Dòng chảy chuyển nhượng Đông Nam Á từng đổ về Việt Nam với Kiatisak là cái tên tiêu biểu. Ảnh: Getty. |
Bỏ qua mặt trái của cơn mưa kim tiền, sự phát triển của V.League trong thời kỳ này phần nào giúp tuyển thủ Việt được cạnh tranh với những ngoại binh giỏi, có môi trường để nâng cao trình độ. Có tình cờ không khi giai đoạn này cũng là thời kỳ tuyển Việt Nam vào tứ kết Asian Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008, còn U23 vào chung kết SEA Games 2009?
Vài năm sau, khi các ngoại binh giỏi không còn tới Việt Nam, đội tuyển cũng bước vào thời kỳ đen tối nhất kéo dài từ năm 2011 tới 2014. Đó cũng là thời kỳ bóng đá Việt Nam bắt đầu mất người vào tay Thái Lan. Ngoài thương vụ Leandro đã được nói tới ở trên, HLV trưởng tuyển Việt Nam Henrique Calisto cũng chia tay đội tuyển để tới Muangthong hồi năm 2011. Gần chục năm qua, V.League chỉ đón một cái tên đẳng cấp là Nastja Ceh (46 trận cho tuyển Slovenia, dự World Cup 2002).
Chiều ngược lại, thời kỳ đỉnh cao của tuyển Thái từ 2013 tới 2017 cũng tương ứng với giai đoạn Thai League vươn lên trở thành giải đấu số một khu vực. Giống như V.League trước đó, họ đưa về những ngoại binh giỏi, trả lương cao nhất, nắn lại dòng chảy chuyển nhượng của bóng đá Đông Nam Á. Mức lương ngoại binh ở V.League khi đó là khoảng 5.000 USD, con số tương tự của Thai League dành cho ngoại binh là trên 10.000 USD.
Cầu thủ giỏi chọn giải đấu mạnh và trả lương cao. Quy luật ấy không bao giờ thay đổi.
HLV Henrique Calisto chia tay tuyển Việt Nam để tới Muangthong hồi năm 2011. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lee Nguyễn sẽ nâng tầm V.League?
Lịch sử 2 thập kỷ V.League không chứng kiến nhiều tên tuổi đẳng cấp cao. Lee Nguyễn là người hiếm hoi thuộc số ít đó. 9 lần khoác áo tuyển Mỹ, từng được Guus Hiddink và Juergen Klinsmann khen ngợi, là một trong những tiền vệ công hay nhất MLS thập kỷ qua, Lee Nguyễn chắc chắn không kém bất kỳ ngôi sao nào từng xuất hiện ở Đông Nam Á.
Khi thương vụ Lee Nguyễn được công bố chính thức, đó chắc chắn là một tiếng nổ lớn.
Tên tuổi, đẳng cấp, lựa chọn khác biệt của Lee Nguyễn sẽ buộc các trang báo thể thao khắp nước Mỹ, Đông Nam Á và khu vực phải chú ý tới. Truyền thông quốc tế sẽ nói về một tuyển thủ Mỹ từng được Klinsmann chú ý, đang đàm phán để chuyển tới chơi bóng ở Việt Nam.
Đấy sẽ là một quyết định đặc biệt, thậm chí khiến nhiều người khó hiểu của Lee Nguyễn.
Về tiền bạc, chấp nhận 1 triệu USD sau 2 năm của TP.HCM nghĩa là Lee Nguyễn không có nhiều tiền hơn ngày còn thi đấu cho Inter Miami. Tại đội bóng Mỹ, Lee nhận 50.000 USD/tháng, tức 1,2 triệu USD cho 2 năm. Dù có thêm những thu nhập khác ở Việt Nam, tài khoản của Lee gần như không đổi.
Về cơ hội, đến V.League nghĩa là Lee tự khép lại cánh cửa lên đội tuyển quốc gia của anh. Lần gần nhất Lee được gọi là năm 2018. Ở lại Mỹ, anh vẫn còn cơ hội. Chi tiết này đặc biệt quan trọng, bởi cơ hội lên tuyển từng là lý do khiến Lee kiên quyết rời Việt Nam hồi năm 2011.
Lee Nguyễn trong một trận giao hữu với Dortmund. Ảnh: Getty. |
Có một bối cảnh chung cho hai lần Lee Nguyễn đồng ý về Việt Nam. Năm 2009 và 2020 đều là giai đoạn thăng hoa của các đội tuyển quốc gia. Trước Lee, nhiều cầu thủ Việt kiều chất lượng đã bày tỏ tình cảm với tuyển Việt Nam như Filip Nguyễn, Jason Quang-Vinh Pendant, một số khác về hẳn V.League như Michal Nguyễn, Martin Lo. Nghĩa là với họ, V.League đã thay đổi, khác so với quá khứ, trở nên thu hút hơn. Thành công của các đội tuyển đã tác động tới họ theo những mức độ khác nhau.
Lee Nguyễn là thương vụ đình đám nhất trong số đó và có thể là khởi đầu cho những thay đổi. Lee tới Việt Nam vì anh nhìn thấy giải đấu này đã khác hồi năm 2011, vì anh thấy mình có thể an toàn chơi bóng tại đây, vì anh biết sẽ không còn ai lao vào ăn chân, không còn ai muốn triệt hạ mình. Lee tới Việt Nam vì anh nhìn thấy ánh sáng từ các đội tuyển, vì anh thấy một cơ hội ở một giải đấu đang tiến lên.
Sự có mặt của Lee chắc chắn chưa thể thay đổi dòng chảy chuyển nhượng ở khu vực. Tuy nhiên, nó nói rằng trong một chừng mực nào đó, V.League đã có sức hút hơn, khả năng lôi kéo các ngôi sao. Những ngôi sao sau này sẽ nhìn vào lựa chọn của Lee, sẽ có thêm động lực khi cân nhắc cho tương lai của họ.
Dù thế nào đi nữa, V.League chắc chắn hưởng lợi nếu có sự xuất hiện của Lee. Có Lee Nguyễn thứ nhất, tương lai có thể có Lee Nguyễn thứ hai, thứ ba và nhiều hơn nữa.