bình luận
Lee Nguyễn là cầu thủ điển hình nhất cho chiến dịch vung tiền chiêu mộ nhân tài của CLB TP.HCM: một ngôi sao đúng nghĩa, với vẻ ngoài điển trai cùng tài năng đã được khẳng định tại Mỹ. Khoản tiền 500.000 USD để mua một năm hợp đồng là con số cho thấy giá trị thương hiệu của Lee Nguyễn.
Sau 12 vòng, tiền vệ mang áo số 24 đang chứng minh bản thân xứng đáng với từng đồng đội bóng chủ quản bỏ ra. Sau 3 năm chi tiêu mạnh tay, CLB TP.HCM cũng mang về một cầu thủ đáng “đồng tiền bát gạo”.
Lee Nguyễn ghi 5 bàn từ đầu mùa, chiếm hơn một phần ba tổng số bàn thắng bên phía CLB TP.HCM. Ảnh: Y Kiện. |
Đẳng cấp Lee Nguyễn
CLB Hải Phòng không phải đối thủ dễ chơi với thầy trò HLV Alexandre Polking ở trận đấu chiều 2/5. Đội bóng đất Cảng từng cắt mạch thắng của CLB TP.HCM mùa trước. Lối chơi rắn, áp sát nhanh và phòng ngự lùi sâu của Hải Phòng là khắc tinh với những đội bóng đá bóng ngắn, nhuyễn như CLB TP.HCM. Cộng hưởng với tinh thần hưng phấn sau trận thắng SLNA, Hải Phòng đã chơi đầy quyết tâm
Đội bóng của HLV Phạm Anh Tuấn đặt hàng công đội TP.HCM vào thế khó và suýt có bàn thắng khi một lần sút trúng cột, một lần khiến Bùi Tiến Dũng phải trổ tài. Dù vậy, Hải Phòng vẫn thua 3 bàn không gỡ. CLB TP.HCM chơi không đặc sắc, nhưng họ có Lee Nguyễn.
Ngôi sao mang áo số 24 là khác biệt lớn nhất giữa hai đội. Hải Phòng không thể chơi bóng mạch lạc khi thiếu một nhạc trưởng điều nhịp ở khu trung tuyến, trong khi CLB TP.HCM, ở những cơ hội lên bóng không thường xuyên xuất hiện, vẫn tạo được điểm nhấn nhờ khả năng quan sát, khai thác không gian cực tốt của Lee Nguyễn.
Dù bị hậu vệ Hải Phòng theo sát và đá rắn, Lee Nguyễn vẫn tìm ra khoảng không để xoay xở. Phút 16, ngôi sao Việt kiều đỡ bóng dính chân sau đường nhả của tiền đạo, xử lý một nhịp loại bỏ tầm chắn của tiền vệ đội khách rồi tung cú sút xa mẫu mực tung lưới Nguyễn Văn Toản.
Đó là pha tấn công với xác suất ghi bàn rất thấp. 5 hậu vệ Hải Phòng siết chặt vùng cấm, còn tiền vệ CLB TP.HCM chưa kịp dâng cao. Biến một pha bóng không rõ ràng trở thành bàn thắng, đó là phẩm chất của một ngôi sao.
“Tôi hạnh phúc khi có Lee Nguyễn trong đội hình. Lee là cầu thủ xuất sắc. Tôi tin chắc ở Việt Nam, Lee đá ở đội nào cũng sẽ nổi bật”, HLV Polking khen ngợi, trong khi HLV Phạm Anh Tuấn của Hải Phòng khen ngợi Lee Nguyễn “điều nhịp trận đấu quá tốt”.
Tầm ảnh hưởng của Lee Nguyễn không chỉ thể hiện ở từng khoảnh khắc, mà bao trùm toàn cục lối chơi của CLB TP.HCM. Anh lùi về sân nhà kéo bóng, tham gia phối hợp thoát pressing, cầm nhịp lối chơi và tham gia kiến tạo, ghi bàn. Lee Nguyễn là phiên bản tóm tắt của tổng thể trận đấu khi thực hiện có mặt trong hầu hết công đoạn tấn công của đội chủ sân Thống Nhất.
CLB TP.HCM mới thắng 1 trận từ đầu mùa mà Lee Nguyễn không ghi bàn. Đội bóng của HLV Polking quá phụ thuộc vào cầu thủ mang áo số 24. Ảnh: Y Kiện. |
Không còn sung mãn, dẻo dai và ưa rê dắt như 10 năm trước, Lee Nguyễn chơi bóng tối giản hơn, giảm tính duy mỹ và chủ yếu đề cao hiệu quả. Anh chuyền nhanh, đập nhả một chạm, xuất hiện đúng lúc ở những vùng không gian do đối thủ bỏ lại để kiến tạo hoặc ghi bàn.
Trong 3 bàn thắng được ghi từ bóng sống vào đầu mùa giải, Lee Nguyễn đều xử lý nhanh, gọn và không có động tác thừa. Giống như thứ rượu vang ủ càng lâu, càng ngon, thời gian bào mòn thể lực của Lee Nguyễn, nhưng đền đáp cho cầu thủ này nền tảng kinh nghiệm và óc quan sát tinh tế được mài giũa trong một thập kỷ chơi bóng ở Mỹ. CLB TP.HCM bỏ ra 500.000 USD là để sở hữu độc quyền những phẩm chất này.
