Thương vụ Lee Nguyễn không phải là lần đầu tiên trong vài năm qua, CLB TP.HCM làm tất cả chú ý với những quả “bom xịt” của họ.
Trước Lee Nguyễn, Dimitar Berbatov, Rodrigo Possebon, David N’Gog đều từng được liên hệ với đội bóng này theo những kịch bản giống hệt nhau: ngôi sao đẳng cấp thế giới, tên tuổi được biết tới tại Việt Nam, tưởng như ký tới nơi nhưng đều bất thành.
Cả bốn thương vụ ấy đều mang tới một cảm giác chung: hàm lượng chuyên môn thấp hơn giá trị truyền thông.
Lee Nguyễn và Berbatov là hai cái tên tiêu biểu cho “chính sách ngôi sao” ở TP.HCM vài năm trở lại đây. Đồ họa: Minh Phúc. |
"Bánh vẽ" ở CLB TP.HCM
Mùa 2017, CLB TP.HCM chơi mùa giải V.League đầu tiên sau nhiều năm ngụp lặn ở hạng Nhất. Một trong những việc đầu tiên họ làm khi thăng hạng là đưa về vị chủ tịch vốn cũng là một ngôi sao “hot” của bóng đá Việt. Đó là Lê Công Vinh.
Từ đó trở đi, mỗi năm, họ đều đặn liên hệ với một tên tuổi lớn. Đầu mùa 2017, tin đồn gắn CLB miền Nam với Berbatov. Đến năm 2018, họ đưa Possebon về thử việc. Cuối 2019, họ kéo David N’Gog vào phòng kiểm tra y tế trước khi thất bại trong việc chiêu mộ cái tên mới nhất là Lee Nguyễn.
Điểm chung trong các thương vụ ấy là lỗi đều không thuộc về TP.HCM. Berbatov chỉ là “tin đồn”, không có xác nhận từ đội bóng. Possebon bị thanh lý vì không đáp ứng được kỳ vọng. N’Gog thất bại trong kiểm tra y tế còn Lee Nguyễn không tới được vì David Beckham từ chối bán. Nghĩa là trong cả 4 thương vụ, TP.HCM đều rất thiện chí, đều thực tâm muốn có còn thất bại là lỗi của đối tác.
Chính sách ngôi sao của CLB TP.HCM thống nhất theo chiều ngang qua từng mùa giải, ổn định theo chiều dọc từ trên xuống dưới. Sau khi Công Vinh ra đi, chủ tịch kế tiếp của họ là cựu HLV trưởng tuyển quốc gia Nguyễn Hữu Thắng. Trước khi Chung Hae-seong có mặt, hai người tiền nhiệm là cựu cầu thủ Pháp Alain Fiard và Toshiya Miura.
Cựu “Quỷ đỏ” Dimitar Berbatov là ngôi sao lớn nhất từng “có liên hệ” với CLB TP.HCM. Dễ nhận thấy, các thương vụ đáng chú ý của đội bóng miền Nam thường liên hệ với Manchester United và Liverpool, hai CLB có rất nhiều CĐV tại Việt Nam. Ảnh: Getty. |
Đó đều là những nhân vật tên tuổi, dễ lên báo và tốt cho việc làm hình ảnh.
Những năm qua, chính sách nhân sự của họ “không đụng hàng” ở V.League. So với Thanh Hóa và CLB Hà Nội, TP.HCM tỏ ra không thiếu tiền. Nhưng họ từ chối gây ấn tượng bằng lò đào tạo trẻ, không đưa về những nội binh giỏi và đồng thời không tạo ra sức mạnh thực sự ở V.League. Phần lớn thương vụ của họ có yếu tố nước ngoài, khó kiểm chứng nguồn và gây nghi ngờ về giá trị chuyên môn.
Vấn đề là những nỗ lực rất lớn ấy không mang tới hiệu quả như họ kỳ vọng. Hai mùa bóng 2017 và 2018, CĐV ít tới sân để xem những trận đấu của đội bóng TP.HCM. Sân Thống Nhất thường chỉ đón đông khán giả trong những trận đấu có SLNA hay CLB Hà Nội tham dự.
CLB TP.HCM thành công với cách làm bóng đá căn cơ, một đội hình ít ngôi sao, một lối chơi tập thể mạnh mẽ ở mùa giải 2019. Ảnh: Minh Chiến. |
Nghịch lý ở đội TP.HCM
Năm 2019, CLB TP.HCM lần đầu tiên có những thay đổi tích cực.
Họ chỉ đón một ngôi sao thực thụ là HLV Chung Hae-seong. Mùa ấy, họ xây dựng ê kíp Hàn Quốc đông đảo nhất V.League, trao cơ hội cho nhiều tài năng trẻ và nội binh vô danh. Đội TP.HCM không cần một Công Phượng trên thảm cỏ, chẳng sở hữu một chủ tịch thích xuống đường bán vé, nhưng vẫn thăng tiến trên bảng xếp hạng
Dưới bàn tay ông Chung, TP.HCM bám đuổi Hà Nội tới những vòng cuối cùng và chính thức trở thành thế lực số 2 tại V.League. Nhiều cầu thủ hạng B của họ bước ra ánh sáng, thậm chí lên tuyển như Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Văn Thuận, Nguyễn Công Thành. Giống như HLV Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam, ông Chung không dựa vào một ngôi sao nào. Đội bóng của ông mang tới cảm giác gắn kết, mạnh mẽ theo kiểu gia đình như chính lời HLV này từng nói với Zing.vn: “Tôi bây giờ là HLV rất vui. Khi có 30 học trò như này, ai không muốn làm việc ở đây?”
Đó là nghịch lý. Mùa giải thành công duy nhất của CLB TP.HCM là khi họ đi ngược hoàn toàn với cách làm cũ.
Những gì đã có tại CLB TP.HCM năm ngoái cho thấy họ có thể thành công và thực tế đã thành công với triết lý bóng đá căn cơ, bài bản. V.League 2019 cũng là mùa đầu tiên sân Thống Nhất chứng kiến lượng CĐV tới sân tăng đột biến. Nhưng ban lãnh đạo CLB TP.HCM có lẽ chưa thấy thế là đủ.
Thành tựu mùa trước của ông Chung càng đáng nể thì hoài nghi mùa này càng tăng lên sau các động thái vừa qua của đội bóng. Cùng với Lee Nguyễn, các thương vụ của Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Công Phượng đều phản ánh sự trở lại của “chính sách ngôi sao” tại CLB TP.HCM.
Bùi Tiến Dũng sẽ phải cạnh tranh suất bắt chính tại CLB TP.HCM. Ảnh: Minh Chiến. |
Tiến Dũng có quá ít cơ hội trước một Thanh Thắng đang chơi ổn định. Công Phượng vừa thất bại tại Bỉ và chỉ gắn bó với đội bóng nửa mùa giải. Còn vụ Lee Nguyễn mang tới cảm giác PR mạnh mẽ hơn cả. Nếu thương vụ ấy là tính toán lâu dài, tại sao đội bóng không xúc tiến nó trong 4 tháng nghỉ của V.League? Ngay cả khi V.League đã lùi lịch, tại sao thương vụ vẫn không hoàn thành và chỉ diễn ra vào những ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng?
Tại sao TP.HCM phải bày thật nhiều “bánh vẽ” trong khi họ hoàn toàn có thể làm thật, ăn thật, vừa chơi thứ bóng đá chất lượng, vừa kéo người hâm mộ tới sân?
Những hoài nghi đã xuất hiện trong năm thứ 2 của ông Chung Hae-seong ở đội TP.HCM. Làm sao để đội bóng vừa chơi tốt, vừa chiều lòng giới chủ? Mua ngôi sao về làm gì nếu để họ trên ghế dự bị? Nhưng để họ ra sân thì chuyên môn của đội bóng có thay đổi nhiều không?
Nếu TP.HCM đủ tiền, họ có thể đem về bao nhiêu ngôi sao tùy ý. Tuy nhiên, hai đội bóng nhiều cái tên xuất sắc nhất V.League hiện tại đều đã tự mình tạo nên những ngôi sao.