Sau khi Iraq từ chối đá giao hữu với Việt Nam vì lo ngại dịch Covid-19, Kyrgyzstan được lựa chọn thay thế. Đội bóng Trung Á là gương mặt lạ lẫm ở sân chơi châu lục, danh tiếng thua xa Iraq.
Tuy nhiên, Kyrgyzstan là đội tuyển không thể bị xem thường. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của “Chim ưng trắng” được xem là một trong những hiện tượng thú vị nhất bóng đá châu Á 5 năm qua.
Kyrgyzstan (áo trắng) chỉ thua tối thiểu trước Hàn Quốc, Trung Quốc ở Asian Cup 2019. Ảnh: News.cn. |
Nền bóng đá non trẻ
Khi những cầu thủ kỳ cựu được HLV Park Hang-seo triệu tập lên tuyển như Nguyễn Tuấn Mạnh, Nguyễn Trọng Hoàng chào đời, bóng đá Kyrgyzstan còn chưa xuất hiện trên bản đồ thế giới.
Liên đoàn Bóng đá Kyrgyzstan ra đời vào năm 1992. Trận đầu tiên của Kyrgyzstan là thất bại 0-3 trước Uzbekistan tại Giải vô địch Trung Á vào ngày 23/8/1993. Đó cũng là trận thua cho thấy sự non nớt và báo hiệu giai đoạn hình thành đầy khó khăn của “Chim ưng trắng".
Do không đủ cơ sở vật chất để tổ chức các giải quốc tế, liên tiếp các năm 1993 và 1994, Kyrgyzstan chỉ có thể tham dự các giải giao hữu với tư cách khách mời. Nền bóng đá kém phát triển của họ toàn thua trước Uzbekistan, Tajikistan hay Iran.
20 năm sau khi chào đời, Kyrgyzstan vẫn là đội bóng “nhược tiểu” ở Trung Á, xếp sau những đối thủ hàng xóm như Uzbekistan, Tajikistan hay Turkmenistan. Ngoại trừ năm 1997 thi đấu vòng loại World Cup, tuyển quốc gia Kyrgyzstan chưa bao giờ đá quá 6 trận trong một năm dương lịch, thậm chí có năm không đá trận nào.
Trước năm 2010, Kyrgyzstan vẫn ở đâu đó ngoài tốp 200 FIFA.
Hạ tầng bóng đá phát triển là thứ không thể tìm thấy ở Kyrgyzstan. Trận đầu tiên trong lịch sử bóng đá nước này diễn ra trước sự chứng kiến của trên dưới 1.000 khán giả. Theo Anna Osmonalieva, giám đốc kênh Kyrgyz Sport Channel, đến năm 2016, Kyrgyzstan chỉ có duy nhất một kênh truyền hình thực sự quan tâm tới bóng đá.
Kyrgyzstan có nền bóng đá non trẻ nhất Trung Á. Ảnh: 24.kg. |
Sự trỗi dậy của Kyrgyzstan
Kyrgyzstan thiếu đi thứ “gia vị” quan trọng nhất nhất để xây dựng một đội tuyển quốc gia hùng mạnh, đó là tình yêu bóng đá. Tại quốc gia Trung Á này, bóng đá đứng sau vật, judo và kok boru - môn cưỡi ngựa chơi rugby.
Một đội tuyển chỉ đá 38 trận suốt 20 năm, tỷ lệ thắng 26,3% có thể lọt vào vòng 16 đội Asian Cup 2019, khiến Hàn Quốc, Trung Quốc hay chủ nhà UAE phải khổ chiến?
Bước ngoặt của bóng đá Kyrgyzstan xuất hiện vào năm 2012, khi HLV Sergey Dvoryankov đề xuất chương trình nhập tịch cầu thủ.
Thay vì đặt niềm tin vào các cầu thủ bản địa, Kyrgyzstan nhập tịch hàng loạt cái tên đang thi đấu ở giải Ngoại hạng nước này. Khi cầu thủ Tây Phi đầu tiên là Olawale Sunday tới đây, trong mắt anh ta, Kyrgyzstan không có gì ngoài “tham nhũng tràn lan” và “luật pháp lỏng lẻo”.
Nhưng sau thời của Sunday, quốc gia nghèo khó ở Trung Á dần trở thành “đất hứa” với cầu thủ châu Phi. Nhiều người trong số đó đã nhập tịch và cùng xây dựng nền móng đội tuyển như David Tetteh, Elijah Ari và Daniel Tagoe (đều gốc Ghana) hay Claude Maka Kum (sinh ra ở Cameroon).
Kyrgyzstan suýt đánh bại chủ nhà UAE ở Asian Cup. Ảnh: AFP. |
Tất cả tạo nên một Kyrgyzstan thăng tiến thần tốc. Dưới sự dẫn dắt của HLV Aleksandr Krestinin, “Chim ưng trắng” trải qua chiến dịch vòng loại World Cup 2018 thành công nhất lịch sử với vị trí thứ ba vòng loại hai.
4 chiến thắng sau 8 trận, gần bằng 1/3 số trận thắng của... 20 năm trước cộng lại giúp Kyrgyzstan tạo ra vị thế mới. Trong đó, thắng lợi 1-0 trước Jordan của Tây Á hôm 17/11/2015 là chiến công lịch sử. Kyrgyzstan cũng tự hào xếp trên Tajikistan - đội láng giềng đáng ghét từng áp đảo họ suốt hai thập kỷ.
Sau trận thua 1-2 trước Australia (16/6/2015), các cầu thủ Kyrgyzstan được đối đãi như người hùng. CĐV reo hò, nhảy múa, chụp ảnh kỷ niệm cùng cầu thủ. Đó là khoảnh khắc đánh dấu sự chuyển mình của bóng đá Kyrgyzstan. Cuối cùng, môn thể thao vua đã có chỗ đứng tại quốc gia này, không kém cạnh judo hay kok boru.
“Chúng tôi từng đá đúng 5 hay 7 trận trong 3 năm, để rồi hôm nay, Kyrgyzstan nuôi mộng World Cup và Asian Cup. Một hệ thống phát triển bóng đá theo chiều dọc được xây dựng với những nguyên tắc nhất quán đã tạo ra nguồn lực lớn. Giờ thì bóng đá trẻ và các đội tuyển trẻ Kyrgyzstan đều được tạo điều kiện phát triển, những thứ tinh hoa nhất sẽ chảy vào đội tuyển quốc gia”, Osmonalieva chia sẻ.
Kyrgyzstan thiếu những sân bóng chất lượng nhưng điều đó đang được cải thiện dần. Ảnh: Futbolgrad. |
Kyrgyzstan đã “phổ cập” giải Ngoại hạng trên YouTube. Bóng đá không còn là điều xa lạ ở đất nước non trẻ này. Nhờ có thành tích, bóng đá Kyrgyzstan được cổ vũ phát triển, đầu tư để tái lập thành tích cao hơn.
Khoảnh khắc Vitalij Lux lập cú hat-trick giúp Kyrgyzstan đè bẹp Philippines 3-1 để chính thức tiến vào vòng 1/8 Asian Cup sẽ còn được CĐV bóng đá nước này nhớ rất lâu. Tại vòng loại World Cup 2022, Kyrgyzstan đang xếp nhì bảng, và một lần nữa đứng trên “láng giềng đáng ghét” Tajikistan. Họ chỉ chịu xếp dưới người khổng lồ Nhật Bản.
Tháng 9/2019, Liên đoàn Bóng đá Thế giới hỗ trợ Kyrgyzstan số tiền 120.000 USD để sắm xe bus giúp các CLB di chuyển thuận lợi hơn. Giữa nơi đồi núi cao nguyên này, cái nghèo còn hiện hữu, song khó khăn không cản được sức sống vừa bùng cháy mãnh liệt của bóng đá Kyrgyzstan.
Ngày 26/3 tới tại Gò Đậu, thầy trò Park Hang-seo sẽ được tận mắt chứng kiến “ngọn lửa Trung Á” này.