“Có thời gian dài hòa nhập, Lee Nguyễn sẽ tiến xa. Cậu ấy đã ở độ chín về chuyên môn rồi”, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng tự hào chia sẻ. Sau 3 năm, đội chủ sân Thống Nhất có nhiều bản hợp đồng thất bại, song khoản đầu tư cho Lee Nguyễn chắc chắn không nằm trong vòng xoáy lãng phí tiền của.
Mặt trái của sự phụ thuộc
Tuy nhiên, Lee Nguyễn càng nổi bật, HLV Polking càng lo lắng. CLB của ông đang phụ thuộc vào cảm hứng của một ngôi sao, mà lịch sử V.League chưa từng ghi nhận “đội bóng một người” nào có thể cạnh tranh đỉnh cao.
Bóng đá hiện đại ngày càng đòi hỏi cao hơn ở tốc độ, thể lực, khả năng ứng biến và chuyển đổi trạng thái với hàm lượng toan tính và chiến thuật nặng nề hơn. Ngôi sao có thể tỏa sáng, chơi hay một vài trận, còn cái gốc của đội bóng vẫn là sức mạnh tập thể.
“Tiêu chí của CLB TP.HCM là xây dựng tập thể mạnh, mọi cá nhân đều bình đẳng và đóng góp như nhau. Đội hình có thể có những ngôi sao, có cầu thủ ngồi dự bị, nhưng quan trọng là CLB TP.HCM không tập trung vào ngôi sao hay cá nhân nào. Mọi cầu thủ ở đội bóng đều có đóng góp nhất định”, Chủ tịch Hữu Thắng nhấn mạnh.
Lối đá của Polking xây dựng cho CLB TP.HCM cũng dựa trên nền tảng tập thể. HLV người Đức muốn học trò luân chuyển bóng bằng những đường chuyền ngắn từ hàng phòng ngự, phối hợp tiếp cận khung thành bài bản và không chơi bóng bổng, bóng dài. Polking cần những ngôi sao để vận hành lối đá phức tạp, nhưng sự hòa hợp trong lối chơi vẫn là yếu tố sống còn.
CLB TP.HCM còn nhiều cầu thủ tấn công chưa được khai phá hết tiềm năng như Ti Phông, Huy Toàn, Tuấn Tài. Ảnh: Minh Chiến. |
Lee Nguyễn không thể thay thế đồng đội để thực hiện mọi công đoạn tấn công. Xây dựng lối chơi quanh một cầu thủ đã 34 tuổi cũng là phương án mạo hiểm. Lee Nguyễn đã đóng góp 35% số bàn thắng của đội từ đầu mùa dù nghỉ tới 3 trận. CLB TP.HCM chỉ thắng 1 trận từ đầu mùa khi Lee Nguyễn không ghi bàn. Tiền vệ này bị phong tỏa, CLB TP.HCM sẽ bế tắc, mà Lee Nguyễn không thể lúc nào cũng thắp sáng cầu trường chỉ bằng một cú vung chân.
CLB TP.HCM từng là nạn nhân của sự phụ thuộc. Mùa 2020, đội bóng của HLV Chung Hae-seong phó thác nhiệm vụ tấn công vào nguồn cảm hứng Nguyễn Công Phượng. Tiền đạo xứ Nghệ chơi tốt với 6 bàn thắng, nhưng khi anh không ghi bàn, CLB TP.HCM chỉ thắng nổi 2 trận suốt giai đoạn một. Vắng Công Phượng ở giai đoạn đua vô địch, “Chiến hạm đỏ” lập tức rơi vào khủng hoảng.
HLV Polking đang thiếu một “kế hoạch B” để gỡ tảng đá áp lực khỏi đôi vai ngôi sao sáng giá nhất đội. “Vấn đề không phải phòng ngự hay tấn công, mà HLV có cầu thủ giỏi để đáp ứng điều đó hay không. CLB TP.HCM thay 4 HLV trong 5 năm qua thì rất khó ổn định. Lee Nguyễn là cầu thủ kiến thiết chứ không phải dứt điểm. Cậu ấy cần có đồng đội tốt”, chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích.
CLB TP.HCM đã thải loại Dario Junior vì phong độ yếu kém, nhưng cả Junior Barros, Joao Paulo hay tân binh Patrick da Silva đều bất ổn. Paulo mới ghi 1 bàn sau 12 trận đầu mùa, còn Barros bị mỉa mai là ngoại binh được CLB TP.HCM tìm kiếm ở “phố Tây Bùi Viện”. Những nội binh tài năng không kém cạnh như Lâm Ti Phông, Võ Huy Toàn,... đến lượt cuối giai đoạn một mới được sử dụng.
Vấn đề của CLB TP.HCM là HLV Polking không có một chiến lược cụ thể để phát huy năng lực Lee Nguyễn. Vị trí của anh bất biến, nhưng các cầu thủ xung quanh… luôn luôn thay đổi. “Chiến hạm đỏ” thắng bằng những khoảnh khắc cá nhân, hơn là đẳng cấp của một tập thể, dù ngoài Lee Nguyễn, CLB TP.HCM có rất nhiều cầu thủ tài năng khác.
Phụ thuộc vào Lee Nguyễn chỉ mang tới sự lãng phí năng lực khủng khiếp, kìm hãm CLB TP.HCM khỏi mọi cuộc đua danh vọng mà đội bóng này luôn ao ước chen chân